Nếu như tháp là hình ảnh biểu trưng của Đức Phật vốn mang tính ước lệ, thì tượng lại thuộc dòng chảy nghệ thuật điêu khắc mang tính nhân dạng, biểu thị niềm kính ngưỡng đối với Đức Phật. Tượng Phật khắc họa chân dung, diễn tả hiện thực đời sống con người, đồng thời cũng mang đầy tính siêu thực, trừu tượng với vô vàn chi tiết biến ảo của trí tưởng tượng.
- Bài, ảnh: Chu Minh Khôi - đăng trên Nguyệt san Nghiên cứu Phật học của Báo Giác Ngộ tháng 6.2009 -
Hệ thống tượng Phật trong những ngôi chùa Việt Nam (điển hình ở Bắc Bộ) vô cùng sinh động, bất kỳ pho tượng nào cũng là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, phản ánh suy nghĩ, tâm tưởng của chúng sinh.
Phật tượng trong dòng chảy văn hóa
Hệ thống tượng Phật ở Bắc Bộ vô cùng đa dạng, không những về loại hình mà còn về chất liệu. Tượng cổ chủ yếu sử dụng các chất liệu: đá, đồng, gỗ, đất sét nung, và đặc biệt là gỗ mít. Theo quan niệm dân gian, đây là loại gỗ “thiêng”, rất được ưa chuộng trong việc chế tác các đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, do vậy tránh được những sơ suất trong khi đục, lại có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Ngày nay, bên cạnh những nguyên liệu cổ truyền, người ta đã sử dụng cả bê-tông để chế tác tượng, vì nguyên liệu này vừa dễ tạo hình, lại có độ bền cao.
Tượng đức Phật A Di Đà Chùa Phật Tích bản phục chế
đặt tạo bảo tàng lịch sử Việt Nam
Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng thời Lý, tuy số lượng hiếm hoi, và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn. Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057. Pho tượng Kim Cương bảo vệ Phật pháp cùng niên đại cũng ở chùa này đã mất đầu và chân, hiện được bảo tồn tại Viện Bảo tàng lịch sử. Chùa Duyên Ứng (Long Đọi - Hà Nam) có pho tượng Kim Cương cao 1,57m; chùa Huỳnh Cung (Hà Nội) có pho tượng A Di Đà, cả hai pho tượng bằng đá thời Lý quý giá này đều đã mất đầu. Tượng thời Lý còn đầy đủ bộ phận hơn cả là hai pho đá chùa Ngô Xá (Nam Định) và chùa La Khê (Hà Tây), chỉ bị vỡ một phần đài sen.
Lần theo sử sách, nhiều tài liệu ghi về việc đúc những pho tượng bằng đồng vào thời Lý, đặc biệt là pho tượng Phật khổng lồ do Minh Không đúc trên núi chùa Quỳnh Lâm - một trong những Thiên Nam tứ đại khí. Thế nhưng thật đáng tiếc, ngày nay không còn pho tượng bằng đồng và gỗ nào của thời Lý còn tồn tại.
Tượng Phật thời Lý còn sót lại đã hiếm, tượng Phật thời Trần lại càng bặt tăm. Ngày nay không còn tìm thấy bất cứ pho tượng nào của thời Trần, riêng bệ tượng thì lại vô cùng phong phú. Trong những ngôi chùa cổ ở suốt dọc sông Đáy còn sót lại rất nhiều hương án đá có niên đại cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là những bệ ngồi của tượng, vì ở phía sau không còn chỗ nào để đặt tượng. Tìm nguyên nhân của sự vắng bóng tượng Phật thời Trần cũng như sự hiếm hoi của tượng Phật thời Lý, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều kiến giải khác nhau. Một là, do tượng Phật thời Lý-Trần chủ yếu làm từ gỗ, đất nên không bền vững, đã bị phá hủy bởi thời gian, nạn xâm thực bởi mối mọt, thời tiết khắc nghiệt, mưa dầm nắng dãi, khí hậu nóng ẩm... Hai là, do người xưa chưa ý thức được tầm quan trọng nên chưa quan tâm bảo vệ di sản. Họ chỉ nghĩ đơn giản: những thứ cũ nát thì bỏ đi, thay bằng đồ mới. Nên việc phá bỏ tượng cũ, thay bằng tượng mới cũng không lấy gì làm lạ. Ba là, do triều đại sau vì muốn xóa bỏ ảnh hưởng dấu tích của triều đại trước, xóa bỏ tư tưởng hồi cố ra khỏi quần chúng để củng cố nền thống trị mới, nên những di sản Phật giáo cũng theo đó mà lâm nạn. Bốn là, do giặc ngoại xâm tàn phá, đặc biệt giặc Minh và chính sách đồng hóa của chúng.
Từ thời Hậu Lê trở đi, hệ thống tượng Phật ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về chất liệu (gỗ, đá, đất, sứ...) lẫn nghệ thuật tạo hình. Niên đại thế kỷ XV, còn lưu giữ được Bộ tượng Tam Thế Phật bằng đá ở chùa Ngọc Khám. Riêng niên đại thế kỷ XVI đã khá phong phú, tượng Phật chủ yếu tạc từ gỗ. Ta gặp những bộ Tam Thế Phật ở chùa Thầy, chùa Ninh Hiệp (Hà Nội); chùa Trà Phương (Hải Phòng)... chùa La Khê (Hà Nội) có tượng Thích Ca tọa thiền. Thế kỷ XVI cũng đã bắt đầu xuất hiện tượng Quán Âm Nam Hải (Thiên Thủ Thiên Nhãn), hiện còn lưu giữ ở chùa Đào Xuyên, chùa Nga My (Hà Nội); chùa Thượng Trưng, chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc); chùa Động Ngộ (Hải Dương). Chùa Phổ Minh (Nam Định) có tượng Quán Âm cứu độ.
Tứ pháp trong 4 ngôi chùa cổ: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cũng đều là những pho tượng được xác định niên đại thế kỷ XVI. Trước công nguyên, nhân dân ta thờ các vị thần: Mây, Sấm, Chớp, Mưa. Khi đạo Phật truyền vào, đã được dung hòa với tín ngưỡng bản địa, vì vậy bốn vị thần được người dân coi là Phật. Lúc đó trong chùa chưa thờ Phật Thích Ca, mà Tứ pháp là các vị Phật sơ khởi được nhân dân thờ phụng trong chùa. Tương truyền Tứ pháp được Sĩ Nhiếp cho tạc để thờ trong 4 ngôi chùa cổ trên vào thế kỷ thứ III. Trải qua thời gian, những pho tượng từ thời Sĩ Nhiếp đã không còn. Theo các nhà khoa học, Tứ pháp trong 4 ngôi chùa cổ nhất nước ta hiện nay là những pho tượng có niên đại muộn hơn nhiều, vào thời Hậu Lê.
