Các địa phương ĐBSCL cần chỉ đạo sản xuất sớm vụ lúa hè thu và thu đông, ưu tiên trồng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao để đảm bảo đủ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là định hướng của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị trực tuyến sáng 27/3 với các tỉnh, thành Nam Bộ về “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2019-2020, triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2020”.
- Chu Minh Khôi -
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này, vụ đông xuân năm 2020 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản giành thắng lợi quan trọng, vượt qua ảnh hưởng của tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp cực đoan.
Lúa được mùa, không lo thiếu gạo
Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ vụ đông xuân 2019-2020 đạt hơn 1,6 triệu ha; năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn. Trong đó, ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha.
Quang cảnh Hội nghị tổ chức sáng 27/3
|
Một trong những yếu tố giúp vụ đông xuân 2020 tại các tỉnh ĐBSCL thắng lợi trong điều kiện bất thuận, đó là Bộ NN&PTNT đã sớm có định hướng và dự báo được diễn biến của tình hình hạn mặn khốc liệt để định hướng chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL xuống giống sớm vụ đông xuân 2020 với diện tích trên 1 triệu ha tập trung trong tháng 10 và tháng 11/2019. Bộ cũng định hướng các tỉnh ĐBSCL ưu tiên cơ cấu giống lúa cho các giống cực ngắn ngày, giống có chất lượng cao đảm bảo nhu cầu xuất khẩu. Nhờ đó, diện tích lúa đông xuân đã kịp thu hoạch sớm, trước khi tình hình xâm nhập mặn và hạn hán diễn ra khốc liệt tại ĐSBCL, giúp giảm thiểu tối đa diện tích lúa đông xuân do hạn mặn gây ra, nhất là giúp hơn 200.000 ha vượt qua khô hạn khốc liệt…
Theo tổng hợp của các địa phương ĐBSCL, tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu 2020 đến ngày 20/3 ước đạt 305.000 ha, đạt 20% kế hoạch. Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2 sớm hơn cùng kỳ 40.000 ha do lúa đông xuân gieo sớm đã thu hoạch xong, tạo điều kiện giúp xuống giống sớm vụ hè thu...
Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ nhận định, sản xuất lúa ở Cần Thơ và các tỉnh khác tại ĐBSCL diễn ra quanh năm, luôn đáp ứng nhu cầu trong nước và còn để xuất khẩu. Năm nay, mặc dù khó khăn về thời tiết nhưng vụ lúa đông xuân của Cần Thơ thắng lợi lớn, năng suất tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Hiện, toàn thành phố đã thu hoạch được 79.213 ha, chiếm 99% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 72,17 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ 1,2 tạ/ha. Sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng xuống giống vụ tiếp theo. Đến nay, thành phố đã xuống giống lúa hè thu trên 63.000 ha, chiếm trên 83% kế hoạch. Hiện, lúa hè thu sớm đã qua giai đoạn mạ vượt lên xanh đồng, dự kiến khoảng 2 tháng nữa sẽ thu hoạch.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho hay, lúa đông xuân ở An Giang đã thu hoạch được 190.000/229.392 ha, ước sản lượng cả vụ đạt gần 1,682 triệu tấn, tăng 22,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Những diện tích vừa thu hoạch xong lúa đông xuân đang được nông dân khẩn trương làm đất xuống giống vụ hè thu. Tính mỗi năm, An Giang có khoảng 630.000 ha lúa, cho sản lượng trên 4 triệu tấn.
Ông Lâm nêu vấn đề: Nếu ngưng xuất khẩu gạo ở thời điểm này sẽ gặp khó khăn cho các tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn như An Giang. Trước mắt ngành nông nghiệp An Giang nắm tình hình doanh nghiệp (DN) và tiểu thương thu mua lúa gạo trong tỉnh xem có vướng mắc trở ngại gì, sau đó báo cáo UBND tỉnh làm đề xuất đến Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Phan Minh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, thị trường đầu ra xuất khẩu gạo của Việt Nam rất tốt. Năm nay, Công ty có kế hoạch xuất khẩu từ 100-150 nghìn tấn gạo. Nhờ tín hiệu thị trường tốt nên chỉ trong quý I/2020 đã xuất khẩu đạt tới 70% kế hoạch của cả năm. Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo đã tác động đến giá lúa gạo trong nước. Cụ thể là 2 ngày qua, giá gạo nguyên liệu đã giảm khoảng 200 đồng/kg. Trong khi đó, một số nơi ở ĐBSCL, nông dân vẫn đang thu hoạch lúa đông xuân. Nếu lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo kéo dài, nguy cơ nông dân sẽ không tiêu thụ được lúa.
Vào vụ sớm, trồng giống ngắn ngày để tăng sản lượng
Lãnh đạo Sở NN&PTNT một số tỉnh ĐBSCL và DN cho rằng, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới đã làm nảy sinh tâm lý người tiêu dùng mua gạo tích trữ, các thương lái cũng theo đó đầu cơ. Hệ quả là khiến giá gạo tại nhiều siêu thị, cửa hàng trên cả nước đột ngột tăng cao. Có lẽ vì vậy mà Chính phủ ra quyết định tạm ngưng xuất khẩu lúa gạo. Thực tế, giá gạo tăng cao chỉ là ở các cửa hàng bán lẻ, trong khi giá bán lúa của nông dân tại ruộng không tăng nhiều. Tuy nhiên, quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo đã ngay lập tức ảnh hưởng đẩy giá lúa ở ĐBSCL xuống, khiến nông dân bị ảnh hưởng.
Nông dân ĐBSCL được mùa vụ đông xuân (Ảnh: Internet)
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mục tiêu định hướng là phải tăng sản xuất lúa gạo để đảm bảo đủ lượng gạo cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ngành lúa gạo phải đảm bảo mục tiêu về tổng sản lượng lương thực cho cả năm, nhất là cần đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước. Đồng thời tranh thủ được cơ hội xuất khẩu khi có điều kiện thuận lợi.
Trước dự báo diễn biến hạn mặn tại các tỉnh ĐBSCL sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, có nguy cơ ảnh hưởng bất lợi tới vụ hè thu, Bộ NN&PTNT chủ trương trong vụ hè thu 2020 cần phải điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa một cách linh hoạt nhằm đảm bảo diện tích, năng suất và sản lượng. Phải tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giảm giống gieo sạ, phòng trừ dịch hại, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm với mục tiêu giảm giá thành và nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa chủ động đối phó với diển biến giá cả thị trường xuất khẩu vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường khó tính.
Về cơ cấu giống lúa, ưu tiên cho các giống lúa chất lượng cao (chiếm trên 70%) theo đề xuất của DN, thương lái thu mua trong vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và liên kết đồng bộ với DN trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa trong và ngoài nước.
Về lịch thời vụ, chủ trương xuống giống sớm vụ hè thu 2020, qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh tăng sản xuất vụ thu đông. Toàn vùng Nam Bộ đặt mục tiêu gieo sạ trên 1,6 triệu ha lúa hè thu, năng suất hơn 56,4 tạ/ha và sản lượng trên 9,1 triệu tấn. Trong đó, ĐBSCL gieo sạ 1,54 triệu ha; năng suất 56,6 tạ/ha, sản lượng trên 8,7 triệu tấn. Vụ thu đông 2020, vùng ĐBSCL đặt kế hoạch gieo sạ 750.000 ha; năng suất 55,35 tạ/ha, sản lượng 4,15 triệu tấn...
No comments:
Post a Comment