Giác Ngộ - Có lẽ tôi sẽ mãi làm công việc của một kỹ sư chăn nuôi trong một trạm lợn giống quốc gia, nếu như không gặp báo Giác Ngộ. Báo Giác Ngộ đến như một cơ duyên để “đánh thức” ngòi viết của tôi sau nhiều năm quên lãng, tiếp lửa say nghề báo để rồi nhanh chóng sau đó tôi tìm được chỗ đứng trong một tờ nhật báo.
- Chu Minh Khôi - Đăng trên Báo Giác Ngộ tháng 6.2011 -
Nhiều bạn bè học cùng trường thuở cũ, mỗi khi gặp lại thường đặt cho tôi câu hỏi: vì sao trước kia không thi vào trường báo chí mà lại chọn nông nghiệp? Câu trả lời thật đơn giản, thời học sinh tôi rất kém môn văn, chỉ khá các môn toán, lý, sinh. Suốt 12 năm phổ thông, tôi thường xuyên “ăn” điểm 3 hoặc 4 ở môn văn, họa hoằn lắm mới có lần được điểm 6. Điểm tốt nghiệp cấp 3 của tôi với toán 10, lý 10, văn 4, tiếng Nga 5 cũng là minh chứng xác thực nhất phản ánh sự học lệch thiên về các môn tự nhiên. Tôi chọn thi vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, vì nghĩ rằng nghề này sẽ phù hợp với sở thích môn sinh vật học và xuất thân con nhà nông dân chân lấm tay bùn. Ấy vậy mà khi trở thành sinh viên thì khả năng làm thơ lại bột phát xuất hiện. Thơ đến với tôi rất tình cờ, trong một lần về quê ăn Tết, tôi được mời đến tham dự chương trình thơ xuân của các cụ phụ lão ở xã nơi tôi sinh ra và lớn lên. Xã có CLB thơ, thành viên đều là các cụ cao tuổi với tuyên ngôn “thơ vườn ta đọc ta nghe/câu thơ chén rượu bạn bè chung vui”. Tổ chức đêm thơ xuân, họ mời thêm một số người trẻ đến nghe thơ để không khí đỡ tẻ nhạt. Nghe các cụ đọc thơ, bình thơ của nhau, tôi nảy ý định: sao mình không thử làm thơ, biết đâu có được một vài bài đăng báo sẽ khiến các cụ “thán phục”. Vậy là tôi cầm bút, tập chắp vần, viết được bài nào cũng gửi cho một vài tờ báo.
Chỉ vài tháng sau, bài thơ đầu tay của tôi được đăng trên báo Văn Nghệ, năm 1994. Một người bạn từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn toàn quốc và cũng là một cây bút khá nổi trong giới sinh viên thời ấy nói với tôi rằng: đăng được bài trên báo Văn Nghệ “già” (phân biệt với tờ Văn Nghệ trẻ) là cả một kỳ công. Chính cô bạn này mặc dù đã có hàng trăm bài thơ in trên rất nhiều loại báo, nhưng vẫn chưa một lần có tên trên báo Văn Nghệ. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, tôi đâu biết báo nào đăng dễ, báo nào đăng khó. Chỉ thấy báo Văn Nghệ chuyên đăng thơ và truyện ngắn nên gửi thơ, vậy thôi.
Những năm giữa thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, các tờ báo, tạp chí văn chương dành cho học sinh, sinh viên ra đời như nấm, từ báo Hoa Học Trò, Tuổi Xanh, Ước Mơ Xanh, Áo Trắng, Cà Mau, Nữ Sinh, Phượng Hồng, Bạn Ngọc... đến Văn Nghệ trẻ. Những CLB thơ văn của học trò cũng đua nhau nở rộ: CLB Văn học trẻ Hà Nội, Hội bút Hương Đầu Mùa, Gia đình Áo Trắng... Chúng tôi cũng gia nhập hầu hết các CLB như vậy, và coi thơ là sản phẩm hàng ngày. Chỉ trong vòng 2 năm cuối của thời sinh viên, tôi cũng đã có hơn 100 bài thơ và một số truyện ngắn được đăng trên hàng chục đầu báo khác nhau và cũng được giới thiệu “tiểu sử” kèm ảnh trên gần chục đầu báo của lứa tuổi học trò, để rồi sau đó được Hội Nhà văn Việt Nam mời tham dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc (hội nghị cứ 3-5 năm tổ chức một lần dành cho những người chưa phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và có độ tuổi dưới 50).
