Đại Phật Di Đà trên núi Lạn Kha - Quán thời gian

Breaking

Wednesday, May 13, 2020

Đại Phật Di Đà trên núi Lạn Kha

Giác Ngộ - Từ xa hơn 10km đã nhìn thấy pho tượng A Di Đà khổng lồ in vào nền trời xanh thẳm trên đỉnh núi Lạn Kha. Đây là pho tượng lớn được xem là lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, tạc theo nguyên mẫu bảo tượng thời Lý của chùa Phật Tích, sẽ hoàn thành vào Tết Tân Mão...

                           -Bài, ảnh: Chu Minh Khôi - Bài đăng trên Báo Giác Ngộ năm 2010 -

Tôn tượng A Di Đà là bảo vật quốc gia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với nền mỹ thuật điêu khắc nước nhà, mà cả đối với lịch sử PGVN, đặc biệt là đối với sự hiện hữu, hưng thịnh của tín ngưỡng Di Đà, pháp môn Tịnh độ tại nước ta mười thế kỷ trước…
dida-1.gif
Chùa Phật Tích tọa lạc trên sườn núi Lạn Kha (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia còn gìn giữ được di vật cổ của Phật giáo với số lượng lớn và đa dạng vào bậc nhất nước ta.
Chùa được xây dựng đại quy mô vào triều Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu, văn bia "Vạn Phúc Đại Thiền tự" chép: "Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) cất lên cây tháp quý ngàn trượng, xây một trăm tòa thờ Phật, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 xích". Năm 1057, vua Lý Thánh Tông du ngoạn cảnh chùa, Người cảm khái tự tay viết chữ "Phật" dài 1 trượng 6 thước, truyền thợ khắc vào bia đá. Ngày nay, chùa Phật Tích còn bảo lưu được nhiều báu vật đá thời Lý vô cùng giá trị, mà không di tích nào khác có được: tượng Phật A Di Đà; chân cột chạm dàn nhạc; hàng thú trước sân chùa… 
Nhiều lần khai quật khuôn viên chùa Phật Tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ, đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: những mảnh đá chạm rồng và hoa lá; nhiều mảnh lá đề bằng đá kích thước to nhỏ khác nhau, trên mặt chạm rồng; pho tượng kim cương bảo vệ Phật pháp thế kỷ XI; tảng đá chạm hình hoa văn sóng nước thế kỷ XI; tượng nữ thần chim; mảnh đá chạm đầu tượng tiên nữ… Đặc biệt, khai quật dưới nền thượng điện chùa vào cuối năm 2008, đã phát hiện toàn bộ nền móng của bảo tháp thời Lý.
Pho tượng A Di Đà ngự tại thượng điện chùa, đây là một bảo vật có vị thế vô cùng quan trọng đối với nền mỹ thuật cũng như tư tưởng Phật giáo ở nước ta.
Tượng A Di Đà chùa Phật Tích là pho tượng cổ nhất miền Bắc, niên đại 1057, đồng thời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này.
Tượng cao 1,85m, nếu tính cả bệ là 2,8m. Thân tượng biểu đạt một vị Phật đang ngồi tọa thiền, mắt khép hờ trong thiền định, vẻ mặt thể hiện nội tâm cân bằng tuyệt đối. Đầu tượng kết tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ, thọ mạng vô lượng. Hai bên má đầy đặn trông phúc hậu, nhân ái. Hai tai dài rộng, thành quách rõ ràng, dái tai tròn mọng. Sống mũi thẳng, nảy nở, thể hiện sự bao dung rộng lượng. Thân tượng mặc áo pháp rộng rãi, cách điệu kiểu lá sen, những nếp áo mảnh đồng thời cũng là gân lá sen, bàn tay trái đặt lên lòng bàn tay phải, nương nhẹ vào đan điền làm nên nét uyển chuyển. Hai chân xếp bằng theo lối kiết già vững chãi. Tòa sen là đóa hoa mãn khai với hai tầng cánh, ngự trên bệ đá tám cạnh hình tháp. Bệ bát giác được trang trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn đuổi nhau trong dày đặc mây lửa. Mặt trên của hai tầng diềm là những chùm hoa dây xoắn, trên cuống hoa có những người bé tí hon leo trèo.
dida-2.gif
