Chiều 17/6/2020, tại Hà Nội, Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E) đã chính thức ra mắt và khởi động hoạt động với hội thảo “Hành động để bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Sự kiện được đồng phối hợp tổ chức bởi Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên môi trường (ISPONRE), Công ty cổ phần Tập đoàn TH.
- Chu Khôi - Đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 17.6.2020 -
Ông Jake Brunner, Giám đốc - Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam cho biết, VB4E là liên minh được thành lập với mục tiêu tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. VB4E là một sáng kiến do IUCN khởi xướng và được thành lập cùng với ISPONRE, Bộ TN&MT và Tập đoàn TH. Liên minh đã được 3 bên ký Biên bản ghi nhớ thành lập vào tháng 10/2019, nhưng do dịch Covid nên đến thời điểm này mới chính thức ra mắt và khởi động hoạt động đầu tiên.
Xây dựng ngân hàng ý tưởng
Theo ông Jake Brunner, Liên minh VB4E sẽ tập trung vào 3 hoạt động chính là xây dựng ngân hàng ý tưởng trực tuyến, hỗ trợ vận động chính sách và nâng cao năng lực. Một điểm nổi bật của VB4E là ngân hàng ý tưởng nơi các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp cùng các bên liên quan có thể hợp tác cùng xây dựng và thực hiện các dự án bảo tồn. Những dự án hợp tác này có thể bao gồm các lĩnh vực chính: bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa, phát triển du lịch bền vững, bảo tồn biển và ven biển, khôi phục cảnh quan rừng, bảo tồn nước và đất ngập nước, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu. Tham gia vào VB4E, các công ty thành viên có thể tăng cường các nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua các dự án được thực hiện, chia sẻ và nhân rộng các thực hành doanh nghiệp bền vững, tham gia vào quá trình vận động chính sách góp phần nâng cao hình ảnh doanh nghiệp.
Ra mắt VB4E và quanh cảnh tại hội thảo
|
“Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, IUCN làm việc chủ yếu với các cơ quan nhà nước và trong thời gian qua, chúng tôi tăng cường chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp để góp phần tạo ra những thay đổi thật sự. Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có tác động đến môi trường”, ông Jake Brunner nói.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Điều phối Phát triển bền vững của Tập đoàn TH phát biểu: “Tập đoàn TH được biết đến là doanh nghiệp đặt nền móng cho ngành sữa tươi sạch tại Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà sáng lập TH đã xác định “vì sức khỏe cộng đồng”, “hoàn toàn từ thiên nhiên”, “thân thiện với môi trường” là 3 trong số 5 giá trị cốt lõi của Tập đoàn. Trong những năm qua, Tập đoàn TH đã và đang xây dựng chiến lược Phát triển bền vững, thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo tiên phong ứng dụng nhiều giải pháp tiêu dùng giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường. Chúng tôi cho rằng, hoạt động hợp tác này sẽ đem lại cơ hội đóng góp một cách có ý nghĩa vào bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích cho cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi rất hy vọng rằng, VB4E sẽ là liên minh hỗ trợ các sáng kiến về môi trường của doanh nghiệp theo một cách thực tế và hiệu quả nhất, và câu chuyện phát triển bền vững sẽ không chỉ là khẩu hiệu”.
Cơ hội hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học
Tại hội thảo, IUCN đã giới thiệu một cơ hội hợp tác mới giữa doanh nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học, đó là “Biện pháp Bảo tồn Khu vực hiệu quả” viết tắt là OCEM.
Ông Harry Jonas, Đồng Chủ tịch Ủy ban thế giới về các Khu bảo tồn của IUCN cho hay, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra Quyết định 1976 đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng tổng diện tích rừng đặc dụng lên 2,4 triệu ha (khoảng 7% diện tích tự nhiên của cả nước) và đến nay mục tiêu này cũng hầu như đã đạt được. Tuy nhiên, hầu như không có triển vọng nào cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 17% diện tích đất liền được bảo vệ vào năm 2020 như mục tiêu đã xác định.
Tại Hội nghị Các bên (COP) ở Nagoya năm 2010, các bên trong Công ước CBD, bao gồm Việt Nam, đã công nhận các “Biện pháp Bảo tồn Khu vực Hiệu quả khác” (hay OECM) là phương thức bổ sung cho nỗ lực thành lập các khu bảo tồn chính thức. Điều này mở ra cho Việt Nam một cơ hội mở rộng và liên kết các mạng lưới bảo tồn của quốc gia. Trên thế giới, các OECM là một cơ hội vừa để công nhận và đóng góp cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo vệ.
OECM có thể bao gồm nhiều loại hình quản trị khác nhau và có thể được quản lý bởi người bản địa, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và chính phủ hoặc có thể được quản lý bởi nhiều bên. IUCN đang xây dựng các hướng dẫn để công nhận và báo cáo các OECM; dự thảo phương pháp luận để xác định các OECM. Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước, trong đó bao gồm các khu vực OECM bên ngoài hệ thống khu bảo tồn.
Trong thời gian tới, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ được trình để Quốc hội thông qua vào năm 2020, và Luật Đa dạng Sinh học cũng đang có kế hoạch sửa đổi, và đây là các cơ hội để định dạng OECM trong Luật.
Nếu như được công nhận chính thức trong Luật, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhóm nông dân, các ban quản lý rừng, chính quyền các tỉnh và các cá nhân/tổ chức đang quản lý các quỹ đất rộng lớn với các giá trị đa dạng sinh học sẽ cần phải phối hợp chặt chẽ để xác định các OECM tiềm năng này.
Tiếp cận này sẽ không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đồng quốc tế mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhưng lại đang bị đe dọa như các vùng núi đá vôi bị cô lập, các vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa, các bãi bùn ven biển vốn đang có ít đại diện trong hệ thống khu bảo vệ chính thức hiện thời. Bên cạnh đó, các OECM cũng đem lại cơ hội công nhận sự đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học của doanh nghiệp, cộng đồng thông qua việc nâng cao hiệu quả quản lý chính vùng đất mà họ đang được trao quyền sử dụng.
No comments:
Post a Comment