Hợp tác liên kết sản xuất trứng cút xuất khẩu - Quán thời gian

Breaking

Tuesday, May 12, 2020

Hợp tác liên kết sản xuất trứng cút xuất khẩu

Tổ hợp tác chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã thành công với mô hình liên kết sản xuất trứng cút sạch xuất khẩu. Hiện, mỗi tháng Tổ hợp tác xuất khẩu 6 triệu quả trứng cút chất lượng cao sang Nhật Bản, tổng doanh thu 30 tỷ đồng/năm. 

                        - Chu Minh Khôi -
Đến Tiền Giang, chúng tôi được giới thiệu tham quan 2 cụm trang trại nuôi chim cút quy mô lớn của ông Trần Nguyễn Hồ tọa lạc tại huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo với tổng diện tích 30.000m2.
“Vua cút” miền Tây
Ông Nguyễn Hồ được mọi người dân trong vùng nể phục và phong cho biệt danh là “Vua cút” miền Tây. Mục sở thị các trang trại chim cút này, chúng tôi mới biết đây là một mô hình chuồng trại sáng tạo và độc quyền do chính ông Nguyễn Hồ tự nghiên cứu và thiết kế. 
nuoi-chim-cut-8094-1583926922.jpg
Ông Trần Nguyễn Hồ giới thiệu hệ thống chuồng nuôi chim cút tại trang trại
Toàn bộ hệ thống chuồng trại đều làm bằng sắt và được thiết kế giống như bậc tam cấp nhằm tiết kiệm diện tích. Mỗi chuồng có diện tích 1m2 có thể nuôi được 120 con chim cút. Hệ thống dẫn thức ăn và nước uống được thiết kế tự động giúp giảm thiểu lao động chân tay. 
Đặc biệt, đế chống chuồng được bắt vào vách thay vì chống xuống đất, thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại hằng ngày. Ngoài ra, chuồng nuôi có gắn hệ thống bóng đèn chiếu sáng tự động nhằm thúc đẩy khả năng sinh sản của chim cút. 
Hàng ngày, chim cút được cho ăn vào hai buổi sáng và chiều. Sau khi hệ thống dẫn nước uống và thức ăn được kiểm tra cẩn thận mới tiến hành làm vệ sinh chuồng trại. Phân chim cút được xử lý bằng cách rải xơ dừa và phủ lên một lớp men sinh học, để 2 ngày sẽ ủ thành thảm vi sinh vật, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa có thể tạo thành phân bón cho cây trồng. Chuồng trại được phun thuốc khử trùng định kỳ để khử mùi hôi và vi khuẩn.
Ông Nguyễn Hồ cho biết, kiểu chuồng này rất tiện ích, thông thoáng, gọn nhẹ, chiếm ít diện tích, các ngăn được thiết kế theo hình kim tự tháp, mặt chuồng cách xa mặt đất để tiện việc vệ sinh chuồng trại, giảm công chăm sóc bằng 1/10 so với kiểu chuồng cũ bằng gỗ. Nếu theo mô hình cũ, một người chỉ nuôi được 2.000 con chim cút, thì với mô hình mới có thể nuôi 20.000 con. 
Bên cạnh đó, hệ thống máng ăn được cải tiến tránh tình trạng rơi vãi lãng phí, hệ thống uống nước tự động và đặc biệt đáy chuồng luôn được vệ sinh để tránh ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. 
Hiện, trứng cút trong các trang trại của ông Nguyễn Hồ thu hoạch chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản. Để có hợp đồng cung ứng cho thị trường Nhật, trang trại phải trải qua nhiều năm thử thách kiểm định chất lượng do các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sang nghiên cứu, giám sát, kiểm tra. 
“Tiêu chuẩn phía Nhật Bản đặt ra rất nghiêm ngặt như trứng chim cút sau khi luộc xong lòng đỏ phải nằm giữa trứng và không có dư lượng kháng sinh, trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen... Mỗi lô hàng trước khi xuất đi, phía Nhật Bản đều cử người kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm”, ông Nguyễn Hồ nói. 
