GN - Mùa lễ hội đầu xuân năm nay, bỗng nhiên nổi lên câu nói rất lạ lùng của một vị chức trách của ngành tuyên giáo TP.Hà Nội: “Cướp có văn hóa”. Vấn nạn bạo lực tại nhiều lễ hội đang rất nhức nhối, không thể bao biện, mà cần phải nhìn thấu thực trạng để có giải pháp quyết liệt ngăn chặn.
- Chu Minh Khôi - Bài đăng trên Báo Giác Ngộ ngày 29.3.2013 -
“Cướp có văn hóa” là gì?
Năm 2015 này, nhiệm vụ chấn chỉnh những yếu kém, bất cập tại các lễ hội đang được các cơ quan chức năng thực thi rất quyết liệt. Trước khi mùa lễ hội diễn ra, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội và Chính phủ cũng ban hành Nghị định 96, trong đó cấm triệt để các dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, đặc biệt tại các khu vực di tích, tín ngưỡng, nơi diễn ra các lễ hội.
Nhảy qua hàng rào tranh cướp lộc thánh sau giờ khai ấn đền Trần - Ảnh: NLĐ
Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VHTTDL) cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ đã cử 9 đoàn thanh tra thực hiện nhiều đợt kiểm tra tại các lễ hội. Theo đánh giá sơ bộ thì năm nay lễ hội đã giảm tối đa những tệ nạn như đổi tiền lẻ, chặt chém, treo thịt động vật tại nhiều lễ hội. Ngay như Lễ hội chùa Hương, nơi vẫn được cho là lộn xộn và tồn tại lắm sự phiền nhiễu cho du khách thì năm nay cũng đã phần nào đi vào trật tự. Điều đáng mừng về hoạt động đổi tiền lẻ đã giảm đáng kể, không còn các quầy đổi tiền lẻ, mà chỉ còn một vài người lén lút hoạt động.
Tuy nhiên, mùa lễ hội năm nay nổi lên một vấn đề vô cùng nhức nhối, đó là tình trạng bạo lực rất đáng báo động. Bộ VHTTDL thừa nhận, do công tác tổ chức tại nhiều lễ hội vẫn chưa tốt, nhiều người dân đến tham gia các lễ hội có tư tưởng thái quá, quá mê tín nên quyết cướp lộc bằng được, cướp bằng mọi cách dẫn đến có hành động phản cảm.
Vụ việc gây bức xúc nhất cho dư luận là cướp hoa, cướp lộc tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần (TP.Nam Định). Khi cửa đền mở ra trong đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch, hàng vạn du khách tràn vào, người ta tranh nhau cướp lộc trên các bàn thờ ở sân đền và trong đền để mang về nhà với niềm tin sẽ có được phước lộc, may mắn. Cảnh hỗn loạn diễn ra, tiếng hò hét, chửi bới, giẫm đạp lên nhau chỉ để mong lấy được một cành hoa, chiếc bánh, lon nước… hay được sờ tay vào một vật gì đó ở điện thờ. Đặc biệt tại bàn thờ trong cung cấm, thanh bảo kiếm linh thiêng đã bị nhiều người cướp đi khỏi giá đỡ. Nhiều thủ từ đã van xin tới khản giọng và được sự giúp đỡ của công an, bảo kiếm mới được đưa về chỗ cũ. Hậu quả để lại là, rác và tiền vung vãi khắp nơi, lọ hoa, đèn cầy vỡ toang, điện thờ nhìn tan hoang, chẳng còn gì là tôn nghiêm chốn tâm linh.
Lễ hội cướp phết cầu may tại xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra vào ngày 3-3-2015 (tức 13 tháng Giêng Quý Mùi). Người dân địa phương quan niệm, hễ ai cướp được phết đem về, gia đình người đó sẽ may mắn, khỏe mạnh suốt năm. Ngay từ quả phết đầu tiên, các thanh niên đã lao vào túm tóc, quật dây lưng vào người có ý định cướp phết. Lực lượng an ninh phải liên tục lao ngăn cản các vụ ẩu đả. Màn cướp phết năm 2015 được mọi người trông đợi nhất lại biến thành đánh nhau rất bạo lực, khiến nhiều người bị thương tích.
