Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đợt I - năm 2020. Đợt này có thêm 17 sản phẩm của các địa phương được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó nhiều HTX có sản phẩm được xếp hạng như: HTX ong mật Hưởng Hoa; HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng; HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Công; HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn…
- Chu Minh Khôi -
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, xếp hạng OCOP lần này có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao là: Ống hút tre của Công ty TNHH ViBaBo (Thường Xuân). Cùng với đó là 16 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao của 2 doanh nghiệp, 5 HTX và 3 hộ gia đình.
Nổi trội khu vực kinh tế hợp tác
Đó là: Thảm cói trải sàn, Chiếu cói dệt tay thủ công của Công ty TNHH Ngân Khương (Nga Sơn); Dưa kim hoàng hậu Thiên Trường 36 của Công ty TNHH MTV DVNN CNC Thiên Trường 36 (Đông Sơn); Chè Lam Phủ Quảng của Cơ sở sản xuất Lâm Thu (Vĩnh Lộc); Lá Xông hơi cảm lạnh, Ngâm chân Mộc Việt của Hộ sản xuất Nguyễn Thị Lan Anh (Quảng Xương); Dầu lạc Linh Phượng của Hộ sản xuất Nguyễn Thị Thùy Linh (Hà Trung). Khối HTX có các sản phẩm: Mật Ong Hưởng Hoa của HTX ong mật Hưởng Hoa (Thạch Thành); Nấm bào ngư xám, Nấm mộc nhĩ khô, Nấm linh chi đỏ của HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh); Cam đường canh Như Xuân, Cam Xã Đoài Như Xuân của HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Công (Như Xuân); Mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất, Chè sạch Bình Sơn của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn); Gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại trang của HTX DVNN Hà Long (Hà Trung).
Đợt I - năm 2020 có thêm 17 sản phẩm của các địa phương được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó nhiều HTX (Ảnh TL)
|
Với lợi thế có hơn 10.000 ha nhãn, thuận lợi cho ngành nuôi ong mật phát triển, vì thế huyện Thạch Thành hiện có tới 67% phụ nữ tham gia nghề nuôi ong lấy mật. Năm 2018, các hộ nuôi ong lấy mật là hội viên, phụ nữ xã Thành Hưng đã thành lập HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa.
Để cho ra nguồn mật ong thiên nhiên đạt chất lượng cao nhất, các thành viên đã đầu tư máy móc, xử lý qua các công đoạn: lọc thô, hạ thủy phần, xử lý nấm mốc, a xít trong mật và lọc siêu mịn. Xuất phát từ tác dụng của mật ong nhằm tăng cường sinh lực, bồi bổ sức khoẻ, chữa viêm loét dạ dày, đại tràng, ho khan, viêm họng, các thành viên HTX đã nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm sữa chua mật ong, sữa chua mật ong curcumin (tinh chất bột nghệ) có lợi sức khoẻ. Hiện, sản phẩm của các thành viên sản xuất ra được HTX tiêu thụ và đã ký kết với Siêu thị Coopmart Thanh Hóa để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, với sản lượng hơn 60 tấn mật ong/năm.
HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng ở huyện Như Thanh mới ra đời từ năm 2016, đầu tư vào trồng nấm, đang tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Ông Lê Đình Trúc – Giám đốc HTX Trúc Phượng cho biết, trong quá trình cung cấp nấm cho thị trường, do thấy nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn hơn, HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, thuê thêm đất khoảng 5.000m2 tăng diện tích nhà trồng nấm, mua thêm máy móc công nghệ hiện đại sản xuất nấm ăn tự động, bao gồm hệ thống đóng bao, phun tưới, máy hấp giống. Đến nay, HTX đã đầu tư trên 5 tỷ đồng cho thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Nấm Trúc Phượng được cung cấp cho hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại Hà Nội, HTX còn đặt văn phòng đại diện để giao dịch ở Thịnh Liệt (Hà Nội). Từ mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, Trúc Phượng còn chuyển giao mô hình cho các HTX khác trong tỉnh, liên kết các hộ trong xã nuôi trồng nấm, đồng thời giúp nhận bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, HTX Trúc Phượng cung cấp cho thị trường khoảng 45 tấn sản phẩm cho doanh thu 3,2 tỷ đồng.
"Sao" chắp cánh vươn cao tỏa sáng
Xã Bình Sơn ở huyện Triệu Sơn có 357 ha chè, với hơn 400 hộ trồng chè, chế biến và dựa vào chè để sống. Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn cho hay, trước đây người dân địa phương vẫn theo nếp sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa, mỗi tháng nhà nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 10 – 20 kg chè khô, thu nhập không cao. Do đó, sản phẩm chè Bình Sơn tuy chất lượng không thua kém các sản phẩm chè Thái Nguyên nhưng không tạo được sự bứt phá, ghi dấu ấn trên thị trường.
Từ giữa năm 2016, HTX chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012; đồng thời chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của địa phương. Hiện nay, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đang triển khai dự án trồng, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ... và thúc đẩy các hộ trồng chè trong vùng tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng để từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
Năm 2019, sản phẩm chè khô Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Theo ông Bùi Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, từ khi có HTX, người dân ở vùng chè Bình Sơn đã không ngừng nâng cao thu nhập, cuộc sống ổn định. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ cây chè, thu nhập bình quân của người dân toàn xã đã đạt mức 44 triệu đồng/năm.
Ông Lê Minh Công – Giám đốc HTX nông nghiệp xã Hà Long cho hay, với người dân xã Hà Long, huyện Hà Trung, cấy lúa nếp cái hoa vàng không chỉ là một nghề mà còn là nét văn hóa được gìn giữ. Hạt gạo nếp cái hoa vàng "Gia Miêu ngoại trang" tròn đầy như con ong, hương thơm dịu, nhấm thử thấy vị ngọt nhẹ man mát như sữa non lan tỏa nơi đầu lưỡi. Để người dân trồng lúa nếp cái hoa vàng yên tâm về đầu ra của sản phẩm ổn định, HTX nông nghiệp xã Hà Long đã đứng ra thu mua chế biến đóng gói thành gạo nếp cái hoa vàng đưa đi tiêu thụ.
Nông dân trồng lúa nếp cái hoa vàng theo đặt hàng của HTX Hà Long luôn đạt lợi nhuận kinh tế cao gấp 3 lần lúa tẻ. Tháng 11/2019, gạo nếp cái hoa vàng "Gia Miêu ngoại trang” đã được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản Thanh Hóa chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài thị trường Thanh Hóa, Nghệ An, HTX còn xuất hàng bán cho thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Công ở huyện Như Xuân đang dẫn dắt nhiều hộ nông dân trồng cam đường. Đến nay, 100% các hộ trồng cam trong HTX đã ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản an toàn; nhiều hộ đã đăng ký để xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngày 29/5/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1998/QĐ-UBND về việc chấp thuận cho cho phép sử dụng địa danh "Như Xuân" để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Cam Như Xuân". Năm 2020, sản phẩm cam của HTX Thành Công đã được tỉnh chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Đây sẽ là cơ hội cho sản phẩm cam của HTX Thành Công vươn xa, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Thu hoạch cam canh ở huyện Như Xuân. (Ảnh CK)
|
Được biết, các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận; được sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm. Các HTX, doanh nghiệp và cơ sở có sản phẩm chứng nhận sẽ được hỗ trợ phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 24 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
No comments:
Post a Comment