Theo Ts. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách (VEPR): Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota, hay việc mở tờ khai hải quan chớp nhoáng vào lúc này. Tất cả những điều đó sẽ chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước như Hải quan, VFA, VinaFood… đồng thời gây thiệt hại và phân hoá các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
- Chu Minh Khôi thực hiện -
Chính phủ hạn chế lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020 chỉ ở mức 400 nghìn tấn, và dư luận đang phản ứng việc mở tờ khai xuất khẩu gạo của Hải quan. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
-Từ nửa cuối tháng 3/2020 đến nay, trong khi Việt Nam đóng cửa xuất khẩu gạo, thì Thái Lan “tung hoành” giữa thị trường thế giới như Triệu Tử Long cưỡi ngựa trắng trong trận Trường Bản. Thời điểm này, Thái Lan không có bất cứ một động thái nào cấm hay ngừng xuất khẩu, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan đã và đang tranh thủ thời cơ “một mình một chợ” để tăng lượng xuất khẩu với giá cao. Hiện, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 555-580 USD/tấn, mức cao nhất trong 7 năm qua.
Nhớ lại vào năm 2008, giá gạo thế giới cũng tăng cao chóng mặt từ đầu năm, và đến khoảng tháng 4 và tháng 5 thì giá tăng dữ dội (theo thống kê của GSO, chỉ trong 1 tháng, giá gạo trong nước đã tăng thêm 36%). Thời điểm ấy, phản ứng của Việt Nam là vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước trước “nỗi lo” an ninh lương thực. Sau đó, cơn sốt gạo qua đi, đến nửa cuối năm 2008, giá gạo trên thế giới bỗng dưng lao dốc xuống chỉ còn 350 USD/tấn và Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại. Hậu quả là hàng triệu tấn gạo bị tồn kho do lệnh ngừng xuất khẩu trước đó đã dồn sức ép lên tiêu thụ trong nửa cuối năm, khiến xuất khẩu gạo Việt Nam lao đao. Khi ấy, giới kinh doanh đánh giá Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt.
Ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng, nên việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn các nhà xuất khẩu.
Nhưng nếu để tự do xuất khẩu gạo vào thời điểm này, trong khi người dân trong nước lo ngại vấn đề dịch Covid-19 và sẽ tăng mua gạo, dẫn đến lạm phát tăng cao cũng sẽ là mối lo, thưa ông?
-Việc tăng giá gạo nội địa cơ bản là lợi nhiều hơn hại, vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng lên, nhưng gạo chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ chi tiêu của người tiêu dùng. Năm nay, nếu giả sử giá gạo tăng 30% liên tục trong nửa năm, thì đóng góp của nó vào mức tăng CPI có lẽ chỉ khoảng 1,5%, hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tương đối tốt trong những năm qua (chủ yếu do chính sách tiền tệ chặt chẽ).
Theo tôi, Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota, hay việc mở tờ khai chớp nhoáng vào lúc này. Tất cả những điều đó sẽ chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước như Hải quan, VFA, VinaFood…, đồng thời gây thiệt hại và phân hoá các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến thị trường bị đẩy lùi hàng chục năm. Người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang hy vọng được mùa kèm với giá cao, giờ méo mặt oằn lưng làm cái khiên che đỡ nhiệm vụ "an ninh lương thực" cho đồng bào cả nước được yên tâm mua gạo rẻ. Người nông dân đã vốn nghèo khó, nai lưng làm ra hạt lúa, giờ phải bán với giá rẻ, họ thật khổ. Việc điều tiết xuất khẩu gạo nên chờ đến mùa sau, khi thấy việc cung ứng gạo trong nước có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng, đặc biệt với tình hình sản lượng giảm do điều kiện thời tiết (nhưng sản lượng này vẫn sẽ luôn luôn lớn hơn tổng lượng tiêu thụ nội địa), thì lúc đó, mới cần cân nhắc điều tiết xuất khẩu.
