“Theo tôi tìm được đề tài hay về nông nghiệp là rất khó. Nhiều khi, không phải chỉ là đi tìm, mà còn cần có sự “ăn may” để gặp được những người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhưng chưa ai viết. Bởi, thường những đề tài hay, thì người khác họ đã gặp trước và viết trước mình rồi”
Nhà báo Chu Minh Khôi - phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp, nông thôn Thời báo Kinh tế Việt Nam đã chia sẻ như thế trong cuộc trò chuyện với PV sau khi anh giành Giải C trong Cuộc thi Báo chí về Nông thôn mới năm 2018 với tác phẩm “Đưa cử nhân về làm cán bộ hợp tác xã”.
Nhà báo Chu Minh Khôi khai thác thông tin từ một nông dân K Ho ở huyện Di Linh - tỉnh Lâm Đông - (Ảnh: NVCC)
Được biết trước đây anh từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và đó dường như là một lợi thế để anh làm tốt công việc của một phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp- nông thôn như hiện tại?
Nhà báo Chu Minh Khôi: Đúng vậy, tôi không theo học báo chí, mà tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (Nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và làm việc gần 10 năm trong ngành nông nghiệp - đó là lợi thế là cũng là kiến thức cơ bản và vốn sống thực tế cho một phóng viên chuyên trách về mảng nông nghiệp, nông thôn như tôi. Thời gian 10 năm đó, tôi đã viết báo và là cộng tác viên thân thiết cho nhiều tờ báo và cảm thấy nghề báo mới phù hợp với mình. Bởi vậy, năm 2007, tôi đem tập phô tô hơn 400 bài báo đã được đăng đến Thời báo Kinh tế Việt Nam để xin làm phóng viên, và được Ban Biên tập nhận ngay vào làm việc.
Ngay từ ngày “đầu quân” vào Thời báo Kinh tế Việt Nam, tôi xin được theo dõi và viết về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn... với lý do rằng, tôi từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội nên am hiểu lĩnh vực này. Đề nghị của tôi được Ban Biên tập chấp nhận ngay. Và thế là tôi làm phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp- nông thôn tại Thời báo Kinh tế Việt Nam đến nay thấm thoát đã được hơn 12 năm.
Trong phạm vi bài viết “Đưa cử nhân về làm cán bộ Hợp tác xã”, anh mới chỉ phản ánh được một khía cạnh của phong trào Nông thôn mới đang được các cấp, các ngành hết sức lưu tâm hiện nay. Xin hỏi anh còn điều gì trăn trở, băn khoăn về phong trào này?
Nhà báo Chu Minh Khôi: Phong trào Nông thôn mới đã phát triển rất mạnh mẽ, sâu rộng khắp mọi làng quê trên cả nước. Bộ mặt nông thôn (từ đường giao thông, đường nội đồng, các cơ sở hạ tầng…) đã thay đổi vượt bậc, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống không kém gì thành thị. Tại nhiều địa phương, chính quyền và người dân có vô vàn cách làm hay sáng tạo để xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, tại nhiều địa phương, kể cả những huyện, những xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, thì Nông thôn mới chỉ là cái vẻ bề ngoài.
Người từ nơi khác đến nhìn thấy làng xóm, nhà cửa, đường xá, trường học đẹp đẽ. Nhưng tình trạng người dân, nhất là những người trẻ rời bỏ làng xóm đi làm ăn vẫn còn khá phổ biến. Ở nhiều nơi, nông dân vẫn chưa chuyển đổi được canh tác nông nghiệp sang các vật nuôi, cây trồng cho lợi nhuận cao. Kinh phí để đầu tư xây dựng Nông thôn mới mà người dân đóng góp, là từ việc họ phải rời bỏ quê hương ra thành phố làm thuê, rồi đem tiền về xây nhà cửa khang trang, và đóng góp xây dựng điện, đường, trường, trạm… Trong khi, một trong những tiêu chí của Nông thôn mới là nâng cao thu nhập, thì nhiều nơi vẫn chưa đạt được. Vấn đề là làm sao để những người dân của những xã nông thôn mới phải làm giàu được ngay trên chính đồng đất của họ, làm giàu bằng nghề nông ngay trên đồng ruộng.