Lễ hội Đền Gióng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra vào mồng 6 Tết, với nghi thức quan trọng nhất là dâng hoa tre lên đền thờ Thánh Gióng. Theo tục lệ, sau lễ dâng hoa, một đoàn tùy tùng có nhiệm vụ rước qua các đền, kết thúc ở Đền Hạ, hoa tre sau đó được tung ra trước sân đền cho người dự hội đến “cướp” lấy may.
Ở mùa lễ hội năm nay, không còn là cảnh tranh cướp hoa tre truyền thống, mà là cướp thật, cướp vô cùng thô bạo. Khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến Đền Thượng đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp. Rồi người dân và du khách thập phương cùng lao vào giành giật các giỏ hoa tre, khiến các thanh niên trong đoàn tùy tùng phải dùng các thanh nứa trong đám rước vụt túi bụi vào đám đông để bảo vệ kiệu.
Cảnh tượng ẩu đả kinh hoàng đã diễn ra, người ta giẫm đạp lên nhau tạo nên sự hỗn loạn. Không chỉ hoa tre bị cướp một cách bạo lực, lễ rước trầu cau diễn ra ngay sau đó cũng bị người xem lao vào cướp lộc.
Điều khiến dư luận càng thêm bức xúc là, tại buổi họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức sau đó, ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lý giải hiện tượng phản cảm này một cách rất đơn giản. Ông nói: “Trong lễ hội có tục cướp lộc. Đây là tục có từ xưa, quan niệm của dân làng là nếu ai cướp được lộc thì sẽ may mắn cả năm, sinh sôi nảy nở. Nhưng cũng cần lưu ý, chữ “cướp” ở đây không phải là cướp giật mà cướp… có văn hóa, cướp theo tục lệ giống như tục cướp vợ của người Mông”.
Rất may, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã nhìn thấy vấn đề. “Chúng ta không thể im lặng trước những bức xúc của dư luận đối với những hành vi phản cảm tại một số lễ hội truyền thống trong thời gian qua. Bộ VHTTDL không đồng tình trước một số phát ngôn gần đây trong lĩnh vực quản lý văn hóa như “cướp có văn hóa”. Đã là cướp thì làm sao có thể gọi là văn hóa được. Đây là một cách che đậy, ngụy biện hết sức nguy hiểm”, ông Hoàng Tuấn Anh nói.
Giải mã hiện tượng tranh cướp
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội nhận định, rất nhiều lễ hội có tục lệ “cướp” lộc cầu may. Tuy nhiên, từ đó biến thành việc ẩu đả, xô đẩy nhau, thậm chí đánh nhau thì là phi văn hóa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, tâm lý mê tín lan tràn và lòng tham vật chất khiến con người mê muội, tin vào “lộc” mà bất chấp quy định pháp luật, bất chấp sinh mạng đồng loại.
Những hành vi cướp vật thiêng dẫn đến đánh nhau không những thể hiện sự xuống cấp đạo đức mà còn là sự coi khinh pháp luật, sự thụt lùi về trí tuệ. Tuy nhiên, rất tiếc, nhiều người không nhận ra và ngụy biện cho nó là “bảo lưu truyền thống văn hóa”.
Theo TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, tranh cướp nhau đến độ đánh nhau trong lễ hội truyền thống từ xưa không bao giờ xảy ra. Những hành vi như vậy chỉ xảy ra ở thời đại ngày nay, xuất phát từ vụ lợi khiến người ta cái gì cũng tranh cướp, đi đường cũng tranh cướp, cái gì trong cuộc sống cũng tranh nhau. Cướp vật thiêng dẫn đến ẩu đả, đánh nhau là hiện tượng đáng lên án, thiếu văn hóa, không hiểu về phong tục tập quán, làm lễ hội méo mó.
Việc đánh giá về những bất cập tại các lễ hội nên để cho các học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà chức trách. Tuy vậy, người viết bài này cũng mạo muội góp đôi lời bàn luận. Người viết cũng không đồng tình với cách nói “cướp có văn hóa” như ông Phan Đăng Long. Nếu nhìn nhận mọi di sản phi vật thể, trong đó có các nghi lễ, nghi thức, tập tục tại các lễ hội đều là văn hóa truyền thống thì cũng có thể coi có một “văn hóa cướp” tại một số lễ hội. Tuy nhiên, “văn hóa cướp” ở lễ hội khác với cướp thật.
