Truyện ngắn của Chu Minh Khôi
Đăng trên Báo Hải Dương ngày 26.12.2004
Đăng trên Tạp chí Cửa Việt tháng 6.2005
Đăng trên Tạp chí Đường Sông năm 2003
T
|
rước khi về cửa Ba Lạt, Hồng Hà sinh con đẻ cái, chia nước cho các chi lưu. Đào giang rẽ sang lối Đáy, Ninh Cơ trườn tới Thịnh Long, sông Sò vuốt ve Cồn Lu, Cồn Ngạn rồi đổ ra cửa Hà Lạn. Gần nơi sông Sò dừng lại, lặng lẽ một bến đò ắp đầy huyền thoại – bến Hà Lạn. Bên này Hải Hậu đồng lúa tám thơm rì rào nắng gió, phía kia bãi tắm Quất Lâm vừa được phục sức từ miệt biển chân quê.
Bến đò Hà Lạn có cây đa cổ thụ, hàng muôn sợi rễ xoắn xuýt buông xuống mặt sông, giỡn chơi cùng muôn con sóng khi lành hiền, khi dữ dội. Mỗi độ triều xuống, bãi cát ven sông thoải ra xa, phơi trần cơ man còng còng chạy nhanh như gió. Những chú tôm nước lợ không kịp rút theo dòng nước, mắc lại hổng cát nhảy tanh tách. Sò huyết nhiều vô kể, chúng luôn làm ngọt lành mỗi bát canh. Kề sát gốc đa, ngôi miếu cổ đầy rêu phong bền bỉ tháng năm, nứt toác tháng năm. Ông tôi bảo tuổi của miếu xấp xỉ hai trăm năm, mang trầm tích của cả vùng đất này.
Ông tôi kể: năm thế kỷ trước, cả vùng đất quê mình còn chìm dưới mênh mông biển cả. An phủ xứ Vũ Duy Hoà, người làng Mộ Trạch (Hải Dương) nhận trọng trách chiêu dân lấn biển. Biết bao người gồng gánh tương lai đi về phía biển. Khát vọng đất đai trùm lên đôi vai, bàn tay, khối óc. Họ cắm những nhát móng xuống con sóng bạc đầu, bạt gió chém bão để dựng nhà. Đắp lên những làng những xóm. Tháng năm vật sấp vật ngửa đẩy biển lui dần về phía xa.
Ba tổng mới: Kiên Trung, Quần Anh, Ninh Nhất được khai sinh bởi sức mạnh quần cư của những con người tứ xứ dám ăn sóng nói gió. Đời này nối tiếp đời khác quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi.
Khi sông Sò bị khuất phục bởi bàn tay khối óc con người, bồi lên vùng bãi mới phì nhiêu màu mỡ phía cửa Hà Lạn, cũng là lúc ra đời Cẩm Hà Trang, làng xóm trẻ nhất của xứ Quần Anh. Lão Chánh tổng làng Cẩm Hà là một kẻ nham hiểm. Hàng trăm người một đời bòn rút sức mình bồi lên đất đai, rốt cuộc bị lão Chánh tổng Đà cướp mất đất, trở thành tay trắng thời ấy gọi là bạch đinh.
