Riêng thi phẩm Vào chùa của ông tuy rất ngắn, nhưng lại gieo vào lòng người đọc nhiều suy nghĩ trái ngược nhau. Mặc dù hầu hết độc giả phải công nhận đây là bài thơ hay, thể hiện cách nói tài hoa của Đồng Đức Bốn, nhưng thoạt đọc thấy nội dung bài thơ hàm nghĩa có vẻ xấc xược.
Vào chùa
Đang trưa ăn mày vào chùa Sư ra cho một lá bùa rồi đi Lá bùa chẳng biết làm gì Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày. Đồng Đức Bốn |
Nếu nói bài thơ ngông nghênh cũng chẳng trật, bởi kiểu thơ này dường như hợp với phong cách bỗ bã, ngang tàng và hoang đàng của Đồng Đức Bốn - cũng là một trong những đặc trưng tính cách người dân chợ búa nơi cửa biển, nơi thương cảng Hải Phòng vốn dĩ vừa chất phác vừa đen đúa.
Tôi đọc trên báo, một nhà phê bình thơ viết thế này: “Bài thơ Vào chùa chỉ bốn câu mà treo lên trước cuộc đời cả một câu hỏi lớn về tình thương đồng loại. Hai nhân vật sư và ăn mày, hai hướng đời và đạo. Nhưng cả hai đều sống bằng của bố thí. Vì thế mà cái cảnh diễn ra trước cửa chùa như báo trước một điều gì thật đáng lo ngại. Sư không sẻ chia cơm áo mà lại cho ăn mày “một lá bùa” rồi bỏ đi. Sao mà dửng dưng, sao mà chua chát thế. Ngòi bút Đồng Đức Bốn ở đây thật lạnh. Cái tưng tửng “chết người” của nhà thơ chính là ở chỗ đó”.
Lại có một nhà phân tích khác cho rằng: Vào chùa tuy xộc thẳng vào cõi đời và đạo, nhưng Đồng Đức Bốn không phải là một nhà thơ mang tư tưởng thiền. Ông chính là một nhà thơ hiện thực mang bi kịch lãng mạn, vì vậy mà nhiều khi ngơ ngác trước những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời. Chùa là trụ sở của sự giải thoát, giải phóng, giác ngộ. Sư là người lãnh đạo tinh thần, tâm linh. Lá bùa là giải pháp huyền bí hoặc mê tín.
Đang trưa ăn mày vào chùa để làm gì? Đơn giản là vào để xin một bữa cơm trưa. Có sư ra đón chào đàng hoàng, nhưng lại cho một lá bùa, đói hoàn đói. Ăn mày không biết gì, dùng gì với lý thuyết hoặc giải pháp cao xa kia nên lại trở về với cốt cách ăn mày của mình.
Ảnh minh họa
Cá nhân tôi không đồng ý với 2 bình luận trên về bài thơ Vào chùa. Nếu ai nói rằng Đồng Đức Bốn xa lạ với Phật giáo và bài thơ nhằm mục đích phê phán người tu hành, thì tức là người đó không hiểu gì về Đồng Đức Bốn và chưa lĩnh hội được thâm ý của thi phẩm Vào chùa.
Đọc nhiều bài thơ khác của Đồng Đức Bốn, thấy thơ của ông đậm đặc tư tưởng, minh triết Phật giáo và đời thơ của ông đã đốn ngộ rất nhiều điều. Đơn cử như ở bài thơ Chăn trâu đốt lửa:
“Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.
Bài thơ đậm đặc tầng nghĩa “tu thân, quán tưởng” như trong “Thập mục ngưu đồ” (10 bức tranh chăn trâu), vốn được sử dụng nhuần nhuyễn trong Phật giáo Thiền tông. Hình ảnh tuổi thơ chăn trâu và đốt lửa vui chơi trên đồng là sự tượng trưng cho tuổi trẻ, con diều là lý tưởng trên mây, củ khoai là đời sống thiết thực. Nhiều khi ta mải mê đuổi theo những lý tưởng trên trời, những điều quá xa vời mà bỏ quên những mục tiêu thiết thực. Ta đốt cháy cả tuổi trẻ của mình thành tro tàn, để cuộc đời trôi đi vô ích. Đến khi qua bên kia dốc cuộc đời mới bàng hoàng sực tỉnh mộng đời người. Củ khoai nướng để cả chiều thành tro trở thành một câu thơ tuyệt tác, bởi nó chứa đựng triết lý “được-mất” một cách ngơ ngác và đau đớn.
Nhân sinh quan Phật giáo cũng hiển hiện trong bài thơ Trở về với mẹ ta thôi. Với câu thơ “Trở về với mẹ ta thôi/ Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ”, quan niệm “sống gửi thác về” hiện lên day dứt và lay động lòng người. Đặc biệt ở câu: “Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con”, cho thấy Đồng Đức Bốn luôn hướng về thanh âm, luôn lắng nghe tiếng nói từ cõi chùa, cõi Pháp, cõi đạo. Minh triết Phật giáo đi theo Đồng Đức Bốn đến tận câu thơ cuối cùng ông viết trên cõi đời, trước khi nhắm mắt xuôi tay:
“Bên trời, bên những thần linh
Bạn đi tìm những bình minh vô thường”.
