Một lần cách đây gần hai mươi năm, tình cờ bắt gặp bài thơ “Trăng” của tác giả Chu Minh Khôi, đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, năm 1995. Bài thơ đã khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng, đến tận ngày nay.
Trăng vốn là đề tài không cạn của thi ca, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, trăng đến với nhà thơ khi vui cũng như lúc buồn, trăng hiện diện trong thơ cả khi đầy cũng như lúc vơi. Thạc sĩ Lê Tấn Thích từng viết “ánh trăng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện tâm trạng của các nhân vật trữ tình. Nó đã trở thành một thứ không gian nghệ thuật…” Nhưng tôi nhận thấy, cách mà Chu Minh Khôi viết về trăng thật riêng, không thể lẫn vào đâu được:
Rất nhiều khi trăng úp mặt vào đêm
Khóc rưng rức dưới trời sao mất ngủ
Vẫn là hình ảnh quen thuộc, trăng và thiếu nữ, nhưng cách mà Chu Minh Khôi đưa hình ảnh quen thuộc đó vào thơ lại rất mới, lần đầu tiên tôi bắt gặp hình ảnh “trăng úp mặt vào đêm” và “trăng khóc”. Trong thơ anh, trăng trở thành đối tượng trữ tình có cảm xúc như một cô gái đang độ xuân thì buồn, vui và hờn giận vô cớ, mang đậm đặc trưng của lứa tuổi.
Chúng ta cũng đã từng bắt gặp hình ảnh “trăng đã là nàng - người con gái xuân thì lơi lả”(Ths Lê Tấn Thích ):
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
(Bẽn lẽn – Hàn Mặc Tử)
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
(Huyền ảo – Hàn Mặc Tử)
Nhưng “nàng trăng” của Chu Minh Khôi lại không “lả lơi, bẽn lẽn” hay “thẹn thò”, mà nàng tự nhiên bộc lộ, thể hiện mình như những gì vốn có, để cho người khác tự cảm nhận về nàng:
Trăng mười lăm mang hình hài thiếu nữ
Vú non tơ giấu trong nịt mây vàng
Câu thơ “Vú non tơ giấu trong nịt mây vàng” có thể nói là câu thơ đặc sắc nhất trong bài thơ. Xưa nay trăng được so sánh, ví von với biết bao hình ảnh đẹp, nhưng có lẽ đây là hình ảnh lạ nhất mà tôi từng biết đến. Hình ảnh “Vú non tơ giấu trong nịt mây vàng” là một liên tưởng độc đáo, hết sức sáng tạo, thể hiện sự cách tân, sự táo bạo trong cách cảm, cách diễn đạt của một chàng trai mới lớn về một nét nghĩa hoàn toàn mới của trăng, vượt lên quan điểm truyền thống. Với cách diễn đạt này khiến người đọc hình dung vẻ đẹp quyến rũ một cách kín đáo vừa độ của trăng. Chính điều này đã làm nên sự hấp dẫn riêng của trăng, của thơ Chu Minh Khôi.
Dưới cách cảm đó, tác giả tiếp tục cho chúng ta được chiêm ngưỡng ánh trăng giữa tháng tròn đầy, mũm mĩm, vừa e ấp vừa nõn nường gợi tình làm sao. “Nàng trăng” dậy thì ấy đã bước vào tuổi cập kê. Những câu thơ như đưa chúng ta lạc vào một thế giới vừa thực vừa ảo:
Rồi một ngày hoa kết thành trái cấm
Ăn một đời thiếu vắng, ta yêu.
Tác giả đã khéo léo trần thuật một cách chính xác bản chất của trăng bằng những ngôn từ đầy hình ảnh lãng mạn bay bổng. Câu chuyện về trái cấm ở vườn địa đàng cũng được tác giả đưa vào thơ một cách duyên dáng. Nếu Adam và Eva chỉ ăn trái cấm một lần duy nhất mà làm nên câu chuyện tình trở thành đề tài muôn thuở cho thi ca thì ở đây nhân vật trữ tình lại không thế. Tình yêu thăng hoa trong anh bắt nguồn từ nơi “thiếu vắng”, nửa này sẽ lấp đầy khoảng trống cho nửa kia, ấy mới là tình yêu viên mãn. Với tình cảm đặc biệt đó, anh cảm nhận được trăng cả những lúc:
Có những khi ngơ ngẩn giữa chiều
Trăng tức tưởi xóa dấu mình trong gió
Ánh trăng thượng huyền xuất hiện trên nền trời cùng với ánh dương lúc tà rơi. Làm sao nhân gian thấy và cảm hết vẻ đẹp mộng mơ của trăng trong chiều? Có lẽ duy nhất chỉ nhân vật trữ tình mới thấy nỗi “tức tưởi” của trăng lúc đó và chia sẻ với trăng:
Ta nhẫn nại uống lời trăng bỏ ngỏ
Chùm thơ yêu ngọt lịm giữa môi mình.