Trong số bạch đinh ở làng có gia đình Bấn. Từ thuở lọt lòng, Bấn đã cùng cha mẹ băm sấp bổ ngửa cùng khát vọng đất. Con sóng triều cường cuốn trôi người mẹ, thuở Bấn còn bé tí nị. Trải bao gian truân lập làng xây ấp đến lúc cha của Bấn sức cùng lực kiệt vẫn chẳng được chia một thước cắm dùi. Người cha phải dắt con ra làm lều mé bờ đê, lấy sông Sò làm chốn sinh nhai, mò ngao xúc hến đem bán đắp đổi qua ngày. Không đủ quần áo mặc, Bấn lúc nào cũng cởi trần đóng khố. Tuổi mười tám cường tráng, bắp vế nổi cuồn cuộn săn dây chão đủ làm mê hoặc đám gái trong làng. Ai ngờ Bấn được cô Thao, con gái lão chánh tổng đem lòng thương yêu. Cô Thao có đôi mắt lấp lánh như ánh lửa, thân thể tròn lẳn căng tràn sức sống, một vẻ đẹp mặn mà của thiếu nữ xứ biển. Mặc dầu bị cha cấm ngằn ngặt, cô Thao vẫn lén lút đi về chốn lều cỏ mé sông Sò. Lời ong tiếng ve chọc ngoáy màng nhĩ lão chánh tổng. Lão tức tối hét đám Trương tuần lôi cha con Bấn ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Đương khi bệnh nặng, bị hành hạ khổ nhục, cha Bấn qua đời một đêm giông gió, trong hơi thở cuối cùng vừa trút xuống vẫn nồng đượm vị đắng mặn đất đai. Chánh tổng Đà cho người đốt phăng lều cỏ của kẻ bạch đinh dám trèo cành vàng lá ngọc. Bấn phải bỏ làng Cẩm Hà ra đi.
Phiêu bạt vào kinh thành Huế, Bấn làm thuê cho một thương lái giàu có. Sức vóc khoẻ như vâm, gánh gồng suốt ngày không biết mệt. Bấn vác kiện hàng ba trăm cân nhẹ nhàng bằng người ta vác con chó. Vai quẩy đôi sọt sành sứ nặng hàng tạ mà trông cứ đủng đỉnh nhàn nhã như không. Chục anh cửu vạn chưa chắc địch nổi một chàng Bấn.
Mùa xuân năm ấy triều đình mở hội thi vật, lực sĩ ba miền đăng đài tranh tài khoe sức. Hoàng Thượng thân chinh ngự giá giữa khán đài dựng trên đỉnh đồi, toạ sơn quan hổ đấu. Nhân dân nô nức đi xem, vang dậy tiếng hò reo cơ hồ như muốn xé tung một khoảng trời.
Đương khi một hiệp đấu giữa hai đô vật lừng danh đang diễn ra căng go quyết liệt. Bất chợt ánh mắt Hoàng Thượng chiếu vào một phía đám đông thường dân quanh xới vật. Nhìn theo ngón tay Hoàng Thượng chỉ văn võ bá quan xôn xao. Giữa đám đông khán giả, một chàng trai lưng trần chân đất, đòn gánh trên vai oằn cong bởi sức nặng của hai chum nước to tổ chảng. Chum nước to đến nỗi có dễ phải năm người mới khiêng lên nổi, ấy vậy mà chàng trai thản nhiên gánh hai chum nước đứng không nhúc nhích, mắt chăm chăm nhìn vào xới vật. Đứng chôn chân xem vật hết giờ tỵ, qua giờ ngọ vẫn không đổi vai quang gánh. Càng không thấy vẻ gì mệt mỏi hiện lên nét mặt, thân thể. Từ Hoàng Thượng tới bá quan hết thảy kinh ngạc, chàng trai chính là Bấn. Hôm đó gia chủ sai Bấn ra sông kín nước về đổ vào bể. Bấn gánh nước ngang qua xới vật bèn đứng lại xem. Ai ngờ mê xem vật quên cả công việc đang làm, quên luôn đôi chum nước to tổ chảng vẫn đang ghìm cong hai đầu đòn ghánh trên vai.
Hoàng Thượng cho vời chàng trai gánh nước lên tiếp kiến bệ rồng trong sự xôn xao như vỡ chợ của bàn dân thiên hạ. Bấn quỳ xuống khấu đầu tâu trình lai lịch quê quán. Đức vua bèn lệnh thử tài đấu vật của Bấn. Sau hồi gián đoạn xới vật càng sôi động gấp muôn lần trước. Hoàng Thượng quả có con mắt tinh tường. Bấn thực sự là lực sĩ sức địch muôn người. Hết thảy các tay đô lừng danh đều lần lượt bị hạ gục bởi chàng trai xứ Hà Lạn, bị khuất phục bởi cơ thể cường tráng, bàn tay săn dây chão, chém mây buộc bão dựng làng của người lấn biến. Chàng Bấn đoạt giải nhất hội vật được vua ban thưởng áo mũ cùng với sắc phong trạng vật. Hoàng Thượng muốn giữ Bấn ở lại làm cận vệ quân. Bấn quỳ xuống khấu đầu thưa:
Muôn tâu thánh thượng! Phận hạ thần chỉ là kẻ cùng đinh, quen sống nơi bùn cỏ, ăn sóng nói gió, khó quen lối sống trang nghiêm nơi hoàng thành. Xin Thánh Thượng soi xét.
