Những báu vật nơi phế tích Chương Sơn - Quán thời gian

Breaking

Wednesday, May 13, 2020

Những báu vật nơi phế tích Chương Sơn

GN - Đến chùa Ngô Xá dưới chân núi Chương Sơn (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), tôi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng tác phẩm bệ và tượng Phật A Di Đà bằng đá - đây là pho tượng duy nhất thời Lý còn nguyên vẹn để đủ tư cách đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời kỳ này.

                - Bài, ảnh: Chu Minh Khôi - Bài đăng trên Báo Giác Ngộ ngày 6.7.2013 -

Núi Chương Sơn xưa kia có bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện danh tiếng, từng được nhắc đến rất nhiều lần trong các thư tịch cổ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược,Việt sử thông giám cương mục…  Ngày nay, công trình kỳ vĩ ấy chỉ còn dấu vết nền móng trên đỉnh núi, nhưng nhiều báu vật thời Lý đã được tìm thấy.
Năm 2012, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng cụm di tích Đình - chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích khảo cổ Bảo tháp Chương Sơn là di tích cấp quốc gia.
“Linh sơn” ở Nam Định
Bảo tháp Chương Sơn, còn có tên Vạn Phong Thành Thiện, là công trình kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, nổi tiếng trong lịch sử, được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Sách Đại việt sử ký toàn thư, ở phần Nhân Tông hoàng đế, Đinh Dậu, năm thứ 8 (1117) (Tống Chính Hòa năm thứ 7) có đoạn chép: “Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện”.
1chuminhkhoi.jpg
Bệ đá chạm rồng thời Lý - báu vật của phế tích Chương Sơn,
hiện đang được lưu giữ ở chùa Nề (Long Chương tự)

Sách Việt sử lược chép: “Năm Mậu Tý, hiệu Long Phù Nguyên Hòa năm thứ 8 (1108), mùa xuân, tháng Giêng, xây tháp Chương Sơn”. Căn cứ vào các thư tịch cổ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tháp Chương Sơn thuộc hành cung Ứng Phong xưa, nay thuộc huyện Ý Yên. Tra trong sử sách, thấy ít nhất 12 lần địa danh Chương Sơn được ghi chép trong Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Sách Việt sử thông giám cương mục ghi một loạt sự kiện xảy ra quanh núi Chương Sơn: vua ngự chơi Chương Sơn năm 1106; ba lần rồng vàng hiện lên ở đây vào những năm 1107, 1114, 1117. Dừng chân thưởng ngoạn, vua lại trên đường tới hành cung Ứng Phong (Ứng Phong là phủ Nghĩa Hưng thời Lê, tức là đất ba huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay) xem cày ruộng.
Chùa tháp Chương Sơn còn có tên khác là Bảo Đài Sơn. Lục tìm trong kho tàng thơ văn xưa còn thấy thơ phú của các bậc vua Trần, chúa Trịnh ghi ở Bảo Đài Sơn. Trần Nhân Tông (1279-1293) có thi phẩm truyền đời Đăng Bảo Đài Sơn (Lên núi Bảo Đài) mở đầu bằng câu thơ “Địa tịch Đài du cổ” (Đất vắng Đài thêm cổ).
Chữ “Đài” là nhà vua muốn chỉ ngọn tháp Bảo Đài - Chương Sơn bên chùa Đông Sơn mà “Tựa hiên ôm sáo ngọc” dưới ánh trăng trong lấp lánh đầy người. Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) lên núi Chương Sơn cũng cảm tác bài thơ “Bảo Đài Sơn”.
Chúng tôi đến xã Yên Lợi, huyện Ý Yên vào một ngày đầu tháng 4-2013 để chiêm bái phế tích Chương Sơn. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lợi cho biết, núi Chương Sơn cao 450m so với làng xóm phía dưới.
Tương truyền ngôi chùa xưa được xây dựng trên đỉnh núi vào thời nhà Lý rất quy mô, khoảng 100 gian. Thế nhưng, khi nhà Minh sang xâm lược vào thế kỷ XV, chúng đã phá tan quần thể chùa tháp. Đến năm 1670, có hai chị em gái Lương Thị Ngọc Phú và Lương Thị Ngọc Vinh cùng là quý phi của Tây Định vương Trịnh Tạc đã bỏ tiền ra xây chùa ở phía Tây sát dưới chân núi, đưa một số bảo vật còn sót lại của phế tích Chương Sơn xuống. Nay chùa thuộc thôn Ngô Xá, còn có tên chữ Phi Lai tự.
Những báu vật vô giá
Ông Nguyễn Văn Huynh, hộ tự chùa, dẫn tôi vào hậu cung phía sau tòa Tam bảo, tại đây tọa lạc một bảo vật thời Lý vô cùng quý giá: Tượng A Di Đà được tạc từ chất liệu đá xanh. Toàn bộ tác phẩm cao khoảng 1,8 m, bao gồm phần bệ cao 1,2 m và thân tượng cao 0,6 m. Bệ đá kết cấu 4 phần được khớp nối với nhau bằng mộng và ngõng. Trên cùng là tòa sen mãn khai tỏa tròn 2 lớp cánh chính, họa tiết trên mỗi cánh sen được chạm khắc vô cùng tinh xảo, với những đôi rồng chầu vào lá đề.
Đế sen đặt trên một thớt tròn tạc đôi rồng uốn lượn, đáy thớt tạc vòng cánh sen úp. Phía dưới thớt là bệ đá bát giác giật cấp 3 tầng, được trang trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn đuổi nhau trong dày đặc mây lửa. Dưới cùng đế bệ tạo tác hai tầng xung quanh chạm nổi hình hoa văn sóng nước lớp lớp chồng lên nhau.
Pho tượng A Di Đà với y phục áo pháp rộng rãi nhiều nếp phủ trùm lên lòng đùi giống như tượng A Di Đà thời Lý ở chùa Phật Tích. Đầu tượng kết tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ, tuổi thọ vô lượng. Đáng tiếc rằng, pho tượng A Di Đà đã được phủ thếp vàng vào năm 2012 nên giờ đây khó chiêm ngưỡng được sắc xưa của đá, chỉ còn chiêm ngưỡng sắc đá ở phần bệ. 
3chuminhkhoi.jpg
Bảo tượng A Di Đà và bệ tượng thời Lý bằng đá của
phế tích Chương Sơn, hiện được tôn trí tại chùa Ngô Xá

