Ngành nông nghiệp kiên trì mục tiêu tăng trưởng 2,8 - 3,2% - Quán thời gian

Breaking

Wednesday, July 1, 2020

Ngành nông nghiệp kiên trì mục tiêu tăng trưởng 2,8 - 3,2%

Trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi “thoát âm” và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%. 

       - Chu Khôi - Đăng trên Thời báo Kinh doanh ngày 29.6.2020 -

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 29/6, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch của Bộ NN&PTNT cho biết, quý II/2020, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%. Tuy nhiên, do quý I tăng trưởng âm, nên giá trị sản xuất toàn ngành trong nửa đầu năm chỉ tăng 1,18%. 
Nhiều lĩnh vực đã “thoát âm”
Đối với lĩnh vực trồng trọt, đến hết tháng 6, cả nước gieo cấy được 4,7 triệu ha lúa, sản lượng thu hoạch ước đạt 22,4 triệu tấn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, còn dư và đã xuất khẩu  khoảng 3,5 triệu tấn gạo, đem về 1,7 tỷ USD; tăng 4,4% về lượng và 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 
Hoi-nghi-so-ket-6-thang-cua-Bo-8331-2818
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ NN&PTNT
Sản lượng ngô trong nửa đầu năm nay đạt 1,86 triệu tấn, bằng 97,4% so với cùng kỳ; sản lượng rau các loại trên 10 triệu tấn, tăng 2,7%. Một số loại cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, tiêu, điều, chè đều có sản lượng tăng từ 2,5 - 15%. Các loại cây ăn quả chính như xoài, chuối, thanh long, cam, bưởi, vải… có sản lượng tăng từ 4 - 20%. 
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá mạnh. Trong 6 tháng đầu năm nay: đàn bò tăng khoảng 3,4%; đàn gia cầm tăng 7,4%. Đàn lợn với tốc độ tăng đàn ở các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn nhanh, trong khi ở khu vực hộ chăn nuôi còn chậm. 
Tổng sản lượng thịt các loại trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: sản lượng thịt lợn ước đạt 1,64 triệu tấn, giảm 8,8%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3%; sản lượng thịt bò 187,5 nghìn tấn, tăng 4,1%; trứng đạt 7,22 tỷ quả, tăng 11%; sữa bò tươi đạt 522,2 nghìn tấn, tăng 8,1%.
Đối với ngành thủy sản, tổng sản lượng 6 tháng ước đạt gần 3,86 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,4%; nuôi trồng đạt 1,98 triệu tấn, tăng 1,8% (cá tra đạt 644,7 nghìn tấn, giảm 5%; tôm sú 118,7 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm thẻ chân trắng 200,5 nghìn tấn, tăng 6,6%).
Ngành lâm nghiệp đã nỗ lực với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng trồng mới tập trung 106.300 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019 và sản lượng gỗ khai thác ước đạt 7,53 triệu m3, tăng 2%. 
Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Đến ngày 24/6/2020, cả nước xảy ra 109 vụ cháy rừng, giảm 80 vụ, làm thiệt hại 269 ha rừng; có 5.545 vụ vi phạm luật, giảm 17,6%. Tổng thu từ dịch vụ môi trường rừng từ đầu năm đến nay được 856 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch và bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019. 
Trong 6 tháng đầu năm nay, có 9 dự án chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản quy mô lớn đã khánh thành và đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190  triệu USD, giảm 19,4%. Toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đạt thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD so với nửa đầu năm ngoái. 
Phải kiên trì mục tiêu, không bàn lùi
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp liên tục gặp những thách thức, liên tục có những nguy cơ, bởi đây là loại hình sản xuất ngoài trời, chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai. 
Trong nhiệm kỳ kế hoạch vừa qua (2016 - 2020) đã thấy rõ điều đó. Cụ thể, từ cuối năm 2015, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, tới mức 405.000ha lúa bị ảnh hưởng, sản lượng lương thực giảm 1 triệu tấn, 1 triệu hộ dân bị thiếu nước. 
“Thế nhưng, hạn, mặn tại ĐBSCL năm nay vượt mốc lịch sử so với năm 2016. Còn về dịch họa, chưa bao giờ có nhiều loại dịch nguy hiểm như những năm qua. Dịch tả lợn châu Phi khủng khiếp. Lịch sử ngành hàng thịt lợn trên thế giới chưa bao giờ ghi nhận thiệt hại lớn như vậy. Con lợn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thực phẩm, tác động rất lớn vào tăng trưởng GDP và chỉ số giá tiêu dùng. Sâu keo mùa thu đã biểu hiện ở 42 tỉnh, thành trong cả nước, nếu không khống chế tốt thì hậu quả khó lường. Kèm với đó là nạn châu chấu sa mạc có thể kéo đến trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói. 
Theo ông Cường, năm nay, toàn ngành gặp phải “thách thức kép” để thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề mà Chính phủ giao (tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3,2%).
Đặc biệt, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 - 6,7 triệu tấn. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau... cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 42 tỷ USD. 
“Chúng ta phải nhìn lại cục diện bất thuận, thách thức trong 6 tháng qua và các tháng tiếp theo, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch điều hành và hành động đồng bộ tất cả các khu vực, từ hành chính, sự nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Phương châm là với thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện 2 - 3 lần”, ông Cường nói. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, khi đứng trước khó khăn, thách thức lớn phải tập trung trí tuệ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, không bàn lùi, không thay đổi mục tiêu kế hoạch năm 2020 mà Chính phủ giao. 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm phải hoàn thành xây dựng và trình Chính phủ 5 Nghị định hướng dẫn thực hiện; ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư. Đối với điều hành sản xuất, phải kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là không để dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm bùng phát trở lại, sẵn sàng triển khai giải pháp đối phó với nạn châu chấu; làm tốt công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu tác động tiêu cực do thời tiết. 
“Phải quyết tâm giải quyết 2 vấn đề lớn của ngành là đẩy mạnh tái đàn lợn để tăng nguồn cung, giảm giá thịt lợn ở thị trường trong nước và thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để sớm rút thẻ vàng của EC”, ông Cường nói. 

No comments:

Post a Comment