Đức vua ôn tồn.
Ngươi từ chối chốn cung đình, trẫm không ép. Vậy nhà ngươi có nguyện vọng gì chăng ?
Bấn thưa :
Muôn tâu Hoàng Thượng! Hạ thần muốn về quê nhang khói cha mẹ. Kính xin Hoàng Thượng ban cho thước đất cắm dùi mong mát lòng cha mẹ dưới suối vàng.
Vua xuống chiếu yêu cầu làng Cẩm Hà cấp cho Bấn một mẫu ruộng để cày cấy, chiếu còn lệnh cho chức dịch làng Cẩm Hà phải đón rước trạng vật theo nghi lễ vinh quy.
Chiếu chỉ về làng khiến lão chánh tổng Đà một phen bổ chững. Lão đỏ mày say mặt. Khi ấy lão đang bận đánh tổ tôm cùng với đám lý trưởng, bá hộ. Phải đón rước ư? Thây kệ cái thằng cùng đinh ấy! Nơi góc miệt biển này, dẫu trái ý Thánh chỉ cũng chẳng tới được tai Hoàng Thượng. “Phép vua còn thua lệ làng” lão sợ gì kia chứ? Thế là lão chánh tổng lại ngồi phịch xuống chiếu tổ tôm, khoát tay trấn an đám hào lý. Các vị chức sắc bình chân như vại tiếp tục vùi đầu vào bài bạc thâu đêm xuốt sáng.
Chẳng có một đám rước vinh quy bái tổ mà chàng Bấn từng hân hoan. Trạng vật khăn gói về làng giữa sự im lặng, im lặng đến tức tưởi. Cũng chẳng có một thước đất như mong ước suốt đời của cha mẹ Bấn ...
Kể tới đây, giọng ông tôi chùng xuống, thoáng chút thở dài giùm nhân tình thế thái, không nén nổi tò mò xen lẫn phẫn nộ, tôi hỏi:
Thưa ông, phải chăng vì chán ngán trước sự coi thường phép nước của đám hào lý, sầu khổ bởi cô Thao đã bị ép gả cho con trai quan huyện cho nên chàng Bấn đã lao mình xuống sông Sò tự vẫn ?
Ông tôi điềm đạm:
- Cháu nghe ai kể ?
- Bà Thanh bán quán nước đầu làng thường hay thuật lại cho mọi người nghe như vậy.
- Không phải đâu cháu à! Một người như chàng Bấn chẳng đời nào tự hủy hoại mình với lý do lãng xẹt ấy.
Bằng giọng đầm ấm, ông tôi tiếp tục kể:
Trở về làng, đôi chân rã rời sải dọc bờ đê. Gió triền sông ùa vào bới tung lồng ngực vạm vỡ, khiến chàng Bấn thêm tủi thân. Kia mộ cha, kia nữa mộ mẹ giờ mấp mé mớn nước, trảng cỏ trên mộ trồi sụt chẳng ai sang sửa. Chao ôi thèm lắm một vách nhà ấm áp mùi khói bếp. Dưới chân đất đai dẻo quắn, mướt mát thế kia tưởng gần gụi mà xa vời tít tắp. Cơn mơ đất vẫn nằm ngoài tầm tay với của cha, của mẹ, của Bấn. Chàng khua tay nải trong ấy lạo xạo ít vốn có được sau chuỗi ngày tha hương làm thuê vất vả và tiền thưởng vua ban. Chàng Bấn vào làng mua tre pheo gỗ lạt, gọi phó mộc đóng cho chiếc thuyền nhỏ. Bấy giờ bãi bồi phía đông sông Sò đã trở thành làng xóm mới phì nhiêu trù phú. Người bên Quất Lâm đánh bắt nhiều cá biển, rất cần qua sông đem hải sản sang chợ Quán chợ Cầu tiêu thụ. Dựa vào con đò, chàng Bấn có đồng ra đồng vào.