Cùng với hệ thống tượng gỗ, thời Hậu Lê cũng phong phú các pho tượng đá. Nơi lưu giữ nhiều pho tượng đá cổ nhất nước ta có lẽ là chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây) với 48 pho tượng đá thời Lê được chế tác công phu, tinh xảo, tư thế nào cũng toát lên vẻ đẹp tâm linh của Đức Phật, Di Lặc, La Hán, Thập điện Diêm Vương... Từ thế kỷ XVII trở đi, và mặc dù sau đó đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhưng thế giới tượng Phật vẫn ngày càng trăm hoa đua nở, muôn hồng ngàn tía. Rất nhiều pho tượng mang tính kinh điển đã trở nên thân thuộc với đời sống tâm linh người dân Á Đông: Tòa Cửu Long, Thích Ca tọa thiền, Thích Ca nhập niết bàn, A Di Đà, Tam thế, Di Lặc, Quán Âm tọa sơn, Quán Âm Nam Hải, Tuyết Sơn, Chuẩn Đề, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, các vị La hán...
Số lượng tượng Phật và nghệ thuật sắp đặt tượng ở mỗi ngôi chùa mang những phong cách khác nhau, nhưng thường tuân theo quy tắc chung. Hai bên tiền đường luôn sừng sững hai pho Hộ pháp với kích thước to lớn khác thường. Tòa Thiêu hương bố trí nhiều lớp tượng cân xứng hai bên. Chính giữa lớp trên cùng của Thiêu hương là tượng Ngọc hoàng, hai bên có Nam Tào và Bắc Đẩu. Nhiều ngôi chùa để tòa Cửu Long tọa lạc ở trung tâm của Thiêu hương, phía trước tượng Ngọc hoàng. Thiêu hương không thể thiếu các tượng Thánh hiền, Đức ông bố trí đăng đối, mỗi pho tượng này lại có thêm 2 pho người hầu. Lớp dưới cùng thường có tượng Tổ và tượng Thổ địa. Tam bảo của Thượng điện chỉ dành để bài trí tượng Phật nên còn gọi là điện Phật. Hai bên Tam bảo có 2 hàng tượng Thập điện Diêm Vương (mỗi bên 5 pho) nhằm làm tăng sự uy nghiêm cho Phật điện. Tượng ở Tam bảo sắp đặt thành nhiều lớp, trung bình có 5-6 lớp tượng. Mỗi lớp tượng thường có 1 pho hoặc 3 pho, thậm chí 5 pho. Những pho tượng ngự độc lập trên một lớp thường là: Thích Ca, A Di Đà, tòa Cửu Long, Quán Âm thiên thủ thiên nhãn... Những lớp tượng 3 pho thường tạo thành bộ Tam thế Phật, cùng với biến thể Di Đà Tam tôn.
Không tọa lạc ở những vị trí trang nghiêm tối thượng của Tam bảo, chỉ trú dọc 2 dãy hành lang chùa, nhưng hệ thống tượng La hán lại vẫn mang giá trị thẩm mỹ cao, đầy ắp giá trị hiện thực nhân sinh. La hán tái tạo những con người sắp thành Phật, đang ở cảnh giới trung gian giữa cõi người và cõi Phật. Để đạt thành chánh quả, con người phải trải qua muôn vàn gian nan, kiếp nạn. Bởi vậy, các pho tượng La hán chính là tác phẩm để những nghệ nhân xưa truyền tải vào đó những nỗi thống khổ nhất của kiếp người mà họ và biết bao đời đã từng trải qua, quằn quại trong “đêm trường” của xã hội phong kiến. Ngày nay, đứng trước những pho tượng La hán khiến chúng ta luôn rùng mình run rẩy, thán phục tài nghệ của những người thợ xưa, đặc sắc nhất là trong các ngôi chùa: Chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Dâu, chùa Trăm gian...
Chùa Việt Nam không chỉ bài trí tượng Phật, mà còn có nhiều loại tượng khác: Tượng các vị danh nhân có công với nước, tượng Diêm vương, Ngọc Hoàng, tượng Hậu, tượng Thánh, Kim Cương, Tứ Trấn... Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một số loại hình tượng Phật phổ biến nhất.
Bộ Tam Thế Phật
Ngự ở vị trí cao nhất của tòa Tam bảo luôn là hiện thân của Giáo chủ Như Lai, mỗi ngôi chùa với một hiện tướng khác nhau: tượng Thích Ca tọa thiền, A Di Đà, hoặc Bộ Tam thế Phật thể hiện 3 kiếp của Đức Phật Tổ. Ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội), Tam thế Phật ngự trên tầng cao nhất của tòa Điện Phật, cả ba pho đều trong tư thế thiền định, chân xếp bằng kiết già, cùng kích thước (cao 0,82m). Pho ở giữa với mái tóc kết xoắn ốc, khoác cà sa chùng rộng, nếp áo phủ cân xứng qua hai bờ vai. Pho bên trái, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay trái đặt lên gối trái, nếp áo cà sa thưa hơn, vắt từ vai trái qua vai phải. Pho bên phải, tay trái đặt trước lòng với ngón cái cong lên, tay phải đặt ngửa trên đùi phải.
Ở chùa Hương Trai (Hoài Đức, Hà Nội), Bộ Tam thế niên đại thế kỷ XVII ngự trên bệ đá hoa sen. Cả 3 pho, mặt tượng đều đầy đặn, hiền hậu, trên đầu nổi “nhục kế” tròn như bát úp. Tóc kết xoắn ốc phủ lên nhục kế. Tai dài chảy xuống gần chạm vai. Trước ngực có sợi dây anh lạc tạo bởi các hạt nổi liên kết từ những vân xoắn. Cả ba pho tượng đều ngồi trong tư thế kiết già, tượng trưng cho 3 đại kiếp của Như Lai giáo chủ. Pho quá khứ (Trang nghiêm kiếp) mặc 2 lớp áo, ngực nổi chữ Vạn. Pho hiện tại (Hiền kiếp), vạt áo trái chồng lên vạt áo phải, tay trái duỗi thẳng đặt lên lòng đùi, tay phải kết ấn Vô úy. Pho Vị lai (Tinh tu kiếp), áo tạc bó sát thân, tay trái đặt lên đùi kết ấn Gia trì Bổn tôn, tay phải kết ấn Chuyển pháp luân. Bộ Tam thế Phật nguyên thủy thể hiện 3 kiếp của Phật Tổ trong hình dáng và kích thước tương tự nhau, nhưng về sau đã hình thành nên những biến thể: Tam thế Di Đà - Thích Ca - Di Lặc; Di Đà Tam tôn; Hoa Nghiêm Tam thánh.
Chùa Ngọc Khám (Thuận Thành, Bắc Ninh) ngày nay còn lưu giữ được ba pho tượng nghệ thuật bằng đá xanh vô cùng giá trị, đó chính là bộ tượng Tam thế được tạo tác vào khoảng cuối thời Trần đến đầu thời Lê sơ, niên đại thế kỷ XV, được các nhà khảo cổ học đánh giá là bộ tượng Tam thế Phật cổ nhất Việt Nam. Có tài liệu gọi ba pho tượng này là bộ Di Đà Tam tôn (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí), nhưng đa số tài liệu khẳng định đây là các pho: Di Đà, Thích Ca, Di Lặc. Cả ba pho tượng đều có kích thước và hình dáng khá giống nhau, đều không còn nguyên vẹn. Đầu tượng bên trái bị gãy phải chắp vá lại. Tượng giữa khuyết một phần mũi, một bên má và một phần tai. Tượng bên phải sứt một phần mũi và cằm. Pho Di Đà cao 1,37m (cả bệ là 2,3m); tượng Thích Ca cao 1,37m (cả bệ là 2,39m); tượng Di Lặc cao 1,4m (cả bệ là 2,49m). Các tượng đều có gương mặt đầy đặn, tóc xoăn, tai chảy, toát lên vẻ phúc hậu mà cũng rất trang nghiêm. Mặt Phật hơi ngẩng cao, mặc áo bó sát thân, áo khoác ngoài có nhiều nếp uốn cong, đường diềm áo trang trí hoa văn. Ngực các pho tượng đeo vòng tràng hạt đan chéo nhau tạo thành hình tam giác, điểm xuyết bông hoa nhiều cánh cách điệu, với những dải tua rua dài. Ba chiếc bệ của bộ tượng Tam thế Ngọc Khám đều có phần trên cùng hình tròn tạo thành tòa sen với 2 lớp cánh, ngự trên bệ bát giác 3 tầng. Hoa văn trang trí trên bộ tượng Ngọc Khám vô cùng phong phú, chủ yếu tập trung ở bệ tượng, gồm các hình rồng, long mã, hoa lá, chim muôn… Hoa văn ở mỗi cánh sen có rồng, mây, hoa lá, cứ xen kẽ một cánh có hình rồng, lại tới cánh sen có đôi rồng chầu vào một viên ngọc. Những cánh sen trang trí 2 hình rồng cũng khác nhau, chiếc thì đôi rồng đối xứng theo trục dọc đứng thẳng chia đôi cánh sen, chiếc thì đôi rồng đối xứng theo trục chéo hợp với trục đứng thành góc 45 độ. Rồng trên cánh sen dáng thon nhỏ, đầu to và dài, miệng há rộng khoe hàm răng nhọn, mào lửa từ mũi vươn lên xoắn vỏ đỗ rồi tỏa theo hình lá cây, thân hình uyển chuyển trong bố cục hài hòa. Chân bệ được chạm khắc rất nhiều bức tranh sống động. Chân bệ giữa có phong cảnh đầm sen, với 2 bông sen đang nở rộ, cùng hai nụ sen chưa nở giữa những lá sen xòe rộng. Ở một cảnh khác, trên hồ nước mênh mông vươn lên khóm trúc, trên cành có 3 con chim đang đậu.
Trong các bộ Di Đà Tam tôn thường gặp ở các ngôi cổ tự, ngự chính giữa bộ tượng bao giờ cũng là pho A Di Đà theo lối kiết già để hàng phục yêu ma. Đầu tượng A Di Đà thường nổi nhục kế, có những cụm tóc xoắn ốc nên được dân gian gọi là "ông Bụt Ốc". Mặt tượng đầy đặn thể hiện sự phúc hậu, nét mặt thanh tịnh, tươi nhuần. Tai tượng to, dài, chảy xuống. Cổ tượng cao, nhiều ngấn. Tượng A Di Đà thường mặc áo choàng, vạt áo nhiều lớp chảy tràn xuống đài sen, ống tay áo rộng có những nếp song song chảy trên đùi rồi tràn xuống bệ. Ở một trong những kiểu biến thể Di Đà Tam tôn, bên trái A Di Đà là tượng Di Lặc, bên phải là tượng Tuyết Sơn. Một pho tượng béo tròn cùng một pho tượng gầy trơ xương tọa lạc 2 bên Đức A Di Đà cân đối, tạo nên giá trị thẩm mỹ cao về những thái cực hiện hữu trong thế giới thực. Tượng Di Lặc với gương mặt tròn đầy, miệng cười tươi tắn, hai tai to chảy dài xuống, cổ ngắn, đầu láng. Ngực tượng để trần, áo chỉ phủ từ dưới bụng trở xuống, bụng to tròn, hằn 3 nếp phía trước. Chân ở tư thế ngồi thoải mái, chân phải xếp bằng, chân trái chống hơi nghiêng, bàn chân đặt phía trước. Tay phải để ngửa, các ngón tay mở đặt trên đùi, tay trái úp xuống đặt trên đầu gối. Tượng Tuyết Sơn với dáng gầy gò, khuôn mặt khắc khổ nhưng thư thái, hai tai chảy dài xuống tận cổ. Toàn bộ khung xương lộ rõ, thậm chí đôi tay lộ rõ đường gân. Ấn tượng nhất chính là các khắc họa những xương sườn và khung xương chậu, khiến người chiêm ngưỡng luôn cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn trong con người gầy gò. Tượng thường tạc ở tư thế ngồi, chân phải xếp bằng, chân trái chống lên. Tay phải thõng xuống, bàn tay để ngửa, trong lòng bàn tay có viên ngọc. Tay trái úp xuống đặt lên đầu gối.
Ở một biến thể Di Đà Tam tôn khác cũng thường thấy, bên trái A Di Đà là tượng Đại Thế Chí, bên phải là tượng Quán Âm. Quán Âm và Đại Thế Chí tạc ở tư thế đứng trên đài sen. Đại Thế Chí có gương mặt to, tóc búi ngược, đội mũ có thành cao, hai tay tượng để trước ngực, có thể cầm bông hoa sen. Tượng Quán Thế Âm trong tư thế tay cầm bình nước cam lồ. Ngày nay vẫn còn lưu giữ được những bộ Di Đà Tam tôn có tuổi hàng trăm năm, phải kể đến các bộ tượng ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội), chùa Bắc Lãm (Hà Tây) vào thế kỷ XVII, chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vào thế kỷ XVIII, và phổ biến trong các chùa thế kỷ XIX. Bộ tượng Di Đà Tam tôn bằng gỗ cổ nhất Việt Nam đã được xác định là bộ Di Đà Tam tôn ở chùa Thầy, ngự ở vị trí cao nhất phía trong cùng của tòa Điện thánh. Ở đây, A Di Đà trong tư thế kiết già, đầu tượng có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh. Tai đeo hoa, cổ đeo vòng trang trí hình tròn lớn ở giữa với hình hoa mai và anh lạc. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng đeo dây anh lạc chỉ có ở tượng niên đại TK XVI. Tay phải của tượng để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhẫn có mặt hoa cúc mãn khai. Tượng khoác áo cà sa chùng rộng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mặt bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng nhiều nếp và bó mối xoắn. Quán Âm Bồ tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng trên mặt đài sen. Kích thước tượng: cao 1,48m, ngang vai 0,58m, ngang đùi 1,14m. Đầu tượng đội mũ thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đóa ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt nhìn thẳng phía trước, đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như tràng hạt. Bồ tát Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng. Kích thước tượng: cao 1,22m, ngang vai 0,3m, ngang đùi 0,77m. Đầu đội mũ thiên quan, lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Mặt thanh nhỏ, cổ đeo vòng. Tay phải cầm phất trần đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Tượng khoác cà sa chùng rộng, giống tượng Đức Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế âm. Quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi. Cả ba pho Di Đà Tam tôn đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, trong sách Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt cho rằng đây là "Bộ Di Đà Tam tôn có niên đại sớm nhất bằng gỗ được biết ở nước ta. Sở dĩ pho tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở chùa Thầy có niên đại thế kỷ XVII vì có hình thức gần với tượng Quán Âm thời Mạc”. Trong sách Chùa Việt Nam, Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: "Bộ tượng Di Đà Tam tôn ở chùa Thầy có niên đại 1607 hiện là bộ tượng Di Đà Tam tôn sớm nhất ở nước ta".
Một trong những biến thể của Tam thế Phật là bộ tượng Hoa Nghiêm Tam thánh, tọa lạc ở giữa là tượng Thích Ca Giáo chủ ngồi cầm hoa sen, như khi ngài thuyết pháp ở Linh Thứu sơn. Văn Thù Bồ tát ngự ở bên trái, đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con sư tử xanh. Bên hữu là tượng Phổ Hiền Bồ tát, đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con voi trắng. Đây là hình ảnh được tạc dựa theo thuyết nói trong kinh Hoa Nghiêm. Ở nhiều ngôi chùa, bộ Hoa Nghiêm Tam thánh cũng có những biến thể khác, bên trái là tượng Ca Diếp, bên phải là tượng A Nan Đà, đây là hai đại đệ tử của Đức Thích Ca khi Ngài còn ở thế gian, cả hai vị tôn giả này đều được tác tạo trong tư thế đứng, hình dáng hai người tỳ khưu.
Hình tượng Đức Thích Ca Mâu Ni
Theo truyền thuyết, khi chào đời, Đức Phật đã bước đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở ra một bông sen. Ngài đưa tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Tất cả các nước theo Phật giáo khi dựng lại hình ảnh Đức Phật đản sinh, thường khắc tạc tượng một em bé, chân đang bước dẫm lên bông sen nở, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất. Những pho tượng Thích Ca sơ sinh bắt đầu xuất hiện trong những ngôi chùa ở Việt Nam cũng được thể hiện mộc mạc như vậy.
Tượng Thích Ca sơ sinh sớm nhất hiện còn thuộc thế kỷ XVI. Chùa Đông Dương (Hải Dương) có pho tượng Thích Ca sơ sinh sớm thuộc thời Mạc. Niên đại tương đối này trước hết được xác định qua tòa sen tròn đặt trên chiếc bệ bát giác, cánh sen mập, hoa văn được trang trí ở cả mặt cánh sen và các mặt bên của bệ bát giác những hình mây, hoa và cây thường gặp ở thời Mạc. Dáng tượng nhô về trước, chân hơi mở ra gây cảm giác vui và vững. Tượng mặc chiếc váy ngắn cũn chỉ có vài đường cong võng nhịp theo gấu váy, tạo cảm giác tượng như nhô ra và phình ngang, thể hiện em bé bụ sữa. Đầu tượng rất tròn, trán cao, hai mắt như chia đôi đầu, các chi tiết trên mặt đều hồn nhiên, đời thường. Niên đại thời Lê Trung Hưng, ngày nay còn pho tượng Thích Ca sơ sinh bằng đá ở chùa Hưng Long (Hà Nội). Tượng được tạc nổi trên mặt phiến đá trông giống như tấm bia, thể hiện cậu bé sơ sinh trần truồng đứng trên đài sen, trong một vòm động. Viền quanh động là một băng hoa với hình chín con rồng nối nhau như đường diềm của bia, sườn bên ghi rõ niên hiệu Phúc Thái 2 (tức năm 1644).
Đến thế kỷ XVII, tượng Thích Ca sơ sinh đã phát triển lên thành Tòa Cửu Long, diễn tả sinh động và đầy đủ truyền thuyết đản sinh. Tòa Cửu Long lấy cây vô ưu làm bối cảnh, cùng với bầu trời đan bởi chín con rồng phun nước, xung quanh có Đế Thích, Phạm Thiên cùng các Thiên thần. Hình ảnh này được khắc họa dựa theo truyền thuyết, khi Đức Phật chào đời, bầu trời xuất hiện chín con rồng phun nước thơm xuống để tắm cho Ngài, hai vị vua trời là Đế Thích và Phạm Thiên, cùng các thiên thần tiên nữ đến dâng hoa ca múa chào mừng. Tòa Cửu Long niên đại thế kỷ XVII ở chùa Keo (Thái Bình) được đánh giá là một trong những tòa Cửu Long cổ nhất nước ta. Ngày nay rất nhiều ngôi cổ tự còn lưu giữ được những tòa Cửu Long do người xưa tạo tác có tính nghệ thuật thẩm mỹ cao độ, phải kể đến tòa Cửu Long trong những ngôi chùa: Bảo Đài Cổ Sái (trong quần thể Hương Tích), chùa Đại Bi (Nam Giang-Nam Định), chùa Phúc Khánh, chùa La Khê, chùa Đồng Trúc, chùa Ngọc Trục (Hà Nội), chùa Linh Ngai (Hà Nam), chùa Dư Hàng (Hải Phòng).
Khi tác tạo tòa Cửu Long, các nghệ nhân tha hồ tự do sáng tác nên hình tượng rồng nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn, rồng trên tòa Cửu Long của Linh Ngai tự có đầu mập hơn so với thân, với nét đặc trưng: mắt quỷ, miệng sói, mũi sư tử, râu cá trê, sừng nai... Càng quan sát kỹ những con rồng ta có cảm tưởng như chúng đang thỏa sức vờn mây nhưng lại thật hung dữ trong biểu hiện sức mạnh của uy quyền. Nếu như hầu hết những pho tượng Phật đều thuộc loại hình điêu khắc nhân dạng, diễn tả từng vị Bồ tát, thì riêng tòa Cửu Long là cả một quần thể gồm rất nhiều pho tượng đặt trong sự phối cảnh phức hợp. Tên gọi “Tòa” đã nói lên lòng tín ngưỡng của con người. Nội dung cốt lõi của tác phẩm phải diễn tả thấu triệt ý nghĩa thăng diệu của sự kiện đản sinh. Bối cảnh lấy trời đất vũ trụ (gồm cả “Thiên thượng” và “Thiên hạ”) bao bọc, đồng thời làm nền tôn cao Chân ngã Như Lai. Hình ảnh chín con rồng phun nước là sự kết hợp tuyệt vời giữa triết lý Phật giáo với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ, thể hiện lòng cầu mong của người làm ruộng được mưa thuận gió hòa để bước vào một vụ mùa phong đăng hòa cốc.
Trong nhiều ngôi chùa, phổ biến gặp những pho tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền, với nhiều hình thức kết ấn: Tam muội, Mật phùng, hoặc Chuẩn Đề. Cả ba cách kết ấn này đều tạo cho tượng có bố cục cân đối đến mức gần như đăng đối giữa hai nửa phải và trái, do đó gây được hiệu quả trang nghiêm. Ở chùa Đại Phúc (Hoài Đức, Hà Nội), Phật Thích Ca kết ấn Mật phùng, hai vạt áo chảy dài xuống, gắn kết chặt chẽ tượng với bệ thành một chỉnh thể, tất cả lại được đặt trên lưng một con voi trắng. Cánh sen bệ tượng vênh ra, trên cánh sen chạm nổi một số hình trang trí, có thể tượng thuộc niên đại hơi muộn, khoảng thế kỷ XVIII. Những pho tượng Thích Ca niêm hoa ghi lại hình ảnh Đức Phật thuyết pháp không dùng lời (bất lập văn tự) phổ biến trong nhiều ngôi chùa.
Trong loại hình tượng Phật Thích Ca, chúng ta cũng thường gặp tượng Phật nhập Niết bàn, điển hình ở chùa Mía (Đường Lâm, Hà Nội); chùa Phổ Minh (Nam Định); chùa Keo (Thái Bình); chùa Thổ Hà (Bắc Ninh). Phật nhập niết bàn thể hiện sự tịch diệt một cách thanh thản trong tư thế nằm ngủ nghiêng mình tay phải tiếp đất để nâng đầu, tay trái để dọc theo thân mình ở sườn phía trên. Thông thường các nhà sư, cũng như hết thảy mọi người, thường nhập diệt ở tuổi cao, nên thân thể phải già nua. Nhưng hầu hết các pho tượng nhập Niết bàn lại thể hiện Đức Phật nhập diệt trong tư thế tráng niên, khỏe mạnh. Tượng Phật nhập Niết bàn chùa Mía có phần đầu tóc to cao, mình mặc áo dài với nếp chảy sóng, toàn thể lớn hơn người thực với nét đẹp nữ tính. Trong khi đó tượng Phật nhập Niết bàn chùa Keo chỉ dài có 91cm, vẫn còn ở tuổi thiếu niên chưa thành Phật, y phục như Thích Ca sơ sinh (mình trần, mặc váy). Những tượng về đề tài này đều muộn, thuộc thời Nguyễn, thậm chí ở tận đầu thế kỷ XX.
Tượng Quán Âm
Trong tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam, Quán Âm là biểu tượng của Từ bi, xót thương các khổ nạn của chúng sinh mà ra sức cứu độ. Theo truyền thuyết có 39 thân pháp Quán Âm, và hàng trăm ứng thân của Ngài, bởi vậy trong nghệ thuật điêu khắc có vô vàn cách thức thể hiện Bồ tát Quán Âm. Nghệ thuật tạo hình Quán Âm phát triển rực rỡ, trở thành mảng văn hóa phong phú bậc nhất trong dòng chảy của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam . Các nhà nghiên cứu nước ta đã thống kê và phân chia tượng Quán Âm thành 6 nhóm phổ biến: Thánh Quán Âm, Quán Âm Nam Hải, Mã Đầu Quán Âm, Quán Âm Chuẩn Đề, Quán Âm Tống Tử, Quán Âm tọa sơn.
Tượng Thánh Quán Âm khắc họa hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm khoác áo cà sa, tay cầm bình ngọc cắm cành dương liễu, trong bình đựng nước cam lồ. Pho tượng tái hiện truyền thuyết rằng, một năm trời đại hạn, nông dân khổ sở vì thiếu nước cày cấy, nên cầu khẩn Bồ tát. Ước vọng của dân chúng thấu đến Quán Âm, Ngài cưỡi mây thị hiện, cầm nhành liễu chấm vào nước cam lồ, hướng về các thửa ruộng ở bốn phương đông tây nam bắc phất tay rảy nước. Lạ thay, mây mù tụ họp trong không trung, một cơn mưa lớn như xối đổ xuống không ngừng trong cả tiếng đồng hồ, sau đó mây mới tan và mưa mới ngừng. Nhờ cơn mưa rào trừ được nạn hạn hán mà cứu trăm họ trong một vùng đất rất lớn khỏi cảnh thiên tai. Tượng Quan Âm cầm bình nước cam lồ không những được đặt trong Thượng điện, mà người ta còn đặt bên ngoài khuôn viên kiến trúc chùa, không có mái che. Thông thường, khi bài trí lộ thiên bên ngoài chùa, người ta thường sơn tượng màu trắng, để Thánh Quán Âm quay mặt ra hồ, sông, ao trước chùa.
Mô típ Quán Âm tọa sơn tạc vị Phật nữ tọa lạc trong một hang động hoặc trên núi. Đặc sắc là những pho tượng Quán Âm tọa sơn ở các ngôi cổ tự: chùa Đại Trà (Hải Phòng) thế kỷ XVI; chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), chùa Tam Sơn (Bắc Ninh), chùa Đa Tốn (Hà Nội) vào thế kỷ XVII; chùa Cả, chùa Nhạ Phú, chùa Dương Liễu (Hà Tây) vào thế kỷ XIX. Một dạng rất đặc biệt của mô típ Quán Âm tọa sơn là Quán Âm Tống Tử mà dân gian quen gọi là Quan Âm Thị Kính, xuất hiện ở chùa Tây Phương, chùa Mía và các chùa khác thuộc thế kỷ XVIII. Tượng Quán Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa. Trong nhiều ngôi chùa, tay trái của Bồ tát Quán Âm bế một đứa trẻ, bên vai phải tượng đôi khi có con chim khổng tước ngậm chuỗi hạt.
Quán Âm Chuẩn Đề là một mô típ khá đặc sắc trong nghệ thuật tạo hình tượng Phật. Chuẩn Đề còn có nghĩa “Tịnh Khiết”, vẫn được hiểu là một pháp ấn được thể hiện bằng hai bàn tay chắp vào nhau đưa lên trước ngực, 2 ngón tay giữa dựng thẳng (tạo thành mũi nhọn của vajra - kim cương), các ngón còn lại đan vào nhau và quặp xuống, 2 ngón cái hoặc chắp dính vào nhau hoặc đan chéo nhau và gập lại.
Loại hình Mã Đầu Quán Âm khá phổ biến trong các ngôi chùa ở Trung Quốc, nhưng rất hiếm gặp ở nước ta. Hiện mô típ này chỉ duy nhất tìm thấy ở ở chùa Vĩnh Phúc (Hoài Đức, Hà Tây), niên đại vào khoảng thế kỷ XIX. Tượng Mã Đầu Quán Âm chùa Vĩnh Phúc cao 113 cm, ngang vai 27cm, được làm bằng gỗ, đặt trên bệ cũng bằng gỗ. Tượng tạc một người phụ nữ ở tư thế ngồi trên ngọn núi, gương mặt tươi tắn, hiền hậu, đầu đội mũ làm theo kiểu nhọn dần lên phía trên. Hai chân buông thõng, một tay để vào nếp áo trước bụng, tay kia ôm con ngựa trắng, ngựa nép sát người, chỉ nhìn thấy một chân phía trước, đầu ngựa tỳ vào vai Quán Âm.
Loại hình nghệ thuật tượng Quán Âm xuất hiện nhiều nhất trong chùa Việt là Quán Âm Nam Hải, với hình tượng rồng đội tòa sen gọi là quỷ biển, ngự trên tòa sen là Quán Thế Âm Bồ tát. Quán Âm thiên thủ thiên nhãn là đỉnh cao nghệ thuật của Quan Âm Nam Hải. Quán Âm được nhân dân tưởng tượng với hình Phật Bà có ngàn tay và ngàn mắt, ngàn mắt biểu trưng cho đại trí tuệ, ngàn tay biểu trưng cho đại từ bi. Đặc sắc nhất phải kể đến những pho tượng thiên thủ thiên nhãn ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Tam Sơn (Bắc Ninh) vào thế kỷ XVII, chùa Mễ Sở (Hưng Yên), chùa Tây Phương (Hà Tây)... Pho tượng được coi là kiệt tác nghệ thuật bậc nhất trong nghệ thuật tạc tượng Việt Nam là pho Quán Âm thiên thủ thiên nhãn của chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh). Tượng cao 3,7m, vành hào quang rộng 2,1m và bệ tượng dày 1,15m. Phật được tạc trong dáng nữ giới với khuôn mặt đôn hậu, điềm tĩnh siêu thoát. Đầu tượng còn được tạc thêm hai bộ mặt ở hai bên má và có thêm 8 bộ mặt ở 3 tầng trên mũ và trên đỉnh có một pho tượng A Di Đà. Ngoài hai đôi tay chính chắp trước ngực theo kiểu "liên hoa hợp chưởng" và được đặt trên đùi theo kiểu "thiền định", có 40 cánh tay lớn nằm ở hai bên. Đằng sau lưng Phật có 958 cánh tay nhỏ, được sắp xếp theo những vòng tròn đồng tâm và đặt so le nhau ở từng lớp, tạo thành những vòng hào quang cho tượng. Trong lòng mỗi bàn tay của tượng đều chạm một con mắt, tạo ra ý nghĩa kép, những cánh tay vừa tỏa hào quang độ lượng của Phật, nhìn thấu cõi nhân gian, vừa tượng trưng cho những bàn tay dang ra cứu vớt mọi nỗi thống khổ. Với nghìn con mắt và nghìn bàn tay, Phật Bà như nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm để cứu giúp chúng sinh. Phật Bà ngồi hành đạo trong tư thế thư thái ung dung, vạt áo cà sa rủ mềm xuống bệ, cơ hồ như phủ lên muôn loài, thuần phục Tràng Ba Long Vương dữ tợn đội tòa sen đưa Phật Bà vượt qua biển. Trên tượng có ghi: "Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt, cốc nhật doanh tạo. Nam Đông Giao Thọ nam tiên sinh phụng khắc". Đây là bức tượng duy nhất trong hệ thống tượng cổ Việt Nam có ghi niên đại năm tạc, tên người tạc.
Tượng Quán Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở, Hưng Yên là pho tượng cổ có nhiều tay nhất ở nước ta, tới 1.113 cánh tay; ngoài tập hợp các cánh tay được ghép thành hình vòng cung như tượng ở chùa Bút Tháp, còn được phát triển tiếp lên phía trên đầu vị Phật, tạo thành các đường vòng uốn khúc liên tục như những đám mây cuộn. Đặc biệt, các tay nhỏ của Quan Âm không chỉ tạc từ cánh tay trở ra như tượng chùa Bút Tháp, mà còn có thêm phần gập của khuỷu tay. Đôi tay trên cùng được chụm lại ở phía trên đỉnh của mũ thiên quan (được gọi là tay Đảnh hóa Phật), hình thức này được làm theo khuôn mẫu của tượng Phật Trung Quốc. Điểm ấn tượng nhất của pho tượng này là có thêm một đôi tay ở sau lưng tượng (được gọi là tay Phổ Lễ), việc này làm cho bức tượng có thêm một không gian nữa, tạo thành không gian đa chiều cho việc thưởng thức nghệ thuật tượng.
Một vài quy tắc mỹ thuật trong tạc tượng Phật
Tượng Phật với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn, không phải bất cứ nơi nào cũng làm được. Mỗi nghệ nhân không chỉ cần có sự khéo léo của đôi tay, trí tưởng tượng của khối óc, mà còn phải nắm vững những quy định khe khắt về động tác, dạng thế, kích thước, cách trang phục và các đặc tính cơ bản của mỗi loại tượng. Bởi vậy, từ xưa đã hình thành nên những làng nghề truyền thống chuyên chế tác tượng Phật, phát triển rất thịnh vượng. Ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), nổi danh các phường thợ làm tượng gỗ như: Hà Cầu, Bảo Động, Mai Yên. Làng La Xuyên (huyện Ý Yên, Nam Định) không những lừng danh về nghề tạc tượng Phật từ lâu đời mà ngày nay còn nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, tủ chùa... Tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc về Hà Nội) có 2 làng nghề tạc tượng Phật trứ danh, đó là làng Chàng Sơn (ở huyện Thạch Thất) và làng Sơn Đồng (ở huyện Hoài Đức). Làng Chàng Sơn có tới 98% dân số theo đạo Phật, nghề mộc ở đây nổi tiếng khắp xứ Đoài, chủ yếu là tạc tượng Phật, mà bộ sản phẩm trứ danh suốt nhiều đời nay chính là “các vị La hán chùa Tây Phương”. Những làng nghề chế tác đá lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đá ở Bắc Bộ phải kể đến: làng Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội); Làng Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình)... Những làng nghề đúc đồng lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đồng ở miền Bắc có: làng nghề Tống Xá , Vạn Điểm (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định); Ngũ Xá (Hà Nội); Đại Bái (Bắc Ninh)...
Trong hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc nước ta, số lượng và sự đặt bày tượng Phật cùng với những lễ nghi tôn giáo có những nguyên tắc nhất định. Do vậy, từ hình thức tới nội dung pho tượng, người thợ cũng phải tuân thủ theo những quy chuẩn khá đồng nhất, chẳng hạn: Tượng A Di Đà bao giờ cũng ngự ở tòa sen, nơi cao nhất Tam bảo và ngồi kiểu “kiết già hàng ma”; các pho Ananđà và Ca diếp thường được tạc trong tư thế đứng; tượng Hộ pháp bao giờ cũng có kích thước phóng đại (chiều cao từ 2,5-3,5m); Quan Âm Tống Tử thường có kích thước nhỏ và bao giờ cũng bồng đứa con nhỏ trên tay...
Từ cổ chí kim, các nghệ nhân tạc tượng đều lấy "diện" (kích thước của đầu tượng) để làm chuẩn tính tỷ lệ kích thước các bộ phận của tượng Phật. Tỷ lệ tượng ngồi bằng 4 diện và tượng đứng bằng 7 diện được đúc kết từ bao đời ở nước ta, cũng tương đồng với những quy chuẩn trong nghệ thuật tạo hình nhân dạng ở châu Âu. Trong quy chuẩn về bố cục tượng Phật thường phân chia như sau: từ chân tóc tới cằm bằng 1 diện; từ cằm tới rốn bằng 3 diện; từ rốn tới gót chân bằng 3 diện. Ngoài việc tuân thủ quy tắc về tỷ lệ chiều cao, người thợ cũng cần tuân thủ những công thức rộng vai, dài tay: rộng vai tượng từ 2 đến 4 diện; dài tay khoảng 3 diện; bề dày thân từ 1,5 đến 2 diện. Công thức đó còn thay đổi tùy thuộc tượng béo hay gầy, tượng nam hay nữ, và cảm hứng sáng tạo riêng của nghệ nhân điêu khắc. Trên khuôn mặt trước khi tạc, các nghệ nhân thường phân chia từng mảng nhỏ để dễ tác nghiệp: khoảng cách giữa hai con mắt, từ chân tóc tới chân mày, chiều dài sống mũi, bề rộng cánh mũi, khoảng cách giữa môi trên và môi dưới, từ môi dưới tới cằm, độ dày của môi... Bằng thủ pháp nghề nghiệp, họ khai thác triệt để những nét “Phật” thường bộc lộ ở vầng trán, đuôi mắt, mi mắt và cằm. Nghệ nhân cần tránh những điểm “sắc”, điểm “ác” thường dễ nhận thấy ở các nếp nhăn nơi khóe miệng, chóp mũi, cánh mũi. Nếu tạc không khéo dễ bộc lộ những nét dung tục trên khuôn mặt tượng, và ngược lại người thợ tài hoa sẽ thể hiện được những nét từ bi nhân hậu, sắc sảo trên mặt tượng, đồng thời sáng tạo những nét siêu phàm của cõi Phật.
Tuy nhiên, mọi công thức chỉ mang tính tương đối, mỗi người thợ đều có những bí quyết riêng. Làm nhiều thành thuận tay quen mắt, nên từng hình mẫu Phật đã nhập sâu vào tâm khảm người thợ. Chỉ cần nhìn khúc gỗ nguyên liệu, nghe những yêu cầu của khách đặt hàng, người thợ đã tự phác họa ngay trong đầu về kích thước, hình hài pho tượng. Dụng cụ đo đạc duy nhất trong tay người thợ là dây đo và một “thước tầm”. Sau khi phác họa kích thước của đầu, tính khoảng cách từ cằm tới tay, từ cằm tới khuỷu tay, từ dái tai tới vai, độ cong của lưng, bề rộng của hai vai, chiều cao của cổ, người thợ đục dần từ cổ, vai xuống. Sau khi đục, phác lấy dáng chung một lượt suốt từ diện tới bệ, người thợ mới tỉ mẩn đục chi tiết từng bộ phận. Trong khi đục vẫn phải phân chia các mảng khối, khoảng cách và đảm bảo tỷ lệ cân xứng. Cuối cùng là khâu gọt, nạo, rồi đánh giấy ráp cho nhẵn. Trong khi gọt người thợ dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết nhỏ để thể hiện kỹ các đường lượn, mảng miếng, chi tiết nào cần "nổi bật" ra, chi tiết nào cần làm mờ đi.
Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật làm vóc sơn mài. Đầu tiên “hom” tượng bằng sơn trộn đất phù sa, phải làm sao cho không được non sơn, cũng không được già quá. Sau đó, bó bằng sơn sống rồi sơn thí. Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước. Sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên..., cứ thế bao giờ thấy bề mặt tượng phẳng nhẵn và mọng lên thì mới phủ bằng sơn thếp. Sơn thếp là một kỹ nghệ cổ truyền rất công phu, sử dụng nguyên liệu là bột quỳ để phủ lên mình tượng.
Quỳ là một loại bột từ vàng, bạc miết trên tờ giấy quỳ, người ta đem những lá vàng, lá bạc loại cao tuổi dát mỏng, cắt thành những mảnh vuông, xếp vào giữa những tờ giấy, rồi dùng búa nện đều cho đến khi vàng tan thành bột.
Vĩ Thanh
Cách đây 2 năm, GS.Trần Lâm Biền có bài đăng trên Tạp chí 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, phê phán việc dựng tượng trong nhiều ngôi chùa ngày nay. Theo GS, tượng Phật xưa chỉ sử dụng một vài loại chất liệu mang giá trị tâm linh, được coi là có linh khí: đá, gỗ mít, đồng. Ngày nay rất nhiều chùa, người ta dựng tượng bằng bê-tông cốt thép, việc làm này rất đáng phê phán, vì khiến giảm giá trị của tượng Phật, đi chệch ra khỏi dòng chảy văn hóa Phật giáo ngàn năm. GS cũng cho rằng, nhiều ngôi chùa dựng tượng lộ thiên, để tượng phải chịu cảnh “mưa tuôn nắng gội”, thật phản văn hóa. Rằng thời Mỹ ngụy chế độ cai trị hà khắc, Phật giáo đưa tượng Phật ra ngoài đường trong những cuộc tuần hành để đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo, quyền hạnh phúc cho nhân quần. Ngày nay đất nước thái bình thịnh trị, hà cớ gì mà lại đẩy tượng ra ngoài trời như vậy?
Tuy nhiên, theo người viết, văn hóa luôn không ngừng được bồi đắp. Bên cạnh việc kế thừa giá trị truyền thống, chúng ta cần phải cách tân để tạo ra những giá trị hiện tại, vì sau vài trăm năm nữa, những sản phẩm của người thời bây giờ cũng có thể sẽ trở thành di sản văn hóa. Người xưa chọn chất liệu làm tượng Phật, thường tìm những vật liệu dễ chế tác, lại có độ bền cao. Gỗ, đá, đồng, sứ đáp ứng được những yêu cầu đó nên được người xưa chọn lựa. Bê-tông mới chỉ được phát minh trong thời gian gần đây, giả dụ người xưa biết đến bê-tông, biết đâu đó cũng sẽ được coi là chất liệu có linh khí để chế tác đồ thờ Phật. Bởi vậy theo tôi, việc sử dụng bê-tông để dựng tượng Phật không nên coi là phản văn hóa. Mặt khác, sử dụng gỗ, sứ, đá, sẽ khó tạo ra được những pho tượng kích thước khổng lồ, đúc bằng đồng sẽ rất tốn kém, trong khi bê -tông có thể giải quyết được những nhược điểm này. Không phải bây giờ người ta mới dựng những tượng Phật lộ thiên, sử sách từng ghi lại việc người thời Lý dựng tượng Phật trên núi Quỳnh Lâm. Tượng trong chùa thuộc hệ tượng thờ, đưa tượng Phật ra ngoài trời sẽ không còn là tượng thờ mà trở thành tượng đài, tiếp thu cách tôn vinh của phương Tây. Xây dựng tượng đài Phật cũng là một trong những cách thức tôn vinh Đức Phật, các vị Bồ tát, nên cần được cổ xúy.
Thời gian gần đây, công cuộc trùng tu tôn tạo, nhiều ngôi chùa xảy ra không ít bất cập, khiến nhiều cơ quan ngôn luận lên tiếng phê phán. Trải bao tao loạn chiến tranh, thiên tai bão lũ, những di sản ông cha để lại cần được trùng tu tôn tạo là đương nhiên. Thế nhưng trùng tu đến mức xóa sạch di tích gốc quả là chuyện đáng lo. Theo nhiều bài báo, chúng ta giật mình khi không ít ngôi cổ tự hàng trăm năm tuổi sau cuộc đại trùng tu đã trở thành “một tuổi”.
Tại không ít ngôi chùa, khi người ta dỡ chùa ra để trùng tu lại, nhiều pho tượng đang bình thường, bỗng dưng xảy ra hiện tượng lạ lùng là lớp sơn phủ tượng tan chảy, khiến mình tượng ướt nước. Dân chúng nhiều nơi đồn thổi nhau rằng, đó là do những người trùng tu đã “gây động” tượng Phật, khiến tượng “toát mồ hôi”. Giải thích hiện tượng này, bà Nguyễn Thị Giang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tây trước đây cho biết: Các pho tượng để trong chốn thâm u của Phật điện suốt hàng trăm năm, nếu bỗng dưng gặp ánh sáng mạnh (khi tháo dỡ Phật điện) sẽ gây ra hiện tượng nước sơn trên mình tượng phản ứng hóa học với không khí, ánh sáng tạo ra hiện tượng sơn vữa nước. Đây hoàn toàn không phải là điều gì bí hiểm. Vì vậy, các nhà thầu trùng tu di tích nên quan tâm tới vấn đề này, đừng vì thiếu hiểu biết mà làm hủy hoại các pho tượng.
Nhận thức về giá trị di sản của chúng ta ngày nay đã vượt lên hơn hẳn so với người thời xưa, nên cách nghĩ, cách làm cũng phải khác xưa. Không nên vì cũ nát mà thay mới hoàn toàn. Chúng ta cần phải nghiên cứu, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào việc bảo tồn các pho tượng Phật nói riêng, di tích nói chung. Cần đề ra mục đích tối thượng là giữ lại tối đa những gì là di sản của cha ông để lại, bởi chúng mang sứ mệnh là thông điệp, tiếng nói của người xưa tới thế hệ mai sau.
No comments:
Post a Comment