Những năm đầu khi mới khai sơn, các vị tổ sư ở chùa Hương chỉ tổ chức Khánh đản Quán Thế Âm Bồ tát vào ngày 19-2 âm lịch. Đến triều vua Thành Thái năm thứ 8 (1896), lễ hội lớn nhất đầu tiên được tổ chức kéo dài từ mồng 6 tháng Giêng đến hết tháng Hai âm lịch.
- Bài, ảnh: Chu Minh Khôi - Đăng trên Báo Giác Ngộ ngày 20.3.2009 -
Những năm tiếp theo, lễ hội kéo dài thêm bởi lòng người bịn rịn không muốn vãn hội. Ngày nay Lễ hội Chùa Hương kéo dài suốt 3 tháng mùa Xuân, trở thành lễ hội dài nhất Việt Nam, mỗi năm có hàng chục vạn người trẩy hội. Tuy nhiên, Ban Tổ chức vẫn giữ ngày vía Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm 19-2 âm lịch làm chính hội.
Vũ khúc Thiên thủ Quán Âm
Chiều 18-2 âm lịch, những con đò trên suối Yến đưa chúng tôi trôi dần vào đêm. Suối Yến trở nên huyền phiêu bởi 2.009 ngọn hoa đăng được thả trôi lung linh huyền ảo như hàng ngàn nốt nhạc vô thanh buông trên mặt nước dập dờn. Cơ hồ như hàng ngàn ngọn đèn của lòng từ bi kham nhẫn của Bồ tát Quán Thế Âm đang soi đường cho chúng tôi đi vào cõi giác.
Lễ Khánh đản Phật Bà chùa Hương năm nay tổ chức tại sân chùa Thiên Trù, do ca sĩ Phật tử Mỹ Linh dẫn chương trình. Sau lời khai mạc của ông Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức) và pháp thoại của Thượng tọa Thích Minh Hiền (trụ trì chùa), là màn ca vũ nhạc Thiên Thủ Quán Âm vốn rất ấn tượng từ nhiều năm trước, do Đại đức Thích Trường Xuân (trụ trì chùa Thầy) đạo diễn, 16 cô gái trẻ Phật tử chùa Long Đẩu ở Sài Sơn biểu diễn. Vũ khúc Thiên Thủ Quán Âm được thực hiện trong sự hợp nhất của các chuyển động thân thể, khi thì nhập vào nhất thể, lúc lại phân ra nhiều thân. Màn múa cộng hưởng với âm thanh ánh sáng làm nên sự biến hóa huyền ảo trong không gian ba chiều, đã gây xúc động mạnh cho người xem. Các động tác nhún chân, xòe tay, nghiêng đầu, vặn mình, đặc biệt là những thủ ấn trên những cánh tay xòe tròn, từ từ tỏa đều như mang đến nguồn năng lượng từ bi vô cùng của Phật Bà. Có thể nói, vũ khúc Thiên Thủ Quán Âm trong đêm Khánh đản chùa Hương năm nay đã vượt lên những chủ đích tôn giáo, nghệ thuật, bởi nó không chỉ đem đến thông điệp lớn về từ bi, sức mạnh và lòng cứu độ mà còn đạt được sự thể nhập cội nguồn ở trong sâu thẳm của tâm hồn.
2.009 ngọn hoa đăng lung linh huyền ảo trên Suối Yến
Sau màn Thiên Thủ Quán Âm là chương trình giới thiệu đĩa DVD Hương Sơn ca - một tổ hợp các ca khúc về Phật giáo và chùa Hương của các nhạc sĩ Hoàng Quý, Phạm Duy, GS.Trần Văn Khê... Hương Sơn ca tập hợp 5 ca khúc mang âm hưởng Phật giáo nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ trở lại đây. Đó là Chùa Hương của Hoàng Quý; Đi chơi chùa Hương - thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê; các ca khúc Tâm Xuân, Quán Thế Âm, Chắp tay hoa đều là thơ của Phạm Thiên Thư được Phạm Duy phổ nhạc. Các giọng ca thể hiện gồm NSƯT Tố Uyên, ca sĩ Mỹ Linh, Minh Anh, Minh Ánh và Phương Anh. Quá trình ghi hình Hương Sơn ca được thực hiện tại vùng non nước Hương Sơn với những cảnh trí đẹp đẽ, không gian huyền nhiệm, dàn dựng công phu, hình ảnh thiêng liêng và kỳ ảo.