Ông Trần Văn Tân kể, do đầu tượng được khớp nối với thân bởi mộng và ngõng, có thể tháo rời, nên đầu tượng đã từng bị kẻ gian lấy cắp vào năm 2002. Lúc đó, các cơ quan chức năng đã truy lùng khắp nước, kiểm soát chặt các cửa khẩu. Có lẽ kẻ gian không tiêu thụ được, nên gần một năm sau người ta phát hiện thấy đầu tượng này lăn lóc tại nghĩa địa xã, được bọc trong tấm vải đỏ.
Tượng Phật có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là 7 pho tượng đá đã xác định được niên đại thời Lý. Đó là 5 tượng A Di Đà trong các ngôi chùa: chùa Một Mái (trên núi Sài Sơn, còn gọi là núi Chùa Thầy); chùa Huỳnh Cung; chùa La Khê (Hà Nội); chùa Ngô Xá (Nam Định), chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và 2 pho Kim Cương - một  ở chùa Phật Tích (hiện bảo tồn ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và một ở chùa Long Đọi (Hà Nam). Theo các nhà khảo cổ học, chỉ có pho tượng của chùa Ngô Xá đủ tư cách đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời Lý, vì duy nhất tượng này còn nguyên vẹn, chưa có một vết nứt vỡ nào. Các pho tượng Phật khác thời Lý đều không còn nguyên vẹn. Pho tượng tại chùa Phật Tích cũng chỉ còn phần thân và đế là nguyên gốc thời Lý, đầu tượng là sản phẩm của thế kỷ XVII.
Thôn Nề ở phía Đông núi Chương Sơn có ngôi chùa chỉ mới được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, cũng ngay sát chân núi, tên chữ Long Chương tự. Tại đây hiện lưu giữ một báu vật của phế tích Chương Sơn, đó là chân đế bia đá chạm rồng thời Lý, nặng gần 9 tấn, với kích thước dài 2,4 m, rộng 1,76 m, dày 0,9 m. Mặt bệ nổi đôi rồng to lớn chầu vào một lá đề, thân rồng trơn không có vảy, chân rồng khỏe khoắn khoe móng vuốt sắc nhọn. Xung quanh bệ là hình hoa văn sóng nước. Trên bệ đá này có tấm bia được chế tác vào thời sau, tạc năm 1670, văn bia chữ Hán có đoạn được dịch: “Đến quân Ngô sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng gian ác phá hỏng các tượng Phật bằng đá, chỉ còn tượng trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi. Tháp Chương Sơn đã bị phá hủy tan tành”.
Theo người dân ở đây cho biết, vào năm 1980, họ đem tác phẩm đá này trên đỉnh núi xuống, dự định bán đi để lấy tiền xây chùa. Nhưng đưa được xuống chân núi, chính quyền xã phát hiện, cương quyết không cho bán di vật giá trị này. Vài năm sau, Đại đức Thích Thanh Lợi, trụ trì chùa Vọng Cung ở TP Nam Định đã về bỏ tiền ra xây ngôi chùa với nhiều hạng mục như ngày nay.
Di vật Chương Sơn ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Theo TS Hoàng Văn Cương, Bảo tàng Nam Định, cuối năm 1966 đầu năm 1967, Viện Khảo cổ đã khai quật khảo cổ trên đỉnh núi Chương Sơn, với diện tích 900m2. Kết quả đã tìm ra chân móng tháp cổ cùng hơn 200 di vật đá và 50 viên gạch đất nung.
2chuminhkhoi.jpg
Cột đá chạm búp sen rồng cuốn - di vật khai quật ở
phế tích Chương Sơn, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Vết tích còn lại là bốn bức tường ghép bằng những tảng đá lớn, quây thành nền hình vuông, hai cửa có bậc lên xuống ở phía Đông và phía Tây, phía dưới là sân lát gạch. Vòng ngoài chân tháp hiện còn mỗi bề rộng 19m. Đá xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì (đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào) hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Phần lớn các bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cột... đều được phủ kín bằng trang trí thời Lý: rồng, phượng, khỉ, tượng đầu người mình chim....
Nổi bật là bức thành bó bậc thềm lên xuống gồm hai tấm đá lớn ghép lại, chạm hình sóng cuộn, tay vịn là một phiến đá dài gần 2,5m, cao 0,5m, dày 0,2m chạm cả hai bên mặt, mỗi mặt có 7 hình người, trong điệu múa dâng hoa, mỗi người ở tư thế khác nhau. Các nhà khảo cổ tìm thấy ở đây những viên gạch lớn ghi chữ Hán “Lý gia đệ tứ đế Long Phù Nguyên Hòa ngũ niên tạo” (chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý, niên hiệu Long Phù Nguyên hóa năm thứ năm - tức 1105), chứng tỏ những viên gạch này được sản xuất trước khi xây dựng tