HTX Hoa Đào liên kết với các hộ dân tại vùng Ô Quý Hồ thiết lập vùng trồng su su diện tích lên tới 150 ha, được Ban điều phối Nông thôn mới tỉnh Lào Cai cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Hằng năm, HTX Hoa Đào cung cấp cho thị trường hơn 10.000 tấn quả su su tiêu chuẩn, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng.
- Chu Minh Khôi -
Đi qua thị trấn Sa Pa theo đường đèo hướng lên Ô Qúy Hồ chừng 6 km sẽ gặp vùng đồi núi xanh mướt mát phủ bởi su su và nhiều loại rau khác như cải bắp, su hào…
Hàng trăm hộ thành viên thoát nghèo, làm giàu
Bà con nông dân trong HTX Hoa Đào đang bắt đầu thu hoạch quả su su lứa đầu mùa. Sản phảm quả su su ở đây được dán nhãn hiệu "su su sạch Ô Quý Hồ", ghi rõ địa chỉ sản xuất, mã số mã vạch do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cấp, cùng với biểu trưng OCOP 3 sao do tỉnh Lào Cai cấp.
Mỗi năm, HTX Hoa Đào cung cấp cho thị trường hơn 10.000 tấn quả su su tiêu chuẩn, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng
|
Quả su su phải được đóng hàng rời Sa Pa trước 8 giờ sáng để còn kịp đưa về các siêu thị tại Hà Nội trong ngày. Ngoài thị trường Hà Nội, sản phẩm rau của HTX còn đưa đến các đại lý tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác: Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc…
Bà Ðỗ Thị Liên, Giám đốc HTX Hoa Ðào cho biết, do mới đầu mùa nên lượng thu hoạch còn ít. Dự kiến sang tháng 4 trở đi thu hoạch rộ sẽ đạt sản lượng mỗi ngày 40 tấn quả. Nhờ độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển, su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, su su Sa Pa chỉ được trồng phân tán, sản lượng nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giá rẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi có HTX Hoa Ðào, su su được trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Đến nay, diện tích trồng su su của HTX Hoa Đào liên kết với các hộ dân tại vùng Ô Quý Hồ, khu Violet (thị trấn Sa Pa) có diện tích trên 150ha. Số thành viên tham gia trồng su su và các loại rau, hoa được HTX bao tiêu sản phẩm lên đến 200 hộ, trong đó nhiều hộ là người dân tộc Mông, Dao, Giáy... Trước đây, cuộc sống nghèo đói do chỉ quen phát nương làm rẫy, nay nhờ trồng su su, bà con đã thoát nghèo và đang giàu lên.
Điển hình như: gia đình bà Hà Thị Thập hiện có 3 ha su su cộng với làm dịch vụ mua tận gốc bán tận ngọn, có thu nhập hằng năm đạt 150 triệu đồng; gia đình ông Giàng A Xóa, dân tộc Mông, ở tổ 13, từ chỗ nghèo đói, nhờ trồng 1,5 ha su su, đạt thu nhập 80 triệu đồng/năm; gia đình ông Vương Văn Thanh, dân tộc Mông ở tổ 13, hiện có 5 ha su su được sản xuất theo quy trình sạch - an toàn, mỗi năm bán khoảng 200 - 250 tấn quả, thu về 180 - 200 triệu đồng.
Su su Sa Pa luôn giữ được nguồn gen gốc do ít bị thoái hóa giống, nên quả ngon hơn nơi khác
|
Theo ông Thanh, năng suất thu hoạch quả su su ở Sa Pa rất cao, trung bình đạt hơn 45 tấn quả/ha mỗi năm. Khác với Tam Ðảo hay Ðà Lạt, su su ở Sa Pa chỉ trồng một lần có thể để nguyên gốc cho thu hoạch tới hàng chục năm không tàn. Cứ sau mỗi một mùa thu hoạch khoảng từ tháng 3 – 11 hàng năm, người dân sẽ cắt bỏ các dây su su ở trên mặt đất và tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Chính vì vậy, su su Sa Pa luôn giữ được nguồn gen gốc do ít bị thoái hóa giống, nên quả ngon hơn nơi khác.
Mỗi năm thu 30 tỷ đồng
Kể về quá trình khởi nghiệp và tạo dựng HTX, Giám đốc Ðỗ Thị Liên cho hay, bà quê ở tỉnh Lai Châu. Kết hôn năm 1993, hai vợ chồng trẻ vay tiền anh em, bạn bè, để mua 3ha đất nương ở Sa Pa trồng cây su su. Thời gian đầu, sản phẩm thu hoạch chỉ bán tại chợ Bản như mọi nhà khác, nên tiêu thụ rất khó khăn, giá bán thấp, thu nhập bấp bênh. Với quyết tâm làm giàu, hai vợ chồng bà đã đi khắp các tỉnh miền Bắc để tìm đầu ra cho quả su su. Cuối cùng cũng kết nối được với các mối “ăn hàng” tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Yên Bái…
“Nhờ có hệ thống đại lý ký hợp đồng sẵn, chúng tôi vận chuyển hàng đến tận đối tác thu mua ở dưới xuôi, nên được giá bán cao, 10.000 – 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Từ đó, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên tới 23 ha, gồm 13 ha trồng su su và 10 ha trồng hoa hồng và nhiều loại rau khác. Càng tăng diện tích, chúng tôi càng có thu thập cao hơn, trung bình mỗi năm gia đình có mức thu từ 200-300 triệu đồng", bà Liên nói.
HTX Hoa Đào giúp hàng trăm hộ thành viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu
|
Đến năm 2008, bà Liên quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Hoa Đào và làm Chủ nhiệm, sau đó đổi thành Giám đốc. HTX đầu tư tiền mua phân bón, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho các hộ dân trồng hoa hồng, su su… Sản phẩm đầu ra được HTX ký hợp đồng bao tiêu cho mọi hộ nông dân. Ðể xây dựng thương hiệu và tạo chất lượng cao cho sản phẩm, HTX Hoa Ðào phối hợp Phòng Kinh tế huyện và Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch - an toàn cho xã viên, trồng bằng giống nguyên chủng, bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và không dùng thuốc trừ sâu.
Trước khi thu hoạch, HTX sẽ cho cán bộ lấy mẫu gửi đi phân tích 150 chỉ số. Nếu phát hiện sản phẩm của hộ nào vi phạm các chỉ tiêu về dư lượng hóa chất sẽ bị HTX lập biên bản xử phạt. Quả su su được thu hái đúng cách, không làm trầy xước bầm giập, sau đó được HTX khử khuẩn bằng nước ô-zôn và chiếu tia cực tím, rồi đóng gói có dán nhãn xuất xứ, mã vạch trước khi lên xe ô tô vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Hiện tại, hằng năm, HTX Hoa Đào cung cấp cho thị trường hơn 10.000 tấn su su tiêu chuẩn, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Mỗi năm, HTX còn cung ứng cho thị trường hàng triệu bông hoa các loại.
HTX luôn cập nhật các thông tin về thiết bị, công nghệ mới để tư vấn cho các hộ dân áp dụng vào sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không như nhiều người nhầm tưởng là phải làm nhà kính, nhà lưới hiện đại... mà có khi đơn giản chỉ là ứng dụng công nghệ sinh học hay lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Tuy vậy, do địa hình phức tạp và một số diện tích nằm rải rác nên đến nay HTX mới có khoảng 70 ha áp dụng công nghệ tưới hiện đại này trên tổng số 150 ha canh tác.
No comments:
Post a Comment