Gác chuông chùa Trăm Gian, nơi treo quả chuông đồng do Đô đốc Đặng Tiến Đông cho đúc
Sách giáo khoa Lịch sử phổ thông khi diễn tả sự kiện: Quang Trung đại phá quân Thanh tháng Chạp năm 1788, cho biết Vua Nguyễn Huệ sau khi lên ngôi Hoàng đế Quang Trung đã chia quân làm 5 đạo thần tốc tiến ra Bắc.
Năm đạo quân do 5 tướng soái chỉ huy: Quang Trung, Đô đốc Long, Đô đốc Bảo, Đô đốc Tuyết, Đô đốc Lộc.
Theo tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí”: Quang Trung điều động Ngô Văn Sở làm Trung Quân theo Hoàng đế Quang Trung; Đô đốc Lộc và Đô đốc Tuyết đốc suất tả quân vượt biển tới cửa sông Lục Đầu đánh vào trấn Hải Dương; Đô đốc Bảo và Đô đốc Long đốc suất hữu quân.
Đô đốc Long đem quân voi và quân kỵ mã xuyên qua huyện Chương Đức, tiến thẳng tới làng Nhân Mục (huyện Thanh Trì, Thăng Long) để đánh ngang vào đồn quân Điền Châu ở Khương Thượng.
Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống bị đánh bất ngờ không kịp chống đỡ đành thắt cổ tự tử. Khi vua Quang Trung đang đánh quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi, thì sáng hôm ấy Đô đốc Long phá tan đồn Khương Thượng. Quân thanh tan vỡ bỏ chạy tan tác, Đô đốc Long tiến quân vào Thành Thăng Long trước.   
Đô đốc Long chính là Đặng Tiến Đông (còn gọi là Đô đốc Mưu), ông sinh ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1738), quê quán Chương Mỹ - Hà Tây.  Dòng họ Đặng ở xã Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Tây) còn lưu giữ một bản sắc phong vô cùng quý giá, đề ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ 10 (triều Nguyễn Nhạc), do Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ phong Đặng Tiến Đông làm Đô đốc đồng tri, tước Đông lĩnh hầu.
Văn bản viết trên giấy sắc khổ 138x50cm, nền vàng có trang trí hình rồng, mây, và 26 chữ viết lối triện. Trên tờ sắc có dấu son hình vuông kích thước 7,8x7,8cm, đóng trên dòng chữ ghi họ tên và tước hiệu  của Đặng Tiến Đông.
Đặng Tiến Đông là con trai thứ 8 của Quận công Đặng Tiến Cẩm. Cả gia đình mấy đời ăn lộc vua Lê, giữ nhiều chức tước cao trong triều, kiêm cả tướng văn tướng võ, một nhà quý hiển ít ai sánh kịp. Quận công Đặng Tiến Cẩm từng làm trấn thủ Nghệ An, Bố chính Hải Dương, lưu thủ kinh thành, Điện tiền điểm ty đô kiểm điểm.
Gia quận công Đặng Tiến Lân, anh ruột của Đặng Tiến Cẩm lãnh chức Đại tư đồ, cùng mấy người em đều giữ tước cao: Đặng Đình Sở trấn thủ Sơn Tây; Đặng Đình Tướng làm đại tư mã tham tụng phủ chúa Trịnh...
Nơi lưu giữ nhiều di vật, chứng tích nhất liên quan tới cuộc đời của Đô đốc Đặng Tiến Đông chính là chùa Trăm Gian. Chùa có tên chữ Quảng Nghiêm, do Đức Thánh Bối (Thế danh Nguyễn Bình An) khởi dựng từ thời vua Lý Cao Tông (1185), tọa lạc trên đỉnh núi Tiên Lữ, thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.
Khuôn viên chùa um tùm những cây cổ thụ thân cao vút, tán  xum xuê, đặc biệt với gần 30 cây thông có tuổi hàng trăm năm. Năm 1794, Đô đốc Đông đã cho tu sửa chùa, đúc chuông. Quan Đô mua hai phiến đá to đưa từ Đông Triều về, một phiến dựng bia “Đức Thánh Bối”.
Còn phiến kia, mãi đến năm 1927, con cháu họ Đặng và dân làng Tiên Lữ mới dựng  thành bia “Đặng Tướng công bi”, đặt ngay tại gian bên hữu chùa ngoài.
Chùa Trăm Gian ngày nay còn lưu giữ pho tượng Đô đốc Đông (Quan Đô), một chuông đồng do Đô đốc Đông đứng ra đúc, và tấm bia “Đặng tướng công bi”. Tượng Quan Đô tạc vị đại tướng võ phục trong tư thế ngồi, cao 1,3m, khuôn mặt to lớn, gò má hơi cao, môi dày, râu quai nón, nét mặt trang nghiêm.