Những bài hát Chùa Hương, Em đi chùa Hương đã trở thành những ca khúc bất hủ về chùa Hương, vang lên sâu lắng giữa sân chùa Thiên Trù trong đêm Khánh đản. Hàng ngàn ngọn nến trên tay khán giả Phật tử cùng đung đưa theo tiếng nhạc, khiến cảnh vật càng trở nên lung linh huyền ảo. Tiếp nối, giai điệu trầm bổng đầy sùng kính của Chắp tay hoa do ca sĩ Mỹ Linh thể hiện: “Chắp tay lạy Người cho xin nụ cười/Chắp tay lạy Trời cho đám mưa rơi/Chắp tay lạy Đất cho mầm cây tươi/Chắp tay lạy Nước cho mát cõi đời…”. Có lẽ khi sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Phạm Duy cùng người bạn đạo Phạm Thiên Thư đều đã “ngộ”, bởi tinh thần của Tâm kinh Bát nhã bàng bạc, xuyên suốt tác phẩm. Đạo mà cũng rất đời, bài hát với những tiết tấu ngắn, âm hưởng rộn ràng tươi tắn, kết hợp nhạc nền trì tụng xuyên suốt bài hát như tiếng mõ, giữ nhịp cho điệp từ chắp tay lạy, khiến người ta liên tưởng đến âm vang và nhịp điệu của cụm từ “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Niệm danh hiệu Quán Thế Âm trong đông Hương Tích
Bài hát Chùa Hương quen thuộc của cố nhạc sĩ Hoàng Quý, được ngân lên rất ngọt ngào thân thương và đầm ấm trong tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Phật tử Trần Mạnh Tuấn. Nếu như bài Chùa Hương dìu đôi chân lữ khách đến cõi tiên để quên hết ưu phiền, thì tác phẩm Quán Thế Âm của nhạc sĩ Phạm Duy lại đưa chúng ta trở về trong vòng tay ấm áp của người Mẹ hiền chở che con thuyền đầy giông bão của đời người. Nhạc và lời của bài hát chính là sự hòa quyện giữa 3 hình ảnh: Người mẹ hiền-Quán Thế Âm Bồ tát-Phật Bà Diệu Thiện của Hương Tích. Hình ảnh người mẹ cao cả của thế gian được tụng ca bằng lòng thành kính: “Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng/Có bà mẹ đi tìm con trong động lan vàng/Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím/ Có bà mẹ đi tìm con…”. Giai điệu dàn trải, tiết tấu chậm, âm hưởng thành kính nhưng phảng phất dư vị xót xa, trầm buồn như khúc tự sự trải lòng của người mẹ, khắc khoải đi tìm những đứa con đang ngụp lặn trong luân hồi sinh tử. “Bốn mùa hoa đua nở, bốn mùa mẹ lang thang, tìm con lòa đôi mắt/Gọi con lời đã khan/Khóc con lệ đã cạn/Thương con lòng vắng hoang…”. Với dàn nhạc đệm da diết, những âm thanh day dứt như tiếng nấc nghẹn không thành lời trong lòng người mẹ. Hình ảnh người mẹ tìm con lúc này không chỉ còn là tình mẫu tử của cõi trần bi ai nữa, mà trải rộng như đất, như trời, như vũ trụ bao la. Và tình thương của mẹ đã biến thành ngọn đuốc thắp sáng tâm con, soi đường cho nhân gian: “Ôi đời trầm luân mẹ thương, cho ánh sáng từ quang…”. Đoạn điệp khúc cũng chính là đoạn kết đã khép lại tiếng khóc của người mẹ, để chuyển thành tiếng ru dịu dàng của Mẹ-Quán Thế Âm, mãi mãi xoa dịu những nỗi đau nhân thế.
Từ 11 giờ đêm 18-2 đến 1 giờ sáng 19-2 âm lịch, 2.009 ngọn nến được thắp lên trong động Hương Tích bắt đầu lễ “Ngũ bách danh” (niệm 500 danh hiệu Đức Quán Âm) với hàng nghìn Tăng Ni và Phật tử tham dự. Lòng động Hương Tích bao la, ôm chứa hàng ngàn Phật tử. Mặc dù du khách rất đông, nhưng không hề có sự ách tắc chen lấn xô đẩy, bởi tất thảy mọi người đều ngồi xếp hàng trật tự, ai đến được đâu thì ngồi tiếp theo ở đó, không ai vượt qua người khác để tiến lên. Dòng người ngồi tụng niệm cứ nối nhau kéo dài ra mãi. Những người đến muộn, không vào được trong động, thì ngồi xuống tụng niệm ở Quán Âm kiều. Những tiếng niệm Phật, tụng kinh hòa âm vào nhau tạo thành bản giao hưởng khổng lồ cơ hồ như lay động cả vũ trụ.
Đường vào động Hương Tích vốn hiểm trở là để đo sự kiên trì của du khách. Ngày nay đã có cáp treo, nhưng chúng tôi nhận thấy trong đêm Khánh đản Phật Bà, hầu hết Phật tử đều kiên trì đi bộ du ngoạn theo lối xưa, chiêm bái Hương Tích với lòng thành tưởng niệm Bồ tát Quán Âm. Bởi vì, bách bộ vẫn thu hoạch được nhiều ý nghĩa riêng mà cáp treo của thời công nghệ không thể nào có được. Trải qua khổ công trèo non lội suối mới cảm nhận hết công hạnh tu trì của Bồ tát khi xưa và thực sự chiêm ngưỡng phong cảnh kỳ sơn tú thủy cùng niềm an lạc nơi đất Phật.
No comments:
Post a Comment