Từ nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và chính quyền nhiều địa phương, đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người làm nghề nông. Cùng với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, là thiết lập các liên kết để tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa nông sản. Trong các chuỗi liên kết, Bộ NN&PTNT đã xác định 2 mặt xích quan trọng là doanh nghiệp làm đầu tàu cho tiêu thụ, và Hợp tác xã (HTX) làm đầu tàu cho liên kết sản xuất. Hai thành phần này phải đủ lực để đối trọng với nhau. Nhà nước đã tìm các cơ chế, chính sách để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Về phía khối HTX tuy số lượng khá đông đảo, nhưng tỷ lệ các HTX mạnh, hoạt động hiệu quả vẫn còn ít. Tìm ra những mô hình quản trị, điều hành HTX và giải pháp để các HTX hoạt động hiệu quả là “vấn đề” đau đầu của các cấp, ngành và bản thân từng HTX. Chúng tôi, các phóng viên theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cũng đồng cảm với Bộ NN&PTNT, các cấp chính quyền, các HTX và người nông dân, giờ đây mong mỏi mọi HTX đều hoạt động hiệu quả, kết nối nông dân, sản xuất để đạt được lợi nhuận cao nhất cho nông dân. Mong ước mỗi hộ nông dân có thể kiếm được hàng trăm triệu mỗi năm từ vài sào ruộng của họ.
Hơn nữa, Nông thôn mới chúng ta đã nhìn thấy rồi, chúng tôi muốn được nhìn thấy ở nông thôn xuất hiện những mô hình “Nông nghiệp mới”. Và thêm nữa, chúng tôi cũng mong mỏi nông dân sẽ nhanh chóng tự chuyển đổi mình để trở thành “Nông dân mới”, họ không chỉ giàu có, mà còn giàu tri thức và sống dư giả về văn hóa, đạt được cuộc sống đủ đầy, an lạc.
Hơn 12 năm làm báo chính thức và cả một khoảng thời gian dài trước đó làm cộng tác viên, số lượng tác phẩm báo chí anh viết là không ít và nhiều tác phẩm trong đó đã giành giải báo chí các loại, thế nhưng thực sự mà nói anh đã cảm thấy tâm huyết với một “đứa con” nào của mình chưa?
Nhà báo Chu Minh Khôi: Nói thực, tôi chưa thực sự có tác phẩm nào đạt được đến độ tâm huyết. Có lẽ, tác phẩm tâm huyết là tác phẩm đang mong ước sẽ viết được vào một ngày nào đó. Nhưng nói về quá trình viết về Nông thôn mới, nông nghiệp thì cũng có khá nhiều kỷ niệm. Thuở khi chưa triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới, và hồi đầu mới triển khai, thì tôi viết nhiều bài báo về nông thôn mới. Nhưng, khi phong trào sâu rộng khắp cả nước trong những năm gần đây, thì dường như mình lại viết ít hơn. Vào năm 2008, khi Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng (hiện đã nghỉ hưu và làm Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp) có gọi một số phóng viên đến, để giới thiệu về bản dự thảo Đề án Nông thôn mới.
Hôm đó, tôi đã viết ngay bài đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, với nhan đề: “Nếu xây nông thôn mới, cần 160 nghìn tỷ đồng”. Hôm sau, khi bài đăng, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng có gọi điện thoại cho tôi, bảo: “Cậu viết thế sẽ khiến nhiều người hiểu nhầm. Có người ở Chính phủ đã hỏi tôi rằng, soạn đề án mà đưa ra số tiền nhiều thế, Nhà nước lấy đâu ra 160 nghìn tỷ cho cái Đề án Nông thôn mới của các ông? Chúng tôi mới chỉ đang soạn thảo Đề án, đưa ra con số đó là dự tính tổng chi phí khi triển khai trong hàng chục năm. Bình quân mỗi xã cần 15-16 tỷ đồng, cả nước 10.000 xã nhân lên thì ra số tiền đó. Chứ không có nghĩa Ngân sách Nhà nước phải bỏ ra số tiền đó, mà phải huy động từ nhiều nguồn: Nhà nước, người dân đóng góp, tiền vay từ các ngân hàng, tiền ủng hộ từ các doanh nghiệp…”.
