Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung: Nổi chìm thân phận một đặc sản - Quán thời gian

Breaking

Friday, May 15, 2020

Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung: Nổi chìm thân phận một đặc sản

Gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, một sản vật truyền thống của người dân tộc Mường ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) được đầu tư phát triển chuỗi sản xuất, khẳng định vị thế đặc sản Đất Tổ chất lượng cao bền vững. Đây là sản phẩm được tỉnh Phú Thọ chọn là một trong 5 sản phẩm OCOP hạng 5 sao cấp tỉnh.

                                   Tỉnh Phú Thọ có 503 hợp tác xã và 1.326 tổ hợp tác nông nghiệp, sản phẩm đa dạng và phong phú. Một số sản phẩm của hợp tác xã (HTX) đã tạo dựng được thương hiệu, nhiều nơi biết đến như mỳ gạo Hùng Lô, nếp Gà gáy Mỹ Lung, bưởi Đoan Hùng… 
Sản vật bị... lãng quên
trong-lua-nep-ga-gay-o-xa-My-L-6719-3341
Nhiều HTX  ở Yên Lập (Phú Thọ) phổ biến cho các thành viên trồng lúa nếp gà gáy Mỹ Lung, mang lại giá trị kinh tế cao
Người dân xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập chủ yếu là người dân tộc Mường. Nơi đây truyền tụng truyền thuyết, ngày xa xưa từ thời vua Hùng, có một cô gái Mường xinh đẹp, ngày đầu tiên làm dâu, mẹ chồng cô gái dặn ngâm gạo nếp để sáng mai dậy đồ xôi. Vì say đắm bên duyên mới, quên mất lời mẹ dặn nên mãi đến khi gà gáy sáng canh ba, cô gái mới dậy rồi vội vàng mang gạo nếp ra vo và cho vào nồi xôi. Những tưởng nấu vội thì cơm nếp sẽ không dẻo, nhưng lạ lùng thay, nồi xôi vẫn dẻo và thơm ngon vô cùng. Mẹ chồng biết chuyện, nhìn con dâu với ánh mắt âu yếm và mỉm cười rồi thốt lên: "Nếp gà gáy". Kể từ đó, cái tên "Nếp gà gáy" được lưu truyền cho đến ngày nay.
Gạo nếp Gà gáy vô cùng thơm ngon, nhưng đặc điểm nổi bật là khi đồ xôi nhanh chín hơn so với các loại gạo khác. Nếu như gạo nếp thông thường, phải ngâm gạo qua mấy giờ, sau đó đồ trong 40 phút mới thành xôi thì gạo nếp Mỹ Lung có thể không cần ngâm gạo, đồ xôi chỉ 15-20 phút là chín.
Tương truyền trước đây, chỉ những gia đình khá giả, trung lưu mới trồng lúa nếp Gà gáy. Khi đến mùa thu hoạch, sau khi gặt, đập lúa phơi thóc xong thì người dân phải làm lễ ăn cơm mới, đồ xôi bằng gạo mới thắp hương cúng tổ tiên.
Sản phẩm gạo nếp Gà gáy quý như vậy, nhưng từng có thời gian sản phẩm này nguy cơ mất giống. Ông Trần Kim Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho hay, năm 2005, cả tỉnh Phú Thọ chỉ có duy nhất xã Mỹ Lung còn trồng gạo nếp Gà gáy với diện tích ít ỏi, khoảng 4 - 5 ha. Dự án phục tráng gạo nếp Gà gáy được thực hiện từ năm 2005 - 2011, diện tích và năng suất nếp Gà gáy tăng lên 70 ha. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc diện tích trồng gạo nếp Gà gáy lại giảm xuống còn 40 ha vào năm 2012.
HTX ra đời, gạo nếp cất tiếng “gáy”
San-pham-gao-nep-ga-gay-3024-1589365736.
Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung - sản vật truyền thống của người Mường ở huyện Yên Lập được chọn là 1 trong 5 sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Phú Thọ
Đang trong lúc giống gạo quý bị "thất sủng" thì vào năm 2012, một tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã thực hiện dự án bảo tồn và phát triển gạo nếp Gà gáy. Với sự hỗ trợ của dự án này, HTX sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy ra đời với 12 thành viên .
Ông Khúc Ngọc Tung - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung kể, HTX đã cùng bà con nông dân xã Mỹ Lung ngày đêm bàn bạc và quyết tâm quy hoạch cánh đồng riêng để trồng gạo nếp, gìn giữ một sản vật quý. Đồng thời, nghiên cứu đặc tính của giống cây để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất. Nhóm giống có nhiệm vụ bảo tồn giữ nguồn gen quý, không bị lẫn tạp và cung ứng đủ giống cho các hộ gia đình.
HTX trực tiếp hướng dẫn thành viên và bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ phù hợp như sử dụng ít phân bón, nước tưới, từ đó hạn chế được sâu bệnh mà vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất tốt. HTX còn là đầu mối thu mua sơ chế, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân trong xã.
Đáng mừng là những năm gần đây, thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay HTX sản xuất kinh doanh Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung có 132 xã viên, diện tích gieo cấy nếp Gà gáy vượt 80 ha vào năm 2019, chiếm khoảng 50% trong tổng diện tích đất trồng lúa của xã Mỹ Lung. Năng suất trung bình 120 - 150 kg/sào, tương đương 3,2 đến 4,0 tấn/ha, doanh thu trung bình đạt 90 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng các giống lúa khác. 
Theo ông Khúc Ngọc Tung, năm 2019, năm ngoái, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đoạt cúp vàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Cũng nhờ giữ gìn và phát triển sản vật Gạo nếp Gà gáy mà các hộ thành viên của HTX sản xuất kinh doanh Gạo nếp Gà gáy Mỹ lung và người dân xã Mỹ Lung đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trở lại Yên Lập hôm nay, một màu xanh mới đang trải dài trên các cánh đồng, các thành viên HTX nơi đây rất phấn khởi vì không chỉ gìn giữ được một sản vật quý của đất trời mà còn mang lại giá trị kinh tế cao. Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đã được chọn là 1 trong 5 sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Phú Thọ, chắc chắn hạt gạo nếp gà gáy Mỹ Lung sẽ còn bay xa không chỉ thị trường trong nước mà còn góp phần vào kim ngạch XK gạo của Việt Nam trong những năm tới.
Chu Khôi
Đăng trên Thời báo Kinh doanh ngày 14.5.2020

No comments:

Post a Comment