Chính những gì không dễ dàng thốt nên lời đã nói lên tất cả những gì cần nói nhất. Và chỉ những người thật sự là tri âm tri kỉ của nhau mới có thể cảm nhận hết về nhau, kể cả lúc đó. Anh chìm đắm tận hưởng dư vị của ngọt ngào yêu thương. Anh đón nhận “nàng trăng” dường như ở mọi thời điểm khác nhau:
Rồi những ngày trăng thức lúc bình minh
Đỏng đảnh lắm thế mà ta vẫn đợi
Dây tơ sáng buông quanh ta tóc rối
Ta thì đầy mà trăng lại gầy thêm.
Ánh trăng hạ huyền được gợi lên bằng ngôn từ thường được dùng để gọi một cách đáng yêu những cô gái thích làm dáng và ưa điệu đà. Nhưng điều đó có sao đâu, tình yêu chân thành là vậy, yêu cả nét đẹp, đến cả những khiếm khuyết cũng được coi là điểm duyên dáng, thu hút của nhau:
Dây tơ sáng buông quanh ta tóc rối
Ta thì đầy mà trăng lại gầy thêm.
Câu thơ “Ta thì đầy mà trăng lại gầy thêm” là một minh chứng cho tình cảm đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Giống như tình yêu trai gái, tình yêu chồng vợ, viên mãn trong hạnh phúc nhưng vẫn đau đáu một niềm xót xa: vì mình mà nửa kia phải hao mòn. Anh yêu trăng bằng thứ tình yêu của tri âm tri kỉ giành cho nhau.
Nhìn lại xuyên suốt cả bài thơ, chúng ta thấy tác giả đã tái hiện lại cả một vòng đời của trăng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bắt gặp một bài thơ viết trọn vẹn về hình ảnh trăng từ thượng huyền, trăng tròn cho tới lúc hạ huyền. Có thể nói không quá rằng, dường như nhân vật trữ tình thức, ngủ theo trăng, giành cả cuộc đời cho trăng. Trăng “vô hình, mênh mang” - anh yêu, trăng “giận hờn” - anh yêu, trăng “đỏng đảnh” - anh càng yêu; trăng non, trẻ - anh yêu, trăng già - anh xót xa. Anh dõi theo từng bước chuyển đổi trong chu kì của trăng một cách kĩ càng và bằng cả tấm lòng chân thành nhất. Không chỉ yêu trăng, thụ hưởng trăng mà anh còn chia sẻ và cảm thông với trăng.
Khép lại bài thơ bằng những hình ảnh của một miền bình yên vô bờ, cả không gian và thời gian, cả con người và cảnh vật đều trong tĩnh đến lạ kì:
Làm con thuyền trăng lướt nhẹ trong đêm
Chở đầy thơ ta về cổ tích
Phía mười lăm bến bờ đêm tĩnh mịch
Ta mở hồn tựa cửa ngón trăng lên.
Chu Minh Khôi dường như đã đưa người đọc đến với một vòng tuần hoàn của trăng bằng lăng kính của một tâm hồn yêu trăng đến vô cùng. Đọc thơ anh, không chỉ riêng bài này mà cùng với nhiều bài thơ khác của anh, chúng ta nhận thấy tứ thơ của anh thật giản dị, đề tài hết sức gần gũi nhưng cách anh đưa hình ảnh vào thơ luôn độc đáo mới lạ, ngôn từ thì hàn lâm đến tự nhiên. Nhiều lúc cảm tưởng rằng, có nhiều sự vật, nhiều từ ngữ không liên quan đến nhau vậy mà khi dắt díu nhau đi vào thơ anh nó làm nên sự hoà quyện đến tuyệt vời.
Nguyễn Thị Hằng
GV Ngữ văn trường THCS Thịnh Trường
Nghi Lộc, Nghệ An
(Bài viết đăng trên tạp chí Trường ĐHSP Hà Nội, số ra tháng 9.2014)
TRĂNG
(Đăng trên Báo Tuổi trẻ thủ đô năm 1995)
Rất nhiều khi trăng úp mặt vào đêm
Khóc rưng rức dưới trời sao mất ngủ
Trăng mười lăm mang hình hài thiếu nữ
Vú non tơ giấu trong nịt mây vàng.
Tóc vô hình trăng xõa xuống mênh mang
Muôn tơ sáng dệt thành hoa nắng
Rồi một ngày hoa kết thành trái cấm
Ăn một đời thiếu vắng, ta yêu.
Có những khi ngơ ngẩn giữa chiều
Trăng tức tưởi xóa dấu mình trong gió
Ta nhẫn nại uống lời trăng bỏ ngỏ
Chùm thơ yêu ngọt lịm giữa môi mình.
Rồi những ngày trăng thức lúc bình minh
Đỏng đảnh lắm thế mà ta vẫn đợi
Dây tơ sáng buông quanh ta tóc rối
Ta thì đầy mà trăng lại gầy thêm.
Làm con thuyền trăng lướt nhẹ trong đêm
Chở đầy thơ và ta về cổ tích
Phía mười lăm bến bờ đêm tĩnh mịch
Ta mở hồn tựa cửa ngóng trăng lên.
Chu Minh Khôi
No comments:
Post a Comment