Trong hơn 2 năm qua, Chương trình thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) triển khai đã đạt được những hiệu quả tích cực bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX.
- Chu Khôi -
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước có khoảng 14.000 HTX nông nghiệp, nhưng tỷ lệ số HTX hoạt động hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là trình độ cán bộ HTX rất yếu: khoảng 60% cán bộ HTX nông nghiệp chưa học hết THPT, không biết tổ chức, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của HTX. Đa số cán bộ chủ chốt HTX lớn tuổi, nghiệp vụ hạn chế, thiếu tính nhạy bén và năng động.
Giúp thành viên nâng cao trình độ kỹ thuật
Trong giai đoạn 2018 - 2020, Bộ NN&PTNT triển khai Chương trình thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ có trình độ ĐH, CĐ về làm việc tại HTX nông nghiệp; mỗi tỉnh chọn 3 - 5 HTX để thí điểm để được hỗ trợ. Các HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được chọn tham gia sẽ được hỗ trợ một lần để thuê tối đa 3 lao động có trình độ CĐ trở lên về làm việc tại HTX, thời gian hỗ trợ không quá 36 tháng. Điều kiện hỗ trợ là HTX phải có phương án sử dụng lao động, ký hợp đồng với người lao động theo Bộ luật Lao động, phải có văn bản đề nghị được hỗ trợ. Tiêu chuẩn chọn cán bộ thí điểm là những người có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực hoạt động của HTX, ưu tiên các cán bộ kỹ thuật, kế toán để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ vào sản xuất kinh doanh của HTX.
Nhiều HTX có bước chuyển tích cực sau khi có cán bộ trình độ ĐH, CĐ về làm việc (Ảnh: TL)
|
Đến nay, sau hơn 2 triển khai, Chương trình thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ ĐH, CĐ về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp đã đạt được những hiệu quả tích cực bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX.
Tại tỉnh Phú Thọ, theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, số lượng cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn từ CĐ, ĐH trở lên tại các HTX nông nghiệp chỉ khoảng 15%. Thực hiện mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ ĐH, CĐ về làm việc tại HTX, tỉnh đã lựa chọn 6 HTX nông nghiệp ở các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Yên Lập và Lâm Thao để hỗ trợ kinh phí làm việc có thời hạn 24 tháng.
Anh Hoàng Minh Cảnh, sinh năm 1989, tốt nghiệp trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, chuyên ngành nông lâm kết hợp về làm việc tại HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Cường Thịnh ở xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, bắt đầu từ tháng 1/2019. Theo nhận xét của HTX, từ khi về làm cán bộ kỹ thuật, anh Cảnh cùng các thành viên đã tìm hiểu, lên phương án sản xuất kinh doanh, thuê lại 1ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa chất lượng cao J02. Anh đã khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô bằng cách tuyên truyền, vận động bà con tạo dòng chảy bằng các mương đất, đoạn nào khó thì dùng ống tre, ống nứa dẫn nước từ trên khe núi, xóa bỏ tư tưởng phụ thuộc vào tự nhiên. Công sức của người dân được đền đáp khi cánh đồng khu Đồng Cạn phát triển sản xuất được cả 2 vụ lúa/năm, cho năng suất trung bình đạt 52 tạ/ha.
Vụ đông vừa qua, anh Cảnh tiếp tục nghiên cứu và chuyển sang trồng cây chanh leo, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với CTCP Nafoods Tây Bắc (tỉnh Sơn La) với giá bán theo giá thị trường. Thời điểm này, cây chanh leo phát triển khá tốt, chịu được hạn, hứa hẹn mang lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Cũng ở tỉnh Phú Thọ, HTX nông nghiệp An Phú ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn có 24 hộ thành viên chăn nuôi gà quy mô lớn với tổng đàn 160.000 con/lứa. Khi có chính sách hỗ trợ đưa cán bộ về làm việc, HTX đã đề xuất, lựa chọn một cán bộ có trình độ, chuyên môn về chăn nuôi thú y chuyên kiểm soát, tư vấn, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho tất cả thành viên. Và Nguyễn Thị Linh, tân cử nhân chuyên ngành Chăn nuôi thú y, trường ĐH Hùng Vương đã được lựa chọn.
