Nghịch lý lợn ngon giá 70.000, lợn kém chất hơn xuất bán 80.000 đồng/kg - Quán thời gian

Breaking

Tuesday, May 12, 2020

Nghịch lý lợn ngon giá 70.000, lợn kém chất hơn xuất bán 80.000 đồng/kg

Trên thị trường đầu ra ngành chăn nuôi lợn từ đầu tháng 4 đến nay đang tồn tại nghịch lý: trong khi giá lợn hơi “chất lượng cao” được các doanh nghiệp lớn xuất bán tại cửa chuồng 70.000 đồng/kg, thì lợn chất lượng kém hơn được trang trại và nông dân trên khắp cả nước vẫn xuất bán 80.000 đồng/kg. Điều đáng nói, lợn “ngon” hay kém chất hơn xuất bán bao nhiêu cũng được thương lái “vơ tất”.

                               - Chu Minh Khôi - 
Ông Nguyễn Khắc Hiệp, chủ một lò mổ lợn ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội cho biết, thời điểm này, ông không thể mua được lợn hơi với giá 70.000 đồng/kg. Mặc dù các công ty chăn nuôi lớn, đặc biệt là Công ty C.P hiện đang thông báo xuất chuồng với giá đó, nhưng ông đặt hàng bị từ chối. Nguyên nhân là bởi ông không ký hợp đồng với C.P mà chỉ thuộc vào nhóm khách hàng “vãng lai” của công ty này.
Trang trại vẫn xuất bán lợn giá cao
Lý giải việc không ký hợp đồng, ông Hiệp cho hay, lợn của các công ty lớn, đặc biệt lợn C.P là loại lợn “chất lượng cao”, luôn có chứng nhận an toàn dịch bệnh, lợn mổ ra đạt tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt rất ngon. Tuy nhiên, thông thường giá bán của C.P luôn cao hơn giá thị trường từ 500 – 1000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá bán cao hơn 1.500 đồng/kg. Lợn của các trang trại và nông dân bán ra, chất lượng luôn thấp hơn lợn của C.P, bởi chất lượng con giống không đảm bảo, chăn nuôi không tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, tỷ lệ thịt xẻ thấp.
gia-lon-1112-1586149033.jpg
Giá lợn "ngon" thấp hơn lợn kém chất hơn khoảng 10.000 đồng/kg.
Đã 30 năm làm nghề kinh doanh thịt lợn, mỗi ngày thu mua và mổ bán 30 con lợn, ông Hiệp vẫn giữ thói quen thấy chỗ nào được giá thì mua. Vì vậy, những khi C.P hạ giá thì ông mua của công ty này, những thời điểm tìm được nguồn lợn rẻ hơn từ các trang trại của nông dân ở các tỉnh miền Bắc thì ông không mua của C.P nữa.
“Thời điểm này, thị trường đang có sự “bất thường”. Đó là: lợn “chất lượng cao” được các công ty xuất bán với giá chỉ 70.000 đồng/kg, trong khi lợn “phẩm cấp thấp” của các trang trại, nông dân vẫn xuất bán 80.000 đồng/kg. Dù thương thuyết thế nào, nông dân cũng không chịu hạ giá bán. Tôi quay về đặt hàng của C.P, nhưng bị từ chối với lý do số lượng xuất chuồng của Công ty có hạn, chỉ ưu tiên xuất bán cho những đại lý ký hợp đồng cả năm”, ông Hiệp cho hay.
Theo ông Hiệp, lợn hơi mua từ các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… 80.000 đồng/kg, trên đường vận chuyển về Hà Nội bị hao hụt 5% trước khi đưa vào lò mổ (do thức ăn tiêu hóa; phân, nước tiểu bài tiết), cộng với chi phí xe ô tô, nên giá thành lợn hơi về đến lò mổ lên tới 90.000 đồng/kg. Sau khi mổ, bỏ lông, tiết, lòng ruột; trọng lượng móc hàm còn 72-75%. Thịt xẻ, tách các phần xương ống, thủ… (giá bán rất thấp), tỷ lệ thịt thực bán được chỉ đạt 55%. Như vậy, giá thịt bán buôn cho “hàng giát” khoảng 130.000 đồng/kg, thịt lợn bán tại chợ từ 140.000-160.000 đồng (tùy loại) là phù hợp.
Những doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất cả nước như Công ty C.P  Việt Nam, Công ty CJ Vina, Công ty Dabaco, Công ty Japfa Comfeed, Công ty Emivest…  đều đã đồng loạt giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4/2020 theo đề nghị của Bộ NN&PTNT. Thế nhưng, dường như sự “đồng lòng” của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn chưa đủ sức kéo giá thị trường xuống.
