GN - Những con sư tử đá ở chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng, chùa Phật Tích và sư tử trên bệ đất nung ở chùa Thầy cùng được tạo tác vào thời nhà Lý, phong cách và đường nét khá giống nhau.
Dòng sư tử này chủ yếu xuất hiện thời Lý-Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó. Sư tử thời Lý khác biệt hẳn với sư tử Trung Quốc và các nước lân cận, ở chỗ không tả thực, mà mang đầy tính sáng tạo với nhiều hoa văn uốn lượn, mềm mại, có thể nói đến độ tinh tế hiếm thấy (ảnh).
- Bài, ảnh: Chu Minh Khôi - Bài đăng trên Báo Giác Ngộ ngày 1.10.2014 -
Sư tử chùa Phật Tích
Những “Ông Sấm” ở chùa
Xã Dương Xá thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) và xã Minh Hải thuộc huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) chỉ cách nhau khoảng 5km, cả hai nơi này đều nhận là làng quê đã sinh ra Hoàng thái hậu Ỷ Lan thời nhà Lý. Ỷ Lan là Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông, mẹ của vua Lý Nhân Tông. Bà nổi danh là người phụ nữ giỏi việc trị nước (hai lần nhiếp chính) khiến nhân tâm hòa hợp, được nhân dân tôn sùng là Phật Bà Quan Âm, dân gian còn gọi là bà Tấm - hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Dương Xá có chùa Bà Tấm, Minh Hải có chùa Hương Lãng đều cùng thờ Ỷ Lan, đặc biệt cả hai ngôi chùa ngày nay cùng bảo lưu được cặp sư tử đá mà người dân trong vùng thường gọi là “Ông Sấm”, được tạo tác giống hệt nhau cả về đường nét và nghệ thuật tạo hình.
Chùa Bà Tấm có tên chữ “Linh Nhân Tư Phúc tự”, được Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng vào những năm 1110-1115 tại nơi bà sinh ra, xưa là làng Thổ Lỗi. Đến chùa Bà Tấm, chúng tôi chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật thời nhà Lý, trong đó có cặp sư tử đá tạo tác vô cùng tinh xảo và đầy sáng tạo. Ngày nay, trên 2 sư tử đá là một bàn thờ được xây bằng xi-măng có diện tích khá lớn, tạo tác vào các thời đại sau. Trên bàn thờ ngự bộ tượng Tam Thế Phật gồm 3 pho, cao 4m, cũng tạc bằng đá khối rất tinh xảo mang phong cách thời Lê.
Đôi sư tử kích thước rất lớn, tạo bằng đá liền khối cao 1,2m, rộng 1,36m trong tư thế phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại. Mỗi sư tử tọa lạc trên một bệ đá hình chữ nhật. Mặt sư tử được diễn tả bằng những nét chạm khắc rất tinh tế: mũi hở, hàm răng đều đặn, răng nanh to, nhọn và khỏe, nhất là chân mập. Răng sư tử nhe, để hở miệng ngậm ngọc. Quanh mép có hoa văn xoắn ốc nhỏ, trông không dữ tợn mà hiền lành. Đôi mắt to không trợn tròn, mà mở to, hình quả trám thuôn dài, lồi hẳn ra ngoài, ẩn dưới đôi lông mày rậm. Mũi tuy to, nhưng được điểm thêm những đường cong nhỏ chạy theo dạng bình độ, trông vừa nổi, vừa thanh tú, không thô. Mày của sư tử dô cao hình gợn sóng.
Bờm được cách điệu thành những đường xoắn ốc chạy từ đuôi mắt xuống trông mượt mà, nhẹ nhõm. Giữa trán là hình tòa sen nhiều tầng và trên đó là hình chữ Hán “Vương”, làm cho trán không trơ, lại vừa biểu thị được ý niệm của hình tượng. Quanh trán và cả trên đùi con vật, có điểm những bông hoa năm cánh nở xòe.
Chân sư tử có những móng cong sắc, quắp chặt, khiến cho người xem thấy rõ linh vật tiềm ẩn sức mạnh phi thường. Đùi sư tử mập mạp, lại có những đường cánh cung chạy vát lên trông vừa tròn rắn, lại vừa như những đường gân đang cuộn lên. Các móng càng tăng vẻ gân guốc với những đường răn lõm ở các đốt như đang bám chặt vào đó.
