Nông dân muốn rút khỏi mô hình góp đất trồng cao su - Quán thời gian

Breaking

Tuesday, May 12, 2020

Nông dân muốn rút khỏi mô hình góp đất trồng cao su

Từ năm 2008 đến nay đã có trên 30.000 ha đất canh tác của nông dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên được góp cùng với các công ty để trồng cây cao su.  Tuy nhiên, thu nhập từ góp đất trồng cao su được các doanh nghiệp (DN) chi trả quá thấp, bình quân mỗi hộ chỉ nhận được trên dưới 500.000 đồng/năm, nên rất nhiều nông dân muốn xin được trả lại đất để trồng sắn, ngô. 

                          - Chu Minh Khôi -
Việc phát triển cây cao su tại Tây Bắc thông qua mô hình người dân góp đất dựa trên nhiều kỳ vọng, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Liên kết giữa hộ - những người có đất sản xuất và lao động nhưng thiếu trình độ khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường – và công ty với các lợi thế về nguồn lực tài chính, tiếp cận thị trường, công nghệ và trình độ quản lý được cho là tối ưu.
“Vỡ mộng” thoát nghèo
Lợi ích kỳ vọng thu được từ mủ cao su thông qua xuất khẩu sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ vùng cao Tây Bắc, là một trong những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước. 
Từ năm 2008 đến nay, đã có trên 30.000 ha chủ yếu từ nguồn đất canh tác của hộ đồng bào dân tộc được góp cùng với các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để trồng cây cao su ở vùng Tây Bắc. Với bình quân mỗi hộ góp 1 ha, tổng số hộ tham gia mô hình là trên dưới 3 vạn hộ. Tuy nhiên, những năm qua, dư luận lên tiếng về việc nông dân góp đất trồng cây cao su đã không có thu nhập đảm bảo được cuộc sống, bởi phần lớn diện tích trồng cây cao su vẫn chưa cho thu hoạch mủ. Chính vì vậy, ngày 18/4/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có văn bản yêu cầu Tập đoàn Cao su phải đánh giá tổng thể hiệu quả của toàn bộ mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc, có báo cáo gửi Chính phủ. Thế nhưng đến nay, thời hạn đã hết, Tập đoàn Cao su vẫn chưa có báo cáo đánh giá trình lên Chính phủ. 
Cay-cao-su-2-2004-1581923949.jpg
Nhiều nông dân góp đất trồng cây cao su không có thu nhập đảm bảo được cuộc sống (Ảnh: Internet)
Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã tiến hành những khảo sát nghiên cứu về mô hình. Theo báo cáo đánh giá độc lập của Tổ chức Forest Trends, tổ chức này đã tiến hành khảo sát  nhanh tại 6 cộng đồng thôn bản trên địa bàn tỉnh Sơn La vào năm 2019. Khảo sát cho thấy, mô hình góp đất trồng cao su đã thay đổi quỹ đất canh tác hàng năm của hộ rất lớn. Cụ thể, trong 399 hộ phản hồi khảo sát, có 15% số hộ góp trên 80% diện tích đất canh tác của mình vào mô hình; 17% số hộ góp 60-80% diện tích đất canh tác, 44% góp 40-60% diện tích. 
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, lợi ích mà hộ thu được thực tế từ cao su đến nay thấp hơn nhiều so với các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn trồng trên cùng các diện tích trước khi góp với công ty để trồng cao su. Hiện, bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500.000 đồng/năm, chỉ bằng 2-3% so với thu nhập từ các loại cây trồng như ngô và sắn với diện tích tương đương. Có tới 9% số hộ được khảo sát cho rằng thu nhập giảm trên 80%; 38% giảm 40-80% so với trước khi góp đất với DN. 