Anh Phạm Quốc Tuân, Giám đốc HTX nông nghiệp An Phú nhận xét: “Từ khi chị Linh về làm việc đã giúp chúng tôi nâng cao năng lực kỹ thuật, kiểm soát và quản lý dịch bệnh khoa học bằng hình thức phân khu chuồng trại, đánh số thứ tự và sử dụng sổ ghi chép thời gian sử dụng thuốc, tiêm phòng, liều lượng theo từng chu kỳ. Nhật ký chuồng trại được treo trực tiếp ở mỗi chuồng nên hạn chế tối đa việc sử dụng nhầm vắc xin hoặc bỏ sót giữa các khu. Nhờ quản lý tốt dịch bệnh, thời gian gần đây, mỗi con gà từ lúc vào giống đến khi xuất bán giảm được 1.500 - 2.000 đồng chi phí từ vắc xin và tạo được sự đồng đều về chất lượng sản phẩm”.
Có kế toán, HTX quản lý tài chính chuyên nghiệp hơn
Tại tỉnh Đắk Lắk, chị Vũ Thị Huyền Vân được UBND tỉnh hỗ trợ trả lương để làm việc tại HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông). Vì hoạt động của HTX tương đối rộng trong các lĩnh vực: thu mua nguyên liệu mía đường và lúa gạo, kinh doanh vật tư, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, vệ sinh môi trường, xây dựng nên khối lượng công việc của kế toán khá nặng, liên tục phát sinh doanh thu, công nợ hằng ngày. Chị Vân mạnh dạn đề xuất Ban giám đốc HTX mua phần mềm kế toán Misa để thuận tiện trong công việc và quản lý tốt dữ liệu của đơn vị. Ngoài chuyên môn chính về kế toán, chị Vân còn có bằng Trung cấp Luật nên được HTX giao phụ trách lập hồ sơ đấu thầu, tham gia các dự án liên kết sản xuất, cung cấp vật tư... cho nhiều đơn vị đối tác.
Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Thăng Bình cho hay, từ ngày tuyển dụng được kế toán có chuyên môn tốt, thạo việc, công tác điều hành, quản lý HTX nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không còn cảnh “lò mò”, tự tra cứu, tự làm, tự sửa như trước đây. Những thủ tục báo cáo với cơ quan thuế, đàm phán với các đơn vị đối tác cũng được triển khai nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm yêu cầu công việc.
Một ví dụ điển hình nữa là HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (xã Hòa An, huyện Krông Pắc). Trước đây, do kinh phí hạn hẹp, HTX chỉ thuê kế toán làm dịch vụ ngoài giờ, chủ yếu phụ trách công tác báo cáo thuế theo định kỳ cho các cơ quan chức năng. Các thành viên HĐQT, Ban giám đốc HTX không chỉ điều hành, quản lý mà phải kiêm luôn việc tính toán thu chi, cân đối giá thành, theo dõi công nợ... với khối lượng công việc ngày càng nhiều. Nhờ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, HTX đã tuyển dụng chị Võ Thị Hằng Nga, cử nhân chuyên ngành kế toán làm việc tại đơn vị. Không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, chị Nga còn sát cánh cùng lãnh đạo HTX tại các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, soạn thảo hợp đồng, nghiên cứu và tìm hướng sản xuất các sản phẩm mới.
Từ thực tế có thể khẳng định mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp là nguồn cảm hứng, luồng gió mới cho kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX trẻ hóa về độ tuổi cán bộ quản lý và tư duy sản xuất để thích ứng với xu thế của thị trường, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, góp phần cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Đăng trên Thời báo Kinh doanh ngày 14.5.2020
No comments:
Post a Comment