LTS: Như GNO đã đưa tin Ngày 22/2/09 tại Học viện Phật Giáo Việt Nam (Sóc Sơn – Hà Nội), Thời Báo Kinh tế VN đã phối hợp với Báo Điện tử Đảng cộng sản VN tổ chức Hội Thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập”.
Phát biểu khai mạc, GS Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập TBKT VN nhận định: “Mọi ngành kinh tế như dòng sông hòa chung trong sự nghiệp phát triển phồn vinh đất nước. Trong đó, văn hóa có vai trò to lớn, cơ bản và lâu bền như nguồn nước sạch trong dòng chảy kinh tế. Nhiều doanh nhân đã lấy tâm Phật làm tâm của mình để ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nên nền tảng tâm-chân-thiện-mỹ kinh doanh vì lợi ích cộng đồng”.
Trong số 13 diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo, có 5 diễn giả là chư tôn đức trong Phật giáo bằng những tham luận sâu sắc và súc tích được tất thảy giới doanh nhân đánh giá cao: HT Thích Thanh Tứ với đạo từ “Giáo lý của Đức Phật trong việc dựng hình ảnh doanh nhân có thiện tâm”; HT Thích Giác Toàn về “Phật giáo và khủng hoảng kinh tế tài chính" ; ĐĐ Thích Nhật Từ với “Vun bồi Phật chất trong đời sống doanh nhân; ĐĐ Thích Trí Chơn với “Kinh tế học Phật giáo trong thời kỳ hội nhập; ĐĐ Thích Đức Thiện với “Phật giáo và văn hóa VN”. Báo GNO xin trích ghi ý kiến của một số diễn giả tại hội thảo này.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã khiến chúng ta thấy được tính chất 2 mặt của toàn cầu hóa. Hội nhập đã giúp chúng ta sản xuất được nhiều sản phẩm hàng hóa, nhưng cũng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa ảo làm nhiễu tâm thức của chúng ta. Cả thế giới cũng như từng quốc gia vẫn chưa ngăn chặn được những sự làm ăn gian dối. Nếu các nhà kinh tế thiếu tính thiện thì sự giàu có của họ được tạo nên từ chính sự khổ cực của hàng triệu triệu người trên thế giới. Ở nước ta, vẫn còn không ít nhà kinh doanh thiếu đạo đức, hành động đi ngược lại lợi ích cộng đồng, như : xử chất thải ra môi trường, sản xuất sữa thiếu hàm lượng đạm, sản xuất rau quả mất an toàn…Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa rất lớn, chúng ta cùng nhau dồn tâm trí phổ biến một nền văn hóa kinh doanh tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.Muốn xây dựng đất nước ngày càng văn minh, mỗi con người trong xã hội đều cần phải có Phật tính. Chủ tịch Hồ Chí Minh là học trò của xuất sắc của Chủ nghĩa Mác, nhưng trong Người cũng có cả tình yêu thương bao la của Phật Thích Ca. Bản thân tôi cũng là một phật tử thuần thành và tôi rất thuộc kinh Bát Nhã, bởi vì tôi cũng như tất thảy con dân đất Việt đều nhận thức được rằng Phật giáo và truyền thống văn hóa của nhân dân ta luôn phải được đề cao.
Lê Khả Phiêu:Nguyên Tổng bí thư TƯ Đảng
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu dạy: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Với vai trò và vị trí quan trọng đó, văn hóa phải thấm sâu vào mọi hoạt động phát triển kinh tế- xã hội. Kinh tế xã hội càng phát triển thì yếu tố văn hóa trong kinh doanh cần phải được coi trọng.
Ai cũng biết, đã kinh doanh thì phải hướng tới lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận không phải là tất cả. Bởi vậy, sản phẩm làm ra phải có chất lượng và chất lượng ngày càng cao. Làm được như vậy vừa đảm bảo được mục tiêu kinh doanh là bán được hàng, thu được lợi nhuận ngày càng cao, vừa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, người hưởng thụ dịch vụ. Đó là đạo đức của kinh doanh, là văn hóa trong kinh doanh. Thực tiễn sản xuất, kinh doanh đã chứng minh rằng: doanh nhân, doanh nghiệp nào coi trọng nhân tố văn hóa trong kinh doanh thì tồn tại được lâu dài, phát triển bền vững. Ngược lại, kinh doanh theo kiểu chụp giật, lừa đảo, thiếu văn hóa hoặc cố tình chà đạp lên các giá trị văn hóa có thể vẫn thu được lợi nhuận, nhưng đó chỉ là món lợi trước mắt, sớm hay muộn thì người tiêu dừng và xã hội sẽ phát hiện ra bản chất xấu xa của kiểu làm ăn này, họ sẽ lên án và tẩy chay. Kiểu làm ăn chụp giật không thể tồn tại lâu dài, sớm muộn cũng sẽ bị đào thải.
