Đến huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi ghé thăm HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng ở xã Bình Ninh chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình. Cây lục bình trước đây chỉ dùng làm thức ăn nuôi lợn, nhưng nay đã trở thành cây giúp các hộ dân nghèo ở Tam Bình thoát nghèo.
- Chu Minh Khôi -
Bà Phạm Thị Tơ, Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng kể, xã Bình Ninh có tới hơn 30% số hộ không có đất nông nghiệp để canh tác, hoặc có đất nhưng phải cầm cố. Những năm trước đây, bà Tơ cũng như đông đảo phụ nữ trong xã Bình Ninh không có việc làm, thuộc diện hộ nghèo.
Tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nông thôn
Từ năm 2009, bà Tơ được Hội phụ nữ huyện cho học lớp dạy nghề đan lục bình phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Hòa Phú mở, sau đó được doanh nghiệp này giao hàng gia công tại nhà.
Bà Phạm Thị Tơ (mặc áo kẻ vàng sọc ngang) giới thiệu về sản phẩm đan lục bình
|
Thấy hàng thủ công mỹ nghệ dễ làm, nên bà Tơ vận động mọi người thành lập tổ hợp tác, ban đầu có 15 người, đều là các hộ nghèo, cùng nhau sản xuất các sản phẩm từ lục bình, sau đó tất cả đều thoát nghèo. Nhờ ăn nên làm ra, đến năm 2014, bà Tơ tập hợp được 60 người cùng thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng. Chồng bà Tơ đảm nhiệm vị trí thủ kho chuyên nhập và cấp phát nguyên liệu và thu nhận sản phẩm.
Nhờ tạo được công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, nên HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng được Huyện hội Phụ nữ huyện Tam Bình phối hợp thực hiện dạy nghề theo đề án 1956. Toàn bộ học phí dạy nghề cho phụ nữ được Nhà nước hỗ trợ chi trả, Huyện hội Phụ nữ thanh toán chuyển cho HTX. Trong 6 năm qua, HTX đã tổ chức đào tạo được 40 lớp học nghề đan lục bình, với khoảng 1.300 học viên đã được thuần thục tay nghề. Trong đó, hiện nay có 1.029 người được sử dụng làm lao động làm gia công cho HTX. Các lao động này nhận nguyên liệu lục bình từ HTX, đem về nhà đan lát sản xuất, rồi đem sản phẩm đến nộp lại cho HTX. HTX trả công theo sản phẩm.
Chị Huỳnh Thị Kim Hơn (ấp 1, xã Hòa Thạnh) là một thợ giỏi với kinh nghiệm nhiều năm. Chị Hơn cho hay, trước đây gia đình chị là hộ nghèo, sinh kế chỉ trông chờ vào hơn 1 công lúa không đủ lương thực để ăn, thức ăn thì chỉ là rau tự trồng trong vườn nhà sinh sống qua ngày, ngoài ra không có thu nhập nào khác. Từ khi đến HTX học nghề đan lục bình, nay mỗi ngày chị đạt thu nhập từ 150-250 nghìn đồng, cuộc sống gia đình nhờ thế cũng khá hơn.
Nghề phụ có thu nhập cao hơn... nghề chính
Chị Nguyễn Thị Như Thủy (ấp An Hòa B, Bình Ninh) chia sẻ: “Tôi trước đây đi làm mướn nhưng bây giờ không ai mướn nữa, lúa cũng gặt xong rồi nên tôi đi học đan để kiếm thêm tiền cho con đi học. Giờ tôi làm gia công đan lát loại sản phẩm hộp vuông từ lục bình cho HTX, thời gian để hoàn thành sản phẩm này khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, được trả công 35 ngàn đồng/sản phẩm”. Trung bình, một tháng chị Thủy kiếm được 4,5 triệu đồng.
Chỉ vào một loại sản phẩm có hình chai rượu rất lớn, bà Phạm Thị Tơ cho hay, mỗi người mỗi ngày đan được 7 chiếc. Mỗi chiếc được Công ty Hòa Phú thu mua với giá 70 nghìn đồng, trừ chi phí nguyên liệu lục bình khô 24.000 đồng, còn lại tiền công 46.000 đồng. Theo bà Tơ, nghề đan lục bình khá đơn giản, chỉ cần người đan chịu khó là có thể hoàn thành sản phẩm như: thùng vuông, thảm, nón, thuyền, nón, rổ, giỏ xách, túi xách, cặp bình lục bình. Cho đến nay, có hai hình thức đan sản phẩm lục bình là đan thảm và đan khung, kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản với các kiểu đan hạt gạo (còn gọi là đan mắt na), kiểu đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối (còn gọi là đan nhện). Để làm được sản phẩm thì người lao động phải trải qua 4 công đoạn chính: dán keo; cắt dây thả xương; đan; quấn miệng. Người thợ làm theo khung sắt có sẵn nên rất dễ dàng tạo ra các sản phẩm đồng đều và chuyên nghiệp. Một số chị em có thể sáng tạo ra các vật dụng khác nếu phù hợp và được khách hàng đặt hàng thì sẽ được sản xuất đại trà.
Sản phẩm đan lục bình tại HTX Quyết Thắng
|
Cây lục bình (còn gọi là cây bèo) thường trôi trên các dòng sông, rồi tấp vào các dải đất ven sông hoặc quanh các cù lao. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình. Trước đây, nguyên liệu lục bình chủ yếu khai thác tự nhiên trên song, nhưng nay do nhu cầu sản xuất lớn, nguồn nguyên liệu trong tự nhiên ngày càng ít đi, không đủ.
Để đảm bảo nguyên liệu lục bình cho sản xuất, hiện nay, nhiều hộ dân ở huyện Tam Bình đã đầu tư vào trồng lục bình để cung cấp cho HTX.
Sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng khá đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon… Toàn bộ sản phẩm của HTX sản xuất ra được Công ty Hòa Phú thu mua, xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức, hoặc xuất sang Đài Loan (Trung Quốc). Hiện, bình quân mỗi lao động tại HTX Quyết Thắng có thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này tuy nhỏ nhưng đã giúp hàng nghìn lao động có được cuộc sống ổn định, góp phần rất đáng kể cho công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Điều đáng trân trọng là trong số các thành viên của HTX đã có trên 100 hộ dân là người Khơ Me (đa số là người dân xã Loan Mỹ).
Xưa kia, Bình Ninh là một xã nghèo và buồn. Giờ đây, nghề đan lục bình đã mang đến cho cuộc sống nơi đây những màu sắc mới. Cây lục bình đã được đặt tên là cây xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, cho thu nhập cao hơn thu nhập chính là nghề nông. Hướng đi đúng đã tạo động lực lớn cho phong trào phát triển kinh tế tập thể trong giới nữ ở các địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho phụ nữ và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.
No comments:
Post a Comment