Công trình Đại tượng Di Đà trên núi Lạn Kha được KTS Hoàng Minh Phái (Cty An Bình, Hà Nội) thiết kế; kỹ sư Đinh Quang Tuấn (Cty Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta) chỉ đạo thi công. Đại Phật tôn trí ở điểm cao nhất của núi Lạn Kha, cao 90m so với mặt đất dưới chân núi, quay mặt hướng Tây nam, phục dựng theo nguyên mẫu bảo tượng A Di Đà thời Lý. Toàn bộ Đại Phật có chiều cao 28,1 m, bao gồm: thân tượng cao 16,1m; đài sen cao 4,5m và đế bát giác cao 7,5m. Chiều ngang của pho tượng ở phần đế chỗ rộng nhất là 26m.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, giám sát thi công Đại Phật thành cho chúng tôi biết, công trình sử dụng hết 2.200m3 đá, tổng khối lượng của toàn bộ tác phẩm ước khoảng 3.500 tấn. Biết bao nhà khoa học đã nghiên cứu pho tượng A Di Đà thời Lý chùa Phật Tích, nhưng đến nay chưa ai đưa ra được kết luận đây là loại đá gì, khai thác ở vùng nào của nước ta. Bởi vậy, riêng việc tìm chọn loại đá để dựng Đại tượng Phật là một thách thức. Đại đức Thích Đức Thiện đã cùng với các nhà khảo cổ, các nhà thiết kế, chỉ đạo thi công đi nhiều nơi với mong muốn truy tìm được loại đá giống với đá mà cách đây 1.000 năm người ta đã lấy để làm tượng. Ròng rã suốt nhiều tháng trời, đoàn đành bó tay vì không thể tìm thấy loại đá xưa, rốt cuộc đành quyết định chọn đá xanh Thanh Hóa. Đá Ninh Bình và đá Đà Nẵng tuy được người ta sử dụng nhiều trong chế tác tượng Phật, tuy màu sắc đẹp và dễ đục chạm nhưng chỉ phù hợp với việc chế tác các pho tượng nhỏ nguyên khối, chứ không thể có sức bền cao và tính đồng nhất. Đá xanh Thanh Hóa không có các thớ trắng nhỏ xen kẽ các lớp đá, có tính đồng nhất cao, nên là nguyên liệu tối ưu để chế tác những tượng đài khổng lồ.
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, gian nan nhất là đào móng để dựng Đại Phật thành. Địa chất của sườn núi là nền đất lẫn sỏi đá, đá gan gà. Nhưng trên đỉnh núi là một vùng rộng lớn bao phủ bởi đá mào phượng. Khi khoan thăm dò địa chất thấy tầng đá này dày 7m mới đến tầng đá nền khối, bởi vậy bên thiết kế yêu cầu phải đào móng sâu đến hết tầng này.
Sườn núi Lạn Kha dốc, từ trước tới nay chỉ có đường cho người đi bộ chứ không có đường cho các phương tiện cơ giới leo lên. Bởi vậy, người ta không thể đưa được máy xúc, máy ủi, cần cẩu lên đỉnh núi. Cũng không được phép sử dụng mìn phá đá, nên đào móng chỉ được dùng xà beng, cuốc xẻng. Mỗi ngày có 70 dân công tham gia đào móng, phải ròng rã hơn 4 tháng mới hoàn thành khâu này. Sau đó, phải kè đá cao 8m để tạo thành khuôn viên cho Đại tượng tọa lạc.
Công đoạn dựng tượng cũng không kém phần kỳ công. Hơn 2.000 phiến đá lớn hình hộp có kích thước mỗi chiều từ 1,2 – 2m được các xe container lần lượt chở từ Thanh Hóa về dưới chân núi. Phải xây dựng một đường ray bằng sắt dài 240m, dùng dây cáp thép loại phi 24 nối qua ròng rọc, với sự vận sức của một chiếc mô tơ quay điện để tời từng viên đá lên đỉnh núi. Lên tới nơi, những người thợ đá tiến hành cắt từng phiến vuông thành sắc cạnh (cắt dưỡng) và tạo mộng. Sau đó dùng dây tời, ròng rọc để đưa từng phiến đá lên cao lắp ghép vào nhau. Các phiến đá được ghép nối với nhau bằng các mộng đá. Khớp nối giữa phiến bên dưới với phiến bên trên là những mộng đứng hình trụ vuông, kích thước mỗi chiều 30cm, cao 45cm. Kết nối ngang giữa các phiến đồng cấp là những mộng ba chẽ, chiều dài mộng 60cm, mộng có eo thắt giữa chỉ 15cm trong khi kích thước 2 đầu mộng phình ra 30cm.
Sở dĩ dùng mộng đá để toàn bộ công trình đồng nhất về chất liệu đá, đồng thời có độ bền vững vĩnh cửu. Sau khi lắp ghép xong, dùng máy thủy lực để phun ép silicon cao cấp vào giữ các khe hở để đảm bảo khí hoàn toàn. Sau khi đá lắp các phiến đá cố định vào thân tượng đài, thì mới tiến hành tạc dần thành hình hài tác phẩm. Các nghệ nhân điêu khắc đá vừa nhìn vào mẫu mà tạc từng phần trực tiếp. Riêng phần đầu sử dụng hết 130m3 đá, phải dùng những phiến đá to khổng lồ cỡ bằng cả một chiếc xe tải. Vì đầu tượng dồn lực rất cao lên cổ, nên người ta phải tạc ở dưới nền đất. Khi đã thành hình đầu tượng, mới tháo các phiến ra, đưa lên cao lắp ghép lên phần thân.
Thời gian thi công Đại tượng tốn gần 4 năm, bắt đầu khởi công từ tháng 5-2007, đến tháng 9-2010 mới hoàn thành phần thô cho kịp lễ khai quang tượng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (như Giác Ngộ đã đưa tin).
dida-3.gif
Tam quan chùa Phật Tích- Ảnh: C.M.K