Người nghệ nhân xưa đã thể hiện tài nghệ điêu khắc khéo léo, sử dụng nhiều họa tiết đan móc, khi thì gợn nhỏ tựa lưng vào nhau thành đường viền quanh miệng, khi thì to sù lên ở vai, khi lại xếp thành những bông hoa hé nở ở móng và chân, khiến cho người xem có ấn tượng vật đang sống và thở nhịp nhàng.
Chùa Hương Lãng còn có tên là chùa Lạng (tên chữ Viên Giác tự), tương truyền cũng được vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan cho xây dựng cùng thời với chùa Bà Tấm. Toàn bộ những công trình kiến trúc cổ đã không còn bởi bị giặc Pháp phá sạch vào những năm giữa thế kỷ XX. Ngôi chùa hiện tại được phục dựng trong thời gian gần đây. Tuy vậy, chùa ngày nay cũng còn lưu giữ được một số di vật thời Lý, trong đó có 2 sư tử đá vốn xưa kia tọa lạc ở chính giữa thượng điện chùa cổ xưa. Mình sư tử đội một tòa sen lớn gồm hai tầng cánh, dày tới 0,3m, đường kính có thể rộng tới 2m. Tòa sen này bị vỡ, chỉ còn lại một mảnh lớn trên mình sư tử.
Chỉ tính bệ, sư tử và tòa sen đã cao tới 2m (chưa kể tượng trên tòa sen), chiều dài của tác phẩm tới 2,3m. Sư tử tọa lạc trên bệ đá hình chữ nhật dài tới 5,15m, rộng 4m, cao 0,75m, gồm nhiều phiến hình hộp chữ nhật ghép lại với nhau bằng mộng cá con chì. Bệ gồm 4 bậc nhỏ dần từ dưới lên trên, mỗi bậc thu vào 0,3m, cao 0,13m. Mặt trên cùng của bệ dài tới 3m, rộng 2,86m để đặt sư tử.
Sư tử đá ở chùa Bà Tấm
Sư tử và bệ gồm nhiều phiến đá ghép lại, nhưng những phiến ở hai bên sườn đã mất, để lại những lỗ cá chì và những vết trổ sâu ở hai bên sườn của phiến giữa còn lại tạc đầu và đuôi con vật. Cũng như sư tử chùa Bà Tấm, linh vật ở đây nằm trong tư thế phủ phục trên bệ đá, đầu có đường nét chạm khắc giống hệt nhau và đều có Hán tự “Vương” ở trên trán. Song ở chùa Bà Tấm, con vật chỉ được diễn tả phần đầu, còn ở chùa Lạng, nghệ nhân đã diễn tả phần đầu và cả phần sau con vật. Hai chân trước chống vát hình chữ V, các móng nhọn sắc tì chặt vào 2 vật cầu như đang chống đỡ sức nặng từ trên dồn xuống. Hai chân sau co gập, như đang giữ cho toàn thân được thăng bằng. Với lối chạm nổi thành thạo, nét chạm dứt khoát, con vật trông như được đắp lên từng khối chứ không phải đục sâu xuống. Mông sư tử to như chiếc lồng bàn lớn, trên đó được tạc thành một mảng phù điêu khá tinh tế.
Chiếc đuôi của “Ông Sấm” cuộn bốc lên rồi xoắn ốc lại, bành nhạc và tua bay vắt ngang cùng với dải lá cúc xoắn xuýt nhau, không những làm cho phần sau không trống trải, mà còn diễn tả được sự chuyển động của con vật, cơ hồ như đang cựa mình tại chỗ, ống nhạc rung lên có tua lụa như đang chao động. Các chi tiết được diễn tả rất tinh tế và hiện thực từ miệng ống nhạc, đến từng sợi mỏng của đường nét như tua lụa đang đung đưa. Bàn tay của nghệ nhân xưa đã tạo tác hình tượng tuyệt mỹ, cái đẹp ở đây không chỉ ở trong bản phác thảo tài tình, mà còn ở trong hình khối vừa đồ sộ, vừa bề thế, thể hiện rõ tính dũng cảm và sức mạnh.