Từ khi rời giảng đường đại học, tôi làm việc theo đúng chuyên môn của một kỹ sư chăn nuôi trong các trang trại lợn giống, gà giống. Công việc bận bịu, và do cảm xúc văn chương dường như đã cạn, thơ đột nhiên bỏ tôi ra đi không hẹn ngày tái ngộ. Ngòi bút “tắc tị” suốt nhiều năm trời, không thể viết được nữa. Nhiều lúc hoài niệm về những tháng ngày sôi nổi, tôi đã cố gắng cầm bút tập viết trở lại, nhưng câu chữ cứ như chạy trốn đâu hết. Họa hoằn lắm mới viết được, nhưng gửi bài đi cũng không thấy báo nào đăng cho nữa. Ký ức thời cầm bút cứ xa dần, chìm dần trong hoài vọng rồi tuyệt vọng, tưởng sẽ không bao giờ trở lại. Ba năm, 5 năm, rồi 8 năm đằng đẵng không có thêm một bài nào trên báo, tôi làm việc khép mình trong những dãy chuồng trại chăn nuôi với công việc giám sát kỹ thuật.
Cho đến một ngày rằm như bao người dân đi lễ chùa, tôi tìm đến chùa Đại Phúc, ở làng Kẻ Sống - xã An Khánh, gần Trạm lợn giống quốc gia nơi tôi công tác. Vô tình thấy tờ báo Giác Ngộ của sư thầy trụ trì để trên bàn, tôi bèn mượn đọc. Tờ báo thật lạ lẫm đối với tôi, vì nội dung toàn viết về Phật giáo. Bất chợt, nhìn lên những cột kèo của chùa mọt ăn ruỗng loang lổ, ngôi chùa rất cổ và đã xuống cấp nghiêm trọng. Hậu điện của chùa đã sụp đổ, trơ lại các mảng tường rêu phong. Các cột cái bằng gỗ ở Tam bảo và thượng điện tuy rất to lớn, nhưng đã mối mọt nham nhở, có nguy cơ long gãy bất cứ lúc nào. Trong tôi chợt nghĩ, mình thử viết về ngôi chùa Kẻ Sống và gửi cho báo Giác Ngộ. Liên tiếp những bài viết về các ngôi chùa ở quanh nơi tôi công tác: Bí ẩn chùa Vằn, Hai ngôi chùa làng La Dương, Đại Phúc tự và chuông Kẻ Sống... lần lượt được lên báo Giác Ngộ vào đầu năm 2005.
Ngòi bút của tôi đã thực sự được “đánh thức” sau nhiều năm im ngủ. Cứ sau mỗi bài gửi đi, tôi thường nhận được điện thoại của thầy Chúc Phú, biên tập viên của Báo Giác Ngộ và các thầy ở báo động viên tiếp tục cộng tác. Có một “hậu phương” sẵn sàng chờ đón những bài viết để đăng tải, từ đó cứ Chủ nhật hàng tuần là tôi tìm đến các ngôi chùa cổ ở Hà Tây (nay thuộc về Hà Nội) để xin các tư liệu viết bài cho báo Giác Ngộ. Cuối năm 2005, tôi được báo Giác Ngộ mời vào dự lễ khánh thành tòa soạn. Gặp gỡ các thầy trong Ban Biên tập, tôi được học hỏi rất nhiều về kỹ năng tác nghiệp trong lĩnh vực viết về Phật giáo. Đặc biệt, thầy Chúc Phú còn tặng tôi một chiếc máy ảnh, mặc dù là máy cơ chụp phim nhưng đã trở thành một dụng cụ giúp tôi thêm “chuyên nghiệp” hơn. Tìm hiểu về văn hóa Phật giáo, các di tích lịch sử trở thành niềm đam mê, và dần “ăn” vào máu thịt của tôi.
Với kiến thức Phật giáo được tích lũy dần trong quá trình viết bài cho báo Giác Ngộ, dần dà tôi còn viết về di sản Phật giáo đăng trên các báo An Ninh Thế Giới, Khoa học và Đời sống, Thế Giới Mới, Tiền Phong, Thế giới di sản... Phật giáo dường như trở thành đề tài độc đáo, nên những bài viết ngày càng được nhiều báo sử dụng. Bởi vậy, khao khát trở thành nhà báo chuyên nghiệp trở về trong tôi, và càng thêm mãnh liệt. Năm 2007, tôi đem tập phô tô hàng trăm bài báo đã được đăng (trong đó chiếm phần lớn là báo Giác Ngộ) đến Thời báo Kinh tế Việt Nam để xin làm phóng viên, và được Ban lãnh đạo ở đây nhận ngay vào làm việc. Tôi đã bỏ nghề kỹ sư nông nghiệp để trở thành nhà báo chuyên nghiệp.