Hiện nay, công trình vẫn chưa hoàn thành, vì các nghệ nhân vẫn đang tiếp tục tạc hoa văn trên tượng. Phần chạm khắc hoa văn do hơn 30 nghệ nhân, thợ chế tác đá của Doanh nghiệp Đá mỹ nghệ Hùng Lâm (Ninh Bình) thực hiện. Khi chúng tôi đến tham quan vào giữa tháng 11-2010, thấy thân tượng đã hoàn chỉnh, các nghệ nhân đang chạm khắc hoa văn trên các cánh sen và sau đó sẽ chạm xuống bệ bát giác. Một nghệ nhân ở đây cho biết, chỉ riêng tuốt thô để tạo nền tạc hoa văn cũng rất kỳ công, bình quân 2 thợ phải mất tới 5 ngày mới tuốt thô xong 1 cánh sen. Sau đó, chạm các chi tiết hình rồng, lá đề, hoa cúc trên lá sen còn mất nhiều thời gian hơn. Cứ 4 người chạm khắc hoa văn trên đế, phải mất 1 tuần mới xong được một tầng của một cạnh. Đế có 8 cạnh, cao 7 tầng, như vậy sẽ cần tới 32 thợ làm trong 7 tuần. Trong lòng của đế bát giác là một căn phòng hình bát giác, mỗi cạnh dài 16m, cao 6m, đây được dự định sẽ là phòng trưng bày những di vật quý của chùa Phật Tích. Theo Đại đức Thích Đức Thiện, Ban chỉ đạo thi công đang đốc thúc nhân lực gấp rút thực hiện, cố gắng để hoàn thành công trình trước Tết Nguyên đán Tân Mão.

No comments:

Post a Comment