Cơn bão quái kiệt tàn phá làng quê. Nơi miệt biển năm nào cũng phải nếm trải bảy tám trận bão. Thiệt hại con người luôn hứng chịu, nhẹ thì lúa đổ, úng ngập hoa màu, nát tướp, nặng thì tốc mái đổ nhà sập cửa. Chẳng thế mà nhà cửa xứ này mái thấp lè tè bởi sợ gió bão. Nhưng chưa từng gặp trận bão nào tàn phá ghê gớm như đận đó. Đám chức dịch thâu đêm suốt sáng mê mải tổ tôm, bỏ bê việc làng việc nước. Do trễ nải chăm sóc tu bổ, đê điều xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đám nứt toác, có chỗ sụt lở cả mảng lớn. Dân làng lo lắng nhưng quan chánh tổng bình chân như vại, sống chết mặc bay, bọn dân thường nhà tranh vách đất mới nguy, chứ lão chánh tổng sợ cóc gì ? Nhà lão nền cao, móng toàn đá hộc, tường gạch kiên cố, trời sập thì nhà lão mới đổ. Thóc lúa đầy chất vựa to vựa nhỏ, lợn gà, trâu bò dư dả trong chuồng dẫu lụt cả tổng lão vẫn ăn no ngũ kĩ. Vả lại từ thuở lão chào đời, con đê đã được đắp sừng sững chắc chắn, lão chưa gặp phải lũ lụt to bao giờ nên càng không ý thức được tầm quan trọng của việc coi sóc tu bổ đê điều, lão thờ ơ cũng phải.
Trận bão tàn khốc viếng thăm làng Cẩm Hà vào lúc canh hai một đêm tháng hạ. Mới đầu còn êm ả. Con nước thuỷ triều lên chậm, sau gió trở mạnh, ù ù sầm sập. Gió chuyển tứ phía lúc giật lúc xoáy. Triều cường mỗi lúc càng lớn chẳng mấy chốc nước sông dâng lên ngang lưng thân đê. Con đê sông Sò oằn mình run bần bật. Thân đê vốn dãi dầu nắng mưa, sức đã ọp ẹp lắm rồi. Những mảng đất đá cố vịn vào nhau chống chọi với nước. Đê gồng mình giữ làng bao bọc suốt tháng suốt năm nhưng giờ như ông lão già nua xương cốt đã nhão. Một đoạn thân không bấu nổi nữa rồi. Đá hộc trụt xuống, cả mảng lớn bị cuốn trôi, nước lũ đè nghiến lên. Nước sông Sò ào ạt tràn xuống làng. Chao ôi tai họa! Chẳng mấy chốc cả làng sẽ bị nhấn chìm trong nước. Công lao của bao nhiêu đời ăn sóng ngủ gió bền bỉ lấn đất dựng làng sắp bị xoá sạch. Số mệnh của làng đương ngàn cân treo sợi tóc.
Trời chưa kịp sáng, tiếng la hét om sòm như chợ vỡ. Người người thúc giục cứu làng, gọi nhau í ới. Xẻng mai cuốc thuổng rầm rập chạy trong mưa bão. Bấy giờ đám chánh tổng, lý trưởng mới sực tỉnh. Gã lý trưởng lồm cồm bò dậy gọi mấy thằng lính lệ tất tả chạy theo đoàn người cứu đê.
Thuở trước dựng đê, cha ông phải dùng những cây phi lao, bạch đàn to dài cỡ bảy, tám mét, vót nhọn làm cọc. Những cây trường cọc ấy được đóng xuống bờ sông làm giá đỡ chắn sóng. Rồi đá tảng chở từ xa về, nén xuống làm kè đê. Bên trên là các bao đất, túi cát xếp lớp nhau trùng địêp mới thành thân đê.