Ông Lò Văn Hùng - một hộ dân góp đất trồng cao su ở Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: “Gia đình tôi góp đất trồng cây cao su đến nay đã gần 12 năm mà chưa được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ cây cao su. Hiện, hộ nào có nhiều cây cao su cho mủ thì được chia vài triệu đồng, hộ ít được vài trăm ngàn đồng, thậm chí có hộ chỉ nhận được… 5.000 đồng. Cây cao su không chịu được đất ở Sơn La, sương muối xuống là cây chết. Hiện tại, người dân chỉ mong muốn công ty trả lại đất để canh tác cây khác”. 
Đừng để nông dân gánh hết rủi ro
Ông Hồ Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty Cao su Sơn La cho hay, số hộ dân góp đất cho Công ty là 7.200 hộ với tổng diện tích  6.039 ha. Riêng về vấn đề an sinh xã hội, hiện Công ty tuyển 2.500 lao động là người dân tham gia góp đất trồng cao su, ký hợp đồng, đóng bảo hiểm thường xuyên. Tổng thu nhập bình quân khoảng 2,9 triệu đồng/người/tháng. 
Gs. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, mô hình nông dân góp đất vào DN là loại hợp đồng kinh tế, DN liên kết với nông dân cùng làm kinh tế, chứ không phải chỉ là an sinh xã hội. Vì vậy, DN cứ khoe chuyện bỏ ra bao nhiêu tiền để làm phúc lợi cho dân mà không quan tâm xem dân có thu nhập để sống hay không là không thỏa đáng. 
“Nguyên tắc các DN cần bảo đảm: người dân đi với DN thì phải được hưởng lợi ích cao hơn so với tự làm trước đây. Mọi rủi ro DN phải gánh chứ đừng bắt nông dân phải chịu rủi ro. Chúng ta làm điều tốt đẹp cho nông dân nói chung, với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đó mới là nguyên tắc tốt đẹp cho mối liên kết nông dân – DN. Chúng ta đã nghe nhiều ý kiến của người dân cho rằng họ được DN trả tiền quá thấp, họ yêu cầu phải trả lại đất để người dân trồng sắn, ngô. Trong khi đại diện các DN đều báo cáo là trồng cao su có lãi để khẳng định mô hình trông cao su vẫn thành công. Như Công ty Cao su Lai Châu lãi mỗi năm chỉ 5,3 -5,5 tỷ đồng, chia hết cho gần 5.000 hộ dân, thì bình quân mỗi hộ được trên dưới 1 triệu đồng/năm. Hỏi dân có sống được hay không?”, ông Võ nhấn mạnh. 
Gs.Ts Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận định, khu vực Tây Bắc hoàn toàn không phù hợp với trồng cây cao su: “Pháp ngày xưa chỉ trồng có mấy trăm nghìn ha cao su ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Từ năm 1958, chúng ta có mở rộng cao su ở tỉnh Quảng Bình và trồng thử cây cao su ở vùng Tây Bắc, nhưng không thành công nên không trồng ở đó nữa. Thời đó, Viện Nghiên cứu cao su đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, cây cao su chỉ có thể sinh trưởng tốt ở độ cao dưới 600 m, nhiệt độ từ 22 độ C trở lên thì cây cao su mới phát triển, nếu có gió cấp 8 trở lên thì cây cao su sẽ đổ. Khu vực các tỉnh Tây Bắc phần lớn đều có địa hình cao hơn 700 m, nền nhiệt độ cũng không phù hợp với cây cao su. Thông thường, trồng cây cao su 6-8 năm cho khai thác mủ. Nhưng ở Tây Bắc, trồng đến nay đã hơn 10 năm, mà nhiều cây đường kính quá bé vẫn chưa khai thác mủ được. Lãnh đạo các DN cao su vừa nói rằng cao su chỉ chậm lớn, chờ thêm vài năm nữa khi cây đủ lớn sẽ cho khai thác mủ. Nhưng vòng đời của cây cao su chỉ khoảng 30 năm, nếu gần 20 năm mới cho mủ, khi đó cây đã già thì năng suất và chất lượng cũng sẽ không đảm bảo. Cây cao su chỉ có thể cho năng suất chất lượng tốt trong 7-20 năm tuổi”. 

No comments:

Post a Comment