Những nét độc đáo của sư tử Đại Việt
Trước đây, nhiều lần đến những ngôi chùa cổ nổi tiếng cũng được khởi dựng từ thời nhà Lý như chùa Phật Tích (ở Tiên Du - Bắc Ninh) và chùa Thầy (Quốc Oai - Hà Nội), người viết cũng vô cùng thích thú trước hình ảnh sư tử mang phong cách độc đáo. Ở chùa Phật Tích, sư tử nằm trong 10 con thú đá dàn hàng ngang trước chính điện. Sư tử ở đây có mũi to, đôi mắt to lồi hẳn ra ngoài, đôi lông mày rậm uốn vòng cung, xung quanh mép trên và mép dưới là hàng hoa văn móc câu. Bờm không giống như bờm sư tử thật, mà được chạm cách điệu thành những đường xoắn ốc chạy từ đuôi mắt xuống đến lưng. Thân sư tử trong tư thế ngồi, mông có xoáy móc, đuôi ngược lên áp chặt vào lưng. Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy đầu sư tử ở đây có nhiều nét tương đồng với sư tử ở chùa Bà Tấm.
Ở chùa Thầy, ta được chiêm ngưỡng pho tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh bài trí phía trước mặt bệ đá tòa sen hình hộp. Đầu tượng đội mũ thất Phật, mặt hơi gầy nhưng rắn rỏi, ngoài thân phủ kín bằng lớp áo cà-sa màu vàng (vải thật). Toàn bộ tượng và bệ gỗ được đặt trên một bệ đá sư tử đội tòa sen được chế tác từ thời Lý. Bệ tạo tác từ chất liệu đá màu gan gà, cao 0,83m, chia làm nhiều tầng cấp. Phần đế là một hình bát giác cao 0,5m, với 4 cấp liên tiếp nhau. Trên đế là sư tử đội tòa sen. Sư tử trong tư thế phục chầu, miệng rộng, răng xếp hàng đều nhau, trên trán có u tròn nổi. Bộ râu sư tử gồm 3 chòm chải đều. Lưng phủ yếm, chân trước giẫm lên quả cầu. Điểm xuyết trên thân sư tử có những hoa nhiều cánh xoắn.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, tạo hình sư tử Đại Việt ở thời Lý không giống với những con sư tử trong mỹ thuật Thái Lan, Campuchia, Champa, Trung Hoa ở cách xử lý hình khối. Một điểm nhấn quan trọng của sư tử Đại Việt nói riêng và tất cả các linh vật quan trọng khác là miệng thường ngậm ngọc. Chính viên ngọc trong miệng sư tử tương phản với những chiếc răng nanh sắc nhọn, như muốn nhấn mạnh sức mạnh kia là để phụng sự cái Thiện, quy hướng Phật pháp.
Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm.
Hầu hết các tượng sư tử của Trung Quốc đều có một hàm răng với những chiếc răng nanh lởm chởm và nhọn sắc. Đặc trưng khái quát của tạo hình sư tử Việt là hàm răng có số lượng lớn. Răng nanh sư tử Việt thời Lý đa phần đã không những không nhọn sắc mà lại thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. Sư tử thời Lý-Trần không phô diễn sức mạnh hình thể. Mô-típ sư tử rướn người ra phía trước và lộ rõ một khối ức vạm vỡ đều bị triệt tiêu trong cách thức tạo hình sư tử thời Lý. Chúng ta hầu như không nhìn thấy ức ở các con sư tử ở chùa Bà Tấm hay Hương Lãng.
Sư tử trên bệ đất nung ở chùa Thầy
Tác giả bên sư tử đá chùa Bà Tấm
Tượng sư tử đá chùa Phật Tích tuy có thể nhìn thấy rất rõ ức và bắp chân nhưng cũng bị bỏ qua các đặc điểm giải phẫu. Bờm là một đặc điểm rất ấn tượng, tạo nên vẻ dũng mãnh cho các con sư tử đực. Nhưng hầu hết các con sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ, đôi lúc cũng được thấy dựng ngược lên như của rồng. Trên thân của sư tử Đại Việt luôn có hình hoa mai cách điệu. Lông mày, tai, viền mép đều xuất hiện những hoa văn uốn lượn, mềm mại, có thể nói đến độ tinh tế hiếm thấy.
Ông Trần Hậu Yên Thế nhận xét, một trong những dấu hiệu đầu tiên để nhận ra sư tử Đại Việt thời xưa là chữ “Vương” trên trán. Dấu hiệu vương giả này trong một số trường hợp lại được thêm một chiếc miện báu trước trán như trường hợp các sư tử đội tòa sen càng làm tăng thêm tướng sang quý, tôn kính của sư tử Việt. Chữ “Vương” trên trán không thấy xuất hiện trên các tượng sư tử đá trong không gian hoàng gia hay chùa miếu Trung Hoa.
No comments:
Post a Comment