Linh thiêng cổ thụ chốn thiền môn - Quán thời gian

Breaking

Wednesday, May 13, 2020

Linh thiêng cổ thụ chốn thiền môn

Theo sử truyện Phật giáo,  thái tử Tất Đạt Đa trên  con đường đi tìm sự giác  ngộ vĩ đại, đã đến ngồi dưới một gốc cây bồ đề, tự chú tâm suy ngẫm, kiên quyết không đứng dậy cho đến khi tìm ra chân lý.

                    - Bài, ảnh Chu Minh Khôi (Đăng trên Báo Giác Ngộ ngày 20.10.2009)

Sau 49 ngày thiền định, tâm trí Ngài dần bừng sáng, vô minh đã được đoạn diệt, Ngài tìm ra chánh đạo, con đường dẫn đến an vui và hạnh phúc thực sự cho nhân loại. Dưới cội bồ đề, thái tử Tất Đạt Đa đã thành Phật, bậc đạo sư của tất thảy chúng sinh. Từ đó, hình ảnh cây bồ đề cổ thụ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo. Ở Hà Nội có 2 cây bồ đề được tách từ cội cây nơi Phật Thích Ca đắc đạo, giờ đã trở thành những cây đại thụ, cành lá xum xuê, hiện tọa lạc ở chùa Một Cột và chùa Trấn Quốc. Người ta thường gọi 2 cây này là “cây ngoại giao”, vì chúng do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đem sang Việt Nam tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm năm 1958.
caybo-1.gif
Cây Bồ Đề tại chùa Trấn Quốc-Hà Nội
Dường như ở bất kỳ ngôi chùa nào trên đất nước Việt Nam, cũng được bốn mùa che mát bởi những tàng cây cổ thụ, nhiều cây có tuổi hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Ở Việt Nam, ít gặp cây bồ đề, nhưng ta dễ dàng bắt gặp những cây đa cổ thụ, biểu trưng cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Cây đa còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người. Bởi vậy trong từng ngôi làng, cây đa thường có mặt ở nhiều nơi khác nhau, rất ít khi vắng mặt trong các di tích, đặc biệt là đình chùa. Đến chùa làng My Dương (Thanh Oai, Hà Nội) được nghe kể về cây đa cổ thụ trứ danh. Tương truyền, cây đa được trồng vào khoảng đầu thời Lý, thân cây rộng cỡ 6-7 người ôm, tán lá xòe rộng tới 2 sào đất. Ở trong thân cây mọc ra 2 cây nữa, là cây đề và cây gạo, mỗi gốc cây này cũng phải cỡ một người ôm. Cây đa chùa My Dương từng nổi danh khắp vùng Hà Đông, dân làng truyền tụng câu ca từ rất lâu đời: “Cây đề mọc giữa cây đa. Cây đa mọc ra cây gạo”. Chỉ tiếc đến năm 1977, cây cổ thụ này bị người ta triệt hạ đi, nên cây đa thiêng chỉ còn trong hoài niệm của những người dân làng My Dương.
caybo-2.gif
Cây Đa Chùa Mía
Những cây cổ thụ hàng thế kỷ đứng lặng lẽ trong những ngôi chùa cổ, nhiều khi chúng cao tuổi hơn cả kiến trúc cổ tự, để chứng kiến bao kiếp người đi qua. Nếu như biết nói, hẳn cây sẽ kể cho ta nghe những câu chuyện trường thiên về niềm vui và nỗi thống khổ của con người. Rất nhiều cây cổ thụ trong những ngôi cổ tự đã ghi dấu ấn trong lòng du khách ghé thăm vãn cảnh. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) có cả một rừng thông cổ thụ hơn 400 năm tuổi. Chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội) được mệnh danh là chốn lâm tuyền ở thủ đô không chỉ bởi núi và động, mà còn là vì hàng chục cây cổ thụ phủ xanh khoảng không gian bằng phẳng khoáng đạt của sân chùa. Khách đến thăm chùa Mía ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) sẽ được chiêm bái cây đa cổ thụ tọa lạc sát ngay cạnh tam quan, tán phủ rườm rà, cành lá xum xuê, rễ cây đâm ra tua tủa bám sâu vào lòng đất. Cây đa chùa Mía có tuổi trên 400 năm, được ngợi ca: “Trải bao thế kỷ dầm mưa nắng/ Vẫn đứng an nhiên gác cửa thiền”. Du khách