Trong tuần đầu của tháng 4/2020, giá lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại trên cả nước (các trang trại không thuộc các doanh nghiệp nêu trên) vẫn neo ở mức cao, từ 75.00-85.000 đồng/kg. Theo hệ thống thông tin giá thị trường nông sản của Bộ NN&PTNT, giá lợn hơi ngày 6/4 ở Lào Cai, Hưng Yên vẫn cao nhất toàn miền Bắc, ở mức 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội dao động trong khoảng 78.000-79.000 đồng/kg. Khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, giá lợn được thương lái thu mua từ 76.000-79.000 đồng/kg.
Thịt lợn nhập khẩu không đủ sức kéo giá xuống?
Nhằm kiềm chế giá thịt lợn, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đang thực hiện “hai mũi giáp công”. Một là, yêu cầu các doanh nghiệp chủ lực của ngành chăn nuôi phải hạ giá bán thịt lợn hơi. Hai là, thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn.
Theo số liệu từ thống kê, trong gần 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 26,5 nghìn tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn nhập khẩu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Mỹ 5,53%...
Đáng chú ý, mới đây khoảng 1.500 tấn thịt lợn của Tập đoàn Miratorg (Nga) đã cập cảng Cát Lái, Phước Long (TP.HCM) và cảng Hải Phòng của Việt Nam, đã và đang được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với lô hàng vừa cập cảng này, gần 2.000 tấn thịt lợn của Tập đoàn Miratorg cũng đã chuyển xuống tàu để nhập về Việt Nam. Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn các thị trường: Đức, Mỹ, Brazil.
Việc lượng thịt lợn nhập khẩu tăng gấp đôi và sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng cung, góp phần kéo giá thịt lợn trong nước xuống. Tuy nhiên, hiện nay, điều mà nhiều người tiêu dùng đang quan tâm là giá thịt lợn nhập khẩu là bao nhiêu, có rẻ hơn giá thịt lợn nội địa hiện nay không?
Một công ty chuyên xuất buôn các mặt hàng thịt lợn nhập khẩu niêm yết giá thịt mông sấn ở mức 98.000 đồng/kg; sườn già 77.000 đồng/kg; sườn mềm 89.000 đồng/kg; thịt thăn lõi (lọc da, mỡ) giá 108.000 đồng/kg; thăn chuột giá 116.000 đồng/kg; bắp giò giá 69.000 đồng/kg; xương ống 47.000 đồng/kg...  Rõ ràng, với mức giá trên, thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ hơn giá thịt lợn ở chợ truyền thống khoảng 30.000-50.000 đồng/kg tuỳ loại.
Thế nhưng, thịt lợn nhập khẩu vẫn khó tiêu thụ, phần đông người tiêu dùng vẫn mua thịt lợn sản xuất trong nước với giá cao hơn nhiều. Nguyên nhân, bởi 100% thịt lợn nhập khẩu là thịt đông lạnh, trong khi thịt sản xuất trong nước bán ở các chợ hầu hết là thịt tươi sống, tại các siêu thị có sản phẩm thịt mát. Người tiêu dùng Việt vẫn giữ thói quen dùng “thịt nóng” được bày bán thoải mái ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh… chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ đã không thúc đẩy được sự đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn.
Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn bảo thủ trong thói quen ăn uống mà việc sử dụng “thịt nóng” là một ví dụ dù biết lợi bất cập hại… Loại “thịt nóng” này sau khi giết mổ, bảo quản, bày bán ở nhiệt độ ngoài trời sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do hoạt động của vi sinh vật nên khó kiểm soát về an toàn thực phẩm, dễ bị nhiễm khuẩn E Coli, Salmonella... Với thói quen tiêu dùng vẫn lạc hậu như hiện nay, việc thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn dường như vẫn chưa có tác động mạnh đến mục tiêu làm giảm giá thịt lợn trong nước.

No comments:

Post a Comment