Với một Đồng Đức Bốn như vậy, nếu bảo rằng ông không hiểu gì về Phật giáo, không mang tư tưởng thiền, để rồi quy kết thi phẩm Vào chùa là “treo lên trước cuộc đời cả một câu hỏi lớn về tình thương đồng loại”, thì thật phiến diện, chưa thẩm nhận được thơ của ông.
Cổ nhân xưa có câu “Ý tại ngôn ngoại”, có nghĩa rằng ý tứ, nội dung của thơ luôn nằm ngoài ngôn ngữ. Những thâm ý mà nhà thơ muốn nói, thường không nổi lên bề mặt chữ, mà chìm sâu trong mạch ngầm dưới đáy chữ. Câu chữ trong mỗi bài thơ chỉ làm nhiệm vụ con đường đưa độc giả đi theo mạch ngầm đó, để tìm ra những vỉa quặng chân lý. Trong Vào chùa, không thể hiểu nông cạn rằng, chỉ kể chuyện một người ăn mày vào chùa xin cơm chay, nhưng sư cho thứ mà người xin không cần…
Thực ra, hình ảnh ăn mày ở đây không phải một cá nhân riêng biệt, mà là hình ảnh biểu trưng cho mọi kiếp người. Chúng ta, bất kỳ người nào cũng là kẻ tha nhân đang trôi dạt trong bể trầm luân của cõi đời thế tục. Mỗi chúng ta đều là kẻ ăn mày trong hành trình đi xin tri thức, sự ấm no, hạnh phúc, tình thương, lòng vị tha…
Hình ảnh gã ăn mày vào chùa lúc ban trưa vẽ lên một cử chỉ hướng thượng, con người đi tìm vào chốn cao minh. Chắc hẳn, gã ăn mày vào chùa không chỉ để xin cơm chay, mà muốn xin một điều gì thiêng liêng hơn, với mong muốn thay đổi cuộc đời mình. Người ta thường đi vào chùa để xin những điều mà mình không thể có khi vật vã bên ngoài - cõi đời thế tục. Hàng ngày, ta chứng kiến biết bao người vào chùa.
Nhiều người đứng trước Tam bảo, chắp tay và cầu xin Phật. Có người xin Phật gia hộ, nhưng không ít người xin Phật ban cho tiền tài, danh vọng, vợ đẹp con khôn… với trăm nghìn thứ xin mà chẳng biết là Phật có đáp ứng được hay không. Đạo Phật có nhiều giáo lý có thể giúp ta ứng dụng làm thay đổi cuộc đời mình, nhưng nếu ta vào chùa chỉ cầu xin tiền tài, danh vọng… thì đó là sự xin nông cạn, viển vông, chẳng khác nào gã ăn mày vào chùa chỉ để muốn có một bữa cơm chay.
Đồng Đức Bốn chỉ cho người ta thấy rằng, không phải vào chùa xin điều gì cũng được, và nhắn nhủ mỗi người đến với cõi Đạo nên xin những thứ phù hợp. Ta phải hiểu những gì Phật cho ta, thì mới khiến điều được nhận đem lại lợi ích cho mình trong cuộc sống.
“Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày”.
Đọc câu thơ, ta thấy tiếc gã ăn mày kém hiểu biết, thiếu trí thức. Gã không nhận ra dấu hiệu ấn chứng nhiệm mầu. Không chỉ kẻ ăn mày này đâu, mà rất đông người vào chùa khi được Tăng Ni truyền dạy giáo lý nhà Phật, nhưng họ không nhận ra ý nghĩa công năng của món quà đó để đem về thực hành trong cuộc sống, và không thay đổi được cuộc đời mình. Rốt cuộc, cũng giống như gã ăn mày, chẳng biết làm gì với lá bùa, đành nhét vào túi, lại đi ăn mày.
Nhưng cũng đừng vội nghĩ gã ăn mày không đạt được gì khi vào chùa. Trái lại, ích lợi đã đến với gã ăn mày. Từ giây phút ấy, gã đã biến đổi mà chính gã không hay biết. Đó là sự an nhiên tự tại trong tâm hồn, sẽ là phép nhiệm mầu đã đến trong hành trang sẽ hỗ trợ gã trong hành trình ăn xin gian nan. Dù thấy lá bùa không hữu ích, nhưng gã ăn mày không vứt bỏ đi, mà vẫn trân trọng nhét vào túi.
Gã cũng không than thở, than phiền về cuộc sống, không bày tỏ sự thất vọng khi không nhìn thấy sự hữu ích của thứ mà nhà sư đem cho. Gã ăn mày vẫn vui vẻ tiếp tục hành trình ăn xin nhọc nhằn. Để rồi, ta bất chợt nhận ra một vẻ đẹp tâm hồn, một nhân cách đẹp, hay một sự ngộ đạo đang ẩn sâu trong tấm áo rách rưới của kẻ hành khất.
No comments:
Post a Comment