Tương truyền tượng tạc vào thuở sinh thời của Đô đốc. Khi rước tượng về chùa, tượng được đặt trong kiệu đi trước, quan đô cũng ngồi kiệu đi sau, người xem khó  phân biệt được đâu là tượng, đâu là người thật.
Theo tấm bia “Đặng tướng công bi”: Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tiến ra Bắc Hà, phò Lê diệt Trịnh, rồi lại rút về nam. Vua Lê nhu nhược để đến nỗi Bắc Hà lâm vào tình trạng hỗn loạn. Diễn thế thời cuộc đã ảnh hưởng tới chí hướng của Đặng Tiến Đông.
Năm 1787, ông lặn lội vào Quảng Nam yết kiến Nguyễn Huệ. Bài văn bia có đoạn: “Thái tổ Vũ Hoàng đế của Hoàng triều, nghĩa thanh vang dội, đóng quân ở Quảng Nam, ông đến cửa quan xin yết kiến, được tiếp đón và đãi ngộ riêng, rồi được tin yêu ban cho ấn kiếm, giao cho thống lĩnh việc quân”.
Trong tờ sắc phong ông làm đô đốc Đồng Tri, vua Quang Trung đã khen: “Có khí khái của trượng phu, tấm lòng của nam tử, đường làm quan gặp gỡ, dựng nên công lớn vua tôi, sau trước báo đền không quên điều hiểu biết của kẻ sĩ trong nước, qua mùa đông mà không chịu khuất như cây tùng lúc giá rét...”.
Mờ sáng ngày 5 tháng giêng Tết Kỷ Dậu (1789), sau khi diệt gọn đồn Khương Thượng, Đô đốc Đông đem đội quân tiên phong vào Thăng Long, phối hợp với đại quân chủ lực của Quang Trung từ đồn Ngọc Hồi tiến lên, đập tan đầu não quân Thanh xâm lược, khiến Tôn Sĩ Nghị cùng đám tàn quân phải tháo chạy thảm bại.
Trong lễ mừng chiến thắng, Thăng Long ăn Tết muộn năm ấy, vua Quang Trung khen thưởng Đô đốc Đông, ban cho ông làng Lương Xá quê hương để làm thực ấp. Đất nước sạch bóng quân thù, Đặng Tiến Đông được Hoàng đế Quang Trung cử giữ chức: Đại tướng thống vũ thắng vệ thiên hùng hiệu, vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ hai xứ Thanh Hóa và Nghệ An. Ông mất vào cuối thời Tây Sơn, mộ táng ở Đại Yên (Chương Mỹ, Hà Tây).
Kiến trúc chùa Trăm Gian ngày nay còn mang đậm phong cách đời Trần, vô cùng quy mô. Ngoài cổng có 4 cột trụ và hai quán dùng để tổ chức đánh cờ người mỗi dịp lễ hội. Nhà giá ngự nhìn ra hồ bán nguyệt bốn mùa rực rỡ hoa sen hoa súng.
Mỗi dịp hội chùa, thường có nghi lễ rước tượng Quan Đô và tượng Đức Thánh Bối ra ngự  bên hồ để xem múa rối nước. Trèo qua hàng chục bậc gạch xây, lên tới gác chuông, làm bằng gỗ quý, hai tầng chồng diêm 8 mái dáng thượng thu hạ thách.
Trên gác chuông treo quả chuông đồng của Đô đốc Đông đúc, mặt khắc bài minh của Thuỵ Nhâm hầu Phan Huy Ích. Chùa chính theo lối nội công ngoại quốc: Tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hai dãy hành lang vây quanh một tòa nhà 16 cột, nối liền với nhà tổ, cả thảy vừa đủ một trăm gian.
Trong chùa có hơn một trăm pho tượng Phật cổ bằng gỗ, bằng đất sơn son thếp vàng. Trên cùng thờ Tam thế Phật ngự trên bệ đồ sộ bằng đất nung, tạo thành bởi những khối đất nung có kích thước khác nhau, gắn kết bởi mộng cá con chì. Bốn góc bệ tạc hình chim thần, kiểu chân quỳ dạ cá.
Đặng Tiến Đông là một tướng tài thời Tây Sơn, có công lao to lớn góp phần vào chiến thắng vĩ đại đánh đuổi giặc Thanh xâm lược. Những di vật, tư liệu liên quan tới Đô đốc Đặng Tiến Đông đang được bảo lưu tại chùa Trăm Gian là những chứng tích lịch sử vô giá đối với nghiên cứu lịch sử thời Tây Sơn.