Vậy theo ông, chính sách điều hành, điều tiết xuất khẩu gạo thời điểm này nên như thế nào?
-Theo tôi, chính sách lúc này nên là đánh “thuế xuất khẩu” gạo. Mức thuế này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa gạo trong nước (phục vụ nhân dân và kho dự trữ quốc gia) và giá gạo thế giới (phục vụ doanh nghiệp và nhà nước có nguồn thu). Ví dụ, nếu đánh thuế xuất khẩu gạo là 30% giá bán khi giá thế giới là 800 USD/tấn thì giá trong nước sẽ chỉ là 560 USD. Như vậy, người dân vẫn được hưởng giá gạo tương đối thấp so với giá thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không có động lực xuất khẩu ồ ạt vì họ xuất khẩu được thì cũng chỉ thu được 560 USD/tấn, không khác gì bán trong nước. Đồng thời, Nhà nước thu được thuế là 240 USD/tấn, số tiền này sẽ vào thẳng ngân sách.
Lợi ích lớn nhất của chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo là doanh nghiệp xuất khẩu có thể tính toán được bài toán của họ một cách chủ động (khi đã biết thuế suất). Họ biết rõ khi giá gạo thế giới tăng, ví dụ từ 700 lên 800 rồi lên 1.000 hay thậm chí 1.500 USD/tấn, thì họ đều có quyền xuất bất cứ lúc nào, với khối lượng tùy ý, đồng thời họ biết rõ giá bán thu được là bao nhiêu (bằng 70% giá thế giới - vẫn ví dụ thuế suất cố định là 30%). Họ sẽ tính toán, tích trữ chờ đợi hay bán ngay… và không bị lỡ nhịp các cơ hội trên thế giới, không quá thua thiệt với các đối thủ như Thái Lan. Tất nhiên, họ thu được ít tiền hơn các doanh nghiệp Thái Lan (nếu bên đó không bị đánh thuế xuất khẩu), nên họ không có động lực điên cuồng bán gạo đi. Như thế, vẫn có thể làm yên lòng nhà chức trách Việt Nam đang lo giá gạo trong nước tăng và nguồn cung bị thiếu. Như vậy, thị trường lúa gạo Việt Nam sẽ vẫn vận hành dưới sự hoạt động của doanh nghiệp và nông dân. Chứ lý do cho rằng Chính phủ cấm xuất khẩu gạo để đợi gạo lên mới cho doanh nghiệp xuất khẩu để kiếm lời, thì là một lý do hết sức vô lý vì đó không phải là trách nhiệm cũng như chức năng của Chính phủ... Thêm nữa, điều đó khiến doanh nghiệp và nông dân hoàn toàn bị động, không phát huy được trí tuệ và tính chủ động của họ. Tức là kéo lùi sự phát triển của thị trường.
Với cách điều hành thị trường bằng “thuế xuất khẩu”, sẽ không bao giờ lo thiếu gạo trong nước vì khi người dân có nhu cầu gạo tăng lên một chút, giá trong nước sẽ tăng và doanh nghiệp sẽ có động lực bán trong nước thay vì xuất khẩu. Tất nhiên, chính sách này chỉ áp dụng như một tình huống đặc biệt, khi Chính phủ không tự tin với an ninh lương thực trong nước, mà cầu gạo thế giới thì tăng ầm ầm.
Có ý kiến cho rằng “thuế” thì phải do Quốc hội thông qua, Chính phủ không có thẩm quyền áp dụng tùy ý. Nhưng, chúng ta cần coi đây là một tình huống đặc biệt và nếu không có khả năng pháp lý để thực hiện, thì Chính phủ có thể áp dụng tạm thời một loại “phí” nhưng có chức năng giống hệt như “thuế”. Như thế vẫn bảo đảm đạt mục tiêu chính sách.
No comments:
Post a Comment