Trong bão gió, nước cuồn cuộc rít gào. Gã lý trưởng mặt tái mét, hò hét khản cổ nhưng không ai dám nhảy xuống biển nước ào ạt kia. Mà dầu nhảy xuống cũng chẳng ích chi, chỉ tổ làm mồi cho hà bá. Đá tảng còn trôi huống hồ là người. Dẫu ngót ngàn người chỉ đứng co ro mãi trên bờ làm sao đóng nổi cọc. Người ta thả những bao cát xuống dòng lũ, nhưng vừa chạm mặt nước đã bị cuốn trôi. Cảnh tượng thật nhốn nháo. Ai nấy ướt như chuột lội, dúm dó thảm hại. Tiếng gào thét, tiếng chửi rủa loạn xị ngầu, tiếng kêu trời trách đất lẫn chìm vào gió mưa.
Giữa lúc nguy cấp, cứu tinh của cả làng xuất hiện. Một chàng trai cao lớn ở trần, sức vóc chừng át cả sao ngưu sao đẩu, chàng nhảy xuống giữa dòng nước ào ạt. Chàng trai đó chính là Bấn – kẻ bạch đinh làng Cẩm Hà từng được vua biết mặt chưa biết tên. Trong tay chàng, cây phi lao thẳng đứng lên trời. Toàn thân chàng chìm nghỉm dưới dòng nước dữ dội, nhưng cây phi lao thì không hề nghiêng ngã. Chỉ bằng hai tay và sức kẻ lực điền, chàng đã đem hết sức bình sinh đóng cây phi lao xuống đáy nước cuồn cuộn, một công việc mà hoạ chăng chỉ thánh thần mới làm nổi. Trên cạn, ai nấy há hốc miệng kinh ngạc không tin ở mắt mình. Tưởng ắt chết đuối, nào ngờ đầu chàng lại nhô lên mặt nước, thúc người trên bờ ném tiếp cọc xuống cho chàng. Bấy giờ nhiều người mới hoàn hồn bèn bảo nhau hỗ trợ, chĩa những cây cọc xuống tay chàng. Mỗi lần chàng Bấn lặn xuống, lại một cây phi lao chọc thẳng lên trời. Hai cây,ba cây rồi hàng trăm cây phi lao đứng tăm tắp. Rồi không thấy chàng Bấn ngoi lên nữa. Có lẽ chàng đã bị vùi chôn dưới dòng nước xoáy.
Gã lý trưởng hò hét dân làng, người ra hè nhau khiêng những bao cát ném xuống dòng nước lũ, cọc đã giữ cho những bao cát khỏi bị cuốn trôi. Gần hai ngày trời ròng rã chiến đấu với giặc nước, cuối cùng con người đã chiến thắng. Cơn lũ bị chặn đứng, thân đê bị hàn gắn trở lại. Đầu thôn cuối xóm vui mừng khôn xiết. Bây giờ họ mới sự nhớ tới chàng Bấn, hẳn chàng đã vùi xác dưới móng làm kè đê. Chính chàng là ân nhân của cả làng Cẩm Hà.
Vài ngày sau, người ta vớt được xác chàng Bấn trôi dạt ngoài cửa biển. Cảm động trước sự hy sinh cao cả của chàng, người ta chôn cất chàng tử tế, xây miếu thờ gọi là miếu Ông Đô.
Để tưởng nhớ trạng vật có công cứu làng, mỗi độ xuân về làng mở hội vật, biểu dương tinh thần thượng võ, kiên cường trước thiên tai. Hội vật Hà Lạn nổi tiếng xa gần. Năm 1888 ba tổng Quần Anh, Kiên Trung, Ninh Nhất trở thành huyện Hải Hậu. Hoà bình lập lại, dưới chế độ mới làng Cẩm Hà đổi thành xã Hưng Đạo sau này tách thành ba xã: Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc. Dẫu đi đâu về đâu, mỗi người con của quê hương luôn nhớ câu ca:
Cẩm Hà quê mẹ là đây
Đằng đông có miếu, đằng tây có chùa.
Ngày nay hội vật Hà Lạn đã mai một nhưng truyền thuyết miếu ông Đô luôn sống mãi tới muôn đời sau.
Báo Hải Dương
No comments:
Post a Comment