HT Thích Thanh Tứ: Phó chủ tịch Thường trực HĐTS
- Ở thời đại nào, Phật giáo cũng luôn nhận được sự quan tâm của chế độ, của các bậc trưởng giả, người có tiềm năng kinh tế để phát tâm công đức ruộng, đất, tài chính, xây chùa, đúc tượng, in kinh điển để làm phương tiện cho Tăng ni xiển dương Phật pháp tới dân chúng. Đó chính là cốt lõi để Phật Pháp được xương minh trong long dân tộc suốt mấy nghìn năm qua. Ngày nay, rất nhiều doanh nhân đã noi gương tổ tiên phát tâm công đức tài lực, trí lực và vật lực. Những doanh nhân tiêu biểu này đang ngày đêm trực tiếp sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cho đất nước ngày một giàu đẹp, hùng cường, văn minh, nhà nhà được no ấm, thực hiện an sinh, công bằng xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường và trước những diễn biến suy thoái kinh tế thế giới, đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và hội nhập của đất nước mà mỗi doanh nghiệp đang phải gồng mình để vượt qua những khó khăn đó. Với tư cách là thành phần của xã hội, là chỗ dựa tâm linh của mỗi người, Tăng ni, Phật tử luôn chia sẻ với những khó khăn của đất nước, của doanh nghiệp đang gặp phải. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện thập phương chư Phật, chư Đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh gia hộ để thế giới được hòa bình, chúng sinh an lạc, và các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn thách thức này.
HT Thích Giác Toàn Phó chủ tịch,trưởng ban kinh tế tài chánh:
– Bát chánh đạo là tập hợp tám phương cách sống của mỗi người (không nhất thiết là Phật tử), rất cần thiết đối với một doanh nhân VN, một doanh nhân thiện lành. Tám phương cách đó là: có cái nhìn đúng đắn, suy nghĩ đúng, nói năng đúng, hành động đúng, có cách sinh sống đúng, phát triển đúng, nhớ nghĩ đúng, thiền định đúng. Trong 8 chi phần trên của Bát chánh đạo, Chánh mạng là chi phần nêu rõ về sự lựa chọn nghề. Theo đó, nghề nghiệp của một người phải nhằm có lợi cho mình và có lợi cho người, kèm với những ý nghĩa đạo đức về cách chi tiêu, dành vốn, bố thí, ứng xử…Đức Phật khuyên không nên chọn một số nghề, không nên buôn bán một số hàng hóa gây hại. Tức là, Chánh mạng đã nêu lên được cả trách nhiệm xã hội khi hành nghề.Tính thiện của doanh nhân nổi bật ở chỗ mọi sản phẩm đều vốn lấy từ thiên nhiên, từ công lao của người lao động, cho nên doanh nhân phải biết cách bố thí, chia xẻ một phần lợi nhuận của mình cho số đông. Trong kinh doanh, doanh nhân không nhất thiết phải luôn đòi hỏi lợi nhuận cao với bất kỳ giá nào. Tùy hoàn cảnh kinh tế và xã hội, có khi doanh nhân phải có tinh thần tri túc, biết đủ với những gì mình đã và đang có. Nhất là trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, không nên để cho cái tâm ham muốn chi phối để rồi truy tìm lợi nhuận bằng những phương cách tiêu cực, bởi vì làm như vậy sẽ chỉ chuốc lấy thất bại, bất hạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc:
Thế giới đang lâm vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bàn về “Đạo kinh doanh của người Việt” vào thời điểm này thật có ý nghĩa. Nó không chỉ tìm những giá trị mới cho giới doanh nhân nước ta trong cuộc phấn đấu đầy cơ hội và thách thức này, mà nó còn là dịp để chúng ta nhìn nhận được con đường hình thành những tư tưởng kinh tế của một dân tộc chậm vào sân chơi kinh tế toàn cầu, nhưng lại tích lũy được nhiều giá trị mang tính truyền thống. Ở đây là chủ nghĩa dân tộc và năng lực hội nhập. “Đạo kinh doanh” chính là năng lực hướng các hoạt động kinh doanh vào phục vụ lợi ích con người, hiểu theo nghĩa rộng là môi trường tồn tại của loài người (bao gồm cả môi trường tiện nghi, môi trường văn hóa và môi trường sinh thái.
ĐĐ Thích Nhật Từ:
Cách đây một tháng, hội nghị đầu tiên trù bị cho Đại lễ Phật đản LHQ 2009, chúng tôi và Ban thư ký của hội nghị đã đề xuất cho chủ đề năm nay là: Phật giáo và sự khủng hoảng toàn cầu. Chủ đề này trước nhất thể hiện mối quan tâm về phương diện nhập thế của Phật giáo nhằm tìm ra về phương diện lý thuyết các lời dạy của Đức Phật góp phần căn bản để giúp cho tình trạng khủng hoảng đó có chỗ quy chiếu để dừng. Dựa trên nền tảng đó, người ta khôi phục lại những gì đã mất hoặc tối thiểu trong sự mất mát đó, nỗi khổ niềm đau của con người về phương diện cảm xúc và tinh thần không bị suy sụp; đồng hành với sự thua lỗ về phương diện vật chất được đầu tư trong các hình thái kinh doanh để mưu cầu lợi nhuận.Để cứu vãn xã hội ra khỏi khủng hoảng kinh tế vốn ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình, thì tư vấn kinh tế và đời sống tâm linh có thể giúp cho những nhà doanh nghiệp, người lao động trong các doanh nghiệp có điểm tựa tinh thần để vượt qua cơn khốn khó. Đạo Phật từ bi cứu khổ không thể nào dửng dưng trước nỗi khổ về khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do đó, muốn mang lại niềm vui, thì đạo Phật phải hướng dẫn các kỹ năng thực tập để con người vượt qua nỗi đau về vật chất vốn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần.
Chu Minh Khôi ghi
(Đăng trên Báo Giác Ngộ tháng 2.2009)
No comments:
Post a Comment