Hiện tại, 2 trang trại của gia đình ông Trần Nguyễn Hồ có quy mô nuôi 300.000 con chim cút sinh sản, cho doanh doanh thu 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hàng tỷ đồng. Trang trại có trên 30 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương trên 7 triệu đồng/người/tháng. 
Những thành tích, sáng tạo trong phát triển chăn nuôi chim cút không chỉ đem lại lợi nhuận cho gia đình ông Nguyễn Hồ, mà còn tạo động lực cho nhiều hộ dân địa phương cùng phát triển.
IMG-9670-JPG-5072-1583975486.jpg
Chim Cút được nuôi tại Tổ hợp tác Nguyễn Hồ.
Hiệu quả mô hình tổ hợp tác
Nhằm phát triển nghề nuôi chim cút, tháng 10/2014, UBND xã Long An đã thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi chim cút Nguyễn Hồ do ông Trần Nguyễn Hồ làm Tổ trưởng. Qua quá trình hoạt động cho thấy, đây là một mô hình liên kết làm ăn rất ổn định và hiệu quả, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con. 
Ông Nguyễn Hồ cho biết, từ khi có THT, bà con được tập huấn kỹ thuật nuôi chim cút, dùng thức ăn tự trộn theo công thức riêng, có sự giám sát chặt chẽ. Mọi thành viên chăn nuôi chim cút đều không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng và chất bảo quản. Thức ăn trộn cho ăn trong ngày, không để thừa sang ngày hôm sau. 
Theo ông Nguyễn Hồ, thức ăn cho vật nuôi rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của cả THT, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trứng. THT đã đầu tư 1 xe tải nhỏ chuyên thu gom trứng và 2 máy trộn thức ăn phục vụ các hộ nuôi, trứng sản xuất ra phải đảm bảo sạch. Hàng ngày, THT cho xe tải nhỏ gom trứng của các hội viên về phân loại rồi xuất cho nhà máy đóng hộp trứng cút của Nhật.
Ông Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Long Thạnh, xã Long An, một trong những thành viên thuộc THT nuôi chim cút Nguyễn Hồ cho  hay, trước đây gia đình làm rẫy trồng mía, trồng xoài, do đất xấu nên sản xuất trồng trọt không có hiệu quả. Được ông Nguyễn Hồ chỉ cho cách làm chuồng trại và hỗ trợ vốn đầu tư nuôi chim cút, ban đầu ông Tuấn nuôi 3.000 con, khi có trứng bán thì được trừ nợ dần. Đến nay, gia trại của ông Tuấn nuôi 30.000 con chim cút sinh sản, đạt doanh thu ngót 1,2 tỷ đồng và lợi nhuận 400 triệu đồng/năm. 
“Nhờ có THT đứng ra đảm bảo khâu đầu ra và đầu vào, chúng tôi nuôi chim cút không phải lo thị trường tiêu thụ. Cứ sáng sớm có xe của THT tới gom trứng, chiều là có tiền. Thức ăn cho chim cút cứ hết là gọi, THT có xe chở đến tận nhà, tiền mua thức ăn đến cuối tháng được trừ vào tiền bán trứng.  Ông Nguyễn Hồ không chỉ giúp tôi mà còn giúp rất nhiều người ở trong xã. Đến nay, họ đều tham gia THT, tạo thành chuỗi sản phẩm sạch”, ông Tuấn chia sẻ.
Đến nay, THT nuôi chim cút Nguyễn Hồ ở xã Long An có hơn 35 hộ dân tham gia nuôi chim cút với tổng diện tích đất chuồng trại  hơn 10ha, quy mô tổng đàn 600.000 con. Hiện, mỗi tháng toàn THT xuất khẩu 6 triệu quả trứng chim cút sang Nhật Bản và cung cấp 3 triệu quả cho thị trường trong nước, tổng doanh thu trứng chim cút đạt 30 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ thu được lợi nhuận bình quân 200 triệu đồng. 

No comments:

Post a Comment