đến chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) cũng sẽ vô cùng ấn tượng trước cây đa cổ thụ to lớn, che rợp khoảng sân rộng lớn trước tam quan. Cây đa chùa Bối khê có tuổi hàng trăm năm, chu vi cỡ 4 người ôm, tạo nên cảnh quan không gian tĩnh mịch, linh thiêng cho ngôi chùa cổ. Phía Tây chùa Keo, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình có 5 cây gạo tuổi hàng trăm năm. Một trong những địa phương đi đầu trong việc bảo tồn những cây cổ thụ, đó là tỉnh Ninh Bình. Trong số 10 cây cổ thụ giá trị nhất được công bố ở Ninh Bình, có 3 cây tọa lạc trong những ngôi cổ tự, ấy là: cây đa lông ở chùa Phi Đế;  cây thị ở chùa Thiên Tôn; cây bàng ở chùa Hưng Long.
caybo-3.gif
 Du lịch ra đảo Ngư ở Cửa Lò (Nghệ An), bất cứ du khách nào cũng sẽ vô cùng thích thú khi được đắm mình dưới tán 2 cây lộc vừng cổ thụ của chùa Ngư, đẹp đến độ “buốt mắt”. Đảo nằm cách bờ biển hơn 4km, diện tích chỉ vỏn vẹn 2,5km2, gồm hòn lớn cao 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển. Nơi đón khách lên đảo là bến Chùa, trải dài dưới chân mênh mang một bãi đá cuội vô vàn màu sắc, những viên đá tròn nhẵn bởi được ngâm rửa hàng triệu năm sóng biển, toát lên vẻ đẹp mê hoặc lòng người. Tọa lạc cách bến tàu chỉ khoảng trăm mét, một ngôi cổ tự đưa ta vào nơi u tịch, thâm nghiêm của chốn thiêng nhà Phật. Không khí mát rượi dưới bóng rừng cây xanh trong khuôn viên chùa cho du khách cảm giác thoát tục. Phủ kín một khoảng rộng lớn sân chùa, sừng sững 2 cây lộc vừng khổng lồ tuổi đã 700 năm. Từng chùm hoa lộc vừng buông xuống như tơ liễu, điểm xuyết nên phong cảnh vô cùng quyến rũ.
caybo-4.gif
Cây dã hương chùa Tiên Lục
Lừng danh nhất trên đất nước ta chính là cây dã hương ở trong khuôn viên chùa Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang), được Bách khoa Từ điển Laurouse của Pháp công nhận cây dã hương lớn nhất Việt Nam và xếp vị trí thứ hai trên thế giới (sau cây dã hương Camphrier ở Ấn Độ). Đứng nhìn từ xa, cây dã hương đại thụ ở Tiên Lục nhô cao hẳn trên những màu xanh của làng quê, vươn mình hùng vĩ, hiên ngang trước thời gian, trước nắng gió vùng đồi. Trên một khu đất rộng chừng vài ngàn mét vuông, tọa lạc ngôi chùa cổ kính với những mái đao cong vút chạm khắc công phu, nép mình yên ả dưới cây dã hương đại thụ, dáng thẳng bề thế “rễ sâu thấu đất, ngọn xòa vờn mây”.
caybo-5.gif
Cây sứ đại thụ chùa Hoa Yên

Cây dã hương chùa Tiên Lục có đường kính 2,59m, cao khoảng 40m, tuổi gần 800 năm. Vào thời  Cảnh Hưng (1740-1786), cây dã hương này đã từng được vua Lê ban sắc phong “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”. Gốc cây ngày nay to cỡ gần chục người ôm. Theo các nhà nghiên cứu, vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m; chỗ nhỏ nhất là 8,3m; lớp vỏ cây trung bình dày 15cm. Tán cây dã hương xòe phủ kín mái chùa Tiên Lục, tạo ra một cảnh quan đặc sắc cho một vùng quê giàu di tích văn hóa. Hoa dã hương thường nở vào cuối xuân đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa hoa dạ lan. Cây dã hương ở chùa Tiên Lục đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tới tham quan chiêm bái...
Cổ thụ góp phần tạo nên vẻ u tịch, thâm nghiêm chốn thiền môn đồng thời là hồn quê thiêng liêng, nét văn hóa đặc sắc của đình chùa Việt Nam. Vì thế, bảo vệ cổ thụ, giữ gìn di sản không chỉ là trách nhiệm của nhà chùa mà của cả xã hội.

No comments:

Post a Comment