Và giẫm đạp lên nhau...
Cướp ở lễ hội chỉ là màn trình diễn theo tục lệ, mà người tham gia gồm cả Ban Tổ chức, những người dân đi hội. Ở một số lễ hội có tục lệ truyền thống tái hiện lại những hình ảnh chiến trận, tranh giành, xung đột, cướp vật gì đó… nhưng chỉ là trình diễn, diễn tích chuyện xưa, nên không thể có hiện tượng bạo lực xảy ra.
Chẳng hạn, chùa Duệ Tú thờ Pháp sư Đại Điên và chùa Hoa Lăng thờ bà Tăng Thị Loan, thân mẫu của Từ Đạo Hạnh. Cả 2 ngôi chùa này cùng ở trang Dịch Vọng xưa, nay là phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy Hà Nội. Theo ngoại sử, vào thời nhà Lý, giữa Đại Điên và họ Từ có mối thù, vì Đại Điên đã giết Từ Vinh – thân phụ của Từ Đạo Hạnh. Bởi vậy hàng năm, cả chùa Duệ Tú và chùa Láng đều trùng ngày hội mồng 7 tháng Ba, khi chùa Láng rước Pháp sư Từ Đạo Hạnh về thăm mẹ ở chùa Hoa Lăng, thì chùa Duệ Tú cũng rước Pháp sư Đại Điên từ chùa Duệ Tú đến miếu Quán Đôi, cả hai di tích này đều thuộc thôn Tiền.
Khi người viết đến tìm hiểu, các cụ ở đây kể lại, xưa kia hội của hai chùa có tục lệ bắn pháo thăng thiên vào nhau tượng trưng cho sự xung đột của hai vị danh sư theo tương truyền. Người dân của 2 làng cùng tổ chức hội rất đoàn kết, họ họp nhau trù bị từ trước để cùng tổ chức ngày hội mang tính lịch sử và huyền thoại cổ kính. Đoàn rước kiệu Pháp sư Từ Đạo Hạnh từ chùa Láng men theo bờ sông Tô Lịch, đoàn rước kiệu Pháp sư Đại Điên đi bên kia sông. Khi cả hai kiệu đến đích, thì pháo thăng thiên đua nhau nổ, bắn vào kiệu của nhau qua sông, trong tiếng reo hò vang dậy.
Người viết bài này sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nên rất quan tâm đến Lễ Khai ấn đền Trần. Nhớ thuở trước, khi lễ hội này chỉ bó hẹp trong phạm vi một làng, số lượng người tham gia ít, thì người dân chỉ đến xin ấn. Nhưng từ khi người ta quảng bá, đưa lễ hội này “lên tầm quốc gia”, thì lượng người bốn phương đến “thỉnh” ấn tăng chóng mặt, lên đến cả chục vạn người. Lại thêm sự truyền ngôn (chẳng biết từ nguồn nào), rằng ai có được ấn Đền Trần thì năm đó sẽ được thăng quan tiến chức. Vậy là lượng người quá đông, dẫn đến tình trạng tranh cướp như hiện nay.
Có lẽ cũng có nguyên nhân là từ khi người dân ở nhiều nơi khác đổ về đây, họ đem theo cả tục lệ “cướp lộc” của địa phương khác đến. Mặc dù vài năm trở lại đây, thời gian phát ấn đã chuyển từ nửa đêm sang sáng ngày hôm sau, thế nhưng cũng không giảm đi lượng người đến trong đêm khai ấn. Không có ấn để cướp thì họ cướp bất cứ thứ gì hiện hữu ở đó. Một tục lệ đẹp đẽ của cha ông đã bị biến thành cuộc phá phách nơi cửa Thánh.
Thiết nghĩ, cần phải có sự nghiên cứu và tuyên truyền, giáo dục nhằm thiết lập nếp văn hóa truyền thống ở các lễ hội, những sự tranh giành, nếu có, cũng chỉ mang tính ước lệ, không vì tham lam, không được chà đạp lên người khác để thâu tóm về phía mình, bất chấp việc đó phá tan tính thiêng liêng của các lễ hội như đã đề cập.
No comments:
Post a Comment