Ở Thời báo Kinh tế Việt Nam, tôi được phân công chuyên viết về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn... nhưng vẫn không thể từ bỏ được niềm say mê viết về Phật giáo, để tiếp tục bền bỉ cộng tác viết bài gửi Giác Ngộ cho đến tận bây giờ. Thời báo Kinh tế VN mặc dù có phóng viên khác được phân công theo dõi mảng văn hóa- du lịch, nhưng mỗi khi mùa lễ hội về, hoặc có các sự kiện du lịch lớn, thì các “sếp” lại phân công tôi “tăng bo” viết về các sự kiện này chứ không giao cho phóng viên chuyên trách mảng văn hóa-du lịch. Bởi vì, các “sếp” luôn tin tưởng ở vốn kiến thức của tôi về Phật giáo - lễ hội và di sản văn hóa.
Thấm thoắt đã gần 7 năm cộng tác với báo Giác Ngộ và hơn 4 năm trở thành phóng viên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, trong tôi đã đầy ắp những kỷ niệm của nghề, của nghiệp nhưng sâu sắc nhất vẫn là những ký ức tác nghiệp mảng đề tài Phật giáo. Hồi mới bắt đầu cộng tác với Giác Ngộ, một lần đến chùa Đậu (Pháp Vân tự) tìm hiểu về quyển sách cổ bằng đồng. Khi tôi bày tỏ muốn được thực mục sở thị và chụp ảnh quyển sách, thì sư thầy trụ trì chùa từ chối thẳng thừng: “Tôi đâu biết anh là ai, bây giờ đạo tặc nhiều lắm, không thiếu những kẻ đến tìm hiểu cổ vật để sau đó đột nhập vào lấy trộm”. Giải thích thế nào cũng không thể thuyết phục được sư thầy, tôi đành lủi thủi ra về. Sau này khi đã viết nhiều, không ít nhà chùa ở phía Bắc cứ tưởng tôi là phóng viên của báo Giác Ngộ, kể cả những ngôi chùa mà tôi chưa từng đặt chân tới. Đến nhiều ngôi chùa, tôi chỉ cần xưng tên là các thầy bảo: “Anh Khôi đấy à, thầy đọc nhiều bài của anh trên báo Giác Ngộ rồi”.
Một lần, nhận được điện thoại từ sư thầy trụ trì ngôi chùa Linh Ứng ở Nam Định, thông báo việc nhà chùa chuẩn bị tổ chức một sự kiện lớn, mời tôi về tham dự để đưa tin, viết bài. Nhưng vì những ngày đó tôi bận, nên nói rằng con không thể về tham dự được. Thấy tôi từ chối, sư thầy mắng: “Đây là sự kiện lớn cần phải viết tin. Anh là phóng viên của Báo Giác Ngộ, nếu không về tham dự, tức là anh không làm tròn trách nhiệm trong công việc!”. Có lẽ vui nhất là câu chuyện về chùa Đại Phúc - Kẻ Sống. Sau khi bài báo đăng vào năm 2005, tôi đem báo đến tặng các cụ phụ lão trong làng - những người đã cung cấp tư liệu, thông tin cho tôi viết bài. Hai năm sau, các cụ phụ lão ở Kẻ Sống đến tìm tôi và cho biết, bài báo được các cụ chuyển lên UBND xã, rồi chuyển lên huyện cùng với đơn thư khẩn thiết về sự quý giá và sự xuống cấp của di tích. Cũng nhờ bài báo, các cấp chính quyền đã đầu tư 3 tỷ đồng để trùng tu lại ngôi chùa Đại Phúc. Ngôi chùa đã được xây dựng lại. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui vẫn để lại trong tôi niềm ngậm ngùi hoài cảm, vì cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Hà Nội, sau khi trùng tu người ta đã biến ngôi chùa Đại Phúc từ hàng trăm năm tuổi thành “một tuổi”.
Gần 7 năm làm cộng tác viên của Báo Giác Ngộ, với chất ngất kỷ niệm, biết bao nỗi vui niềm buồn không thể kể hết được. Nhờ Giác Ngộ mà tôi đã trở thành phóng viên chuyên nghiệp, bắt đầu từ một sự tình cờ nhưng lại là một cơ duyên. Và tôi đã đổi nghề…
No comments:
Post a Comment