Nhà báo Chu Minh Khôi (bìa phải) giành Giải C trong Cuộc thi Báo chí về Nông thôn mới năm
2018 - (Ảnh: NVCC)
2018 - (Ảnh: NVCC)
Những năm 2008-2009, Bộ NN&PTNT tổ chức những cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia đóng góp vào Bản dự thảo Đề án Nông thôn mới, và Xây dựng Bộ tiêu chí Nông thôn mới, tôi đã đến dự các cuộc họp, hội thảo và viết bài đưa thông tin về quá trình này. Đi đến các địa phương, thấy ở đâu có “dáng dấp” một phần giống như trong Đề án soạn thảo, là tôi viết bài. Đơn cử, trong dự thảo Đề án Nông thôn mới, có nhấn mạnh đến vấn đề làng quê, xã, huyện tỉnh trước khi xây Nông thôn mới phải tiến hành quy hoạch về đường xá, xây dựng Ủy ban Nhân dân chỗ nào, trường học ở vị trí nào, trạm y tế ở đâu…
Khi về Hải Hậu (Nam Định), thấy làng Hoành Đồn có đường làng vuông vắn như bàn cờ, tìm hiểu từ cách đây 300 năm, người dân khi lấn biển khai hoang lập làng, đã “quy hoạch” đường làng một cách “quy củ như vậy”. Ngày nay ta đến đây thấy đường làng rất đẹp, đường đều tăm tắp, không có chỗ rộng, chỗ hẹp, chỉ có những ngã tư mà không có ngã ba như ở nơi khác. Nhờ đó, không có cảm giác đường đi lộn xộn như ở những nơi khác. Tôi đã viết bài về “Nông thôn mới ở Hoành Đồn”.
Trong một lần đến làng chài Vạn Vỹ (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chứng kiến một “làng” mà cư dân không có đất ở, càng không có đất canh tác, chỉ sống trên những con thuyền. Lúc ấy, tôi trăn trở, làng này xây nông thôn mới thế nào, trên sông làm gì có đường đi mà bê tông hóa điện, đường, trường, trạm. Hầu hết các cháu bé phải thất học, làm sao đạt được tiêu chí về giáo dục, môi trường…
Cũng như các đồng nghiệp, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi viết về nông thôn. Và cũng nhiều lần gặp được những cách làm hay, các sáng kiến mới trong xây dựng nông thôn và phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng viết được những bài thực sự tâm huyết thì có lẽ rằng chưa có.
Là phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp, nông thôn, anh có ý kiến gợi mở, đề xuất gì về các tác phẩm báo viết về lĩnh vực này?
Nhà báo Chu Minh Khôi: Báo chí viết về nông nghiệp nông thôn rất phong phú và đa dạng. Rất nhiều bài viết hay của các đồng nghiệp về nông nghiệp, nông thôn. Đây là mảng đề tài được phản ánh nhiều trên báo chí, và được Nhà nước rất quan tâm. Đi tác nghiệp về đề tài nông nghiệp, nông thôn dường như dễ hơn khi viết về các lĩnh vực khác. Trước hết, nếu viết về công nghiệp, thương nghiệp, du lịch, đối tượng thường là các doanh nghiệp. Và viết về doanh nghiệp, sẽ “nhạy cảm” hơn, vì rất dễ bị tòa soạn cho rằng PR cho các doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều tòa soạn đọc thấy viết về doanh nghiệp, thì yêu cầu doanh nghiệp phải trả tiền quảng cáo, thì bài mới được đăng.
Nhưng viết về nông dân thì khác, chẳng có tòa soạn nào yêu cầu nông dân phải trả tiền quảng cáo. Các bài viết về nông nghiệp, nông dân vì vậy dễ được đăng hơn, dường như các báo đều luôn có chủ trương quảng bá miễn phí cho nông dân. Tiếp cận với nông dân cũng dễ hơn khi tìm đến doanh nghiệp, hay các cơ quan Nhà nước, vì nông dân vốn dĩ thật thà, họ có sao nói vậy, họ lại rất mến khách. Viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng luôn được sự ủng hộ từ Nhà nước, đến các cấp chính quyền trong việc cung cấp thông tin.
Vâng, xin cám ơn anh./.
Đức Huy (thực hiện)
Đăng trên Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN ngày 6.6.2019 và đăng trên Báo Nhà báo và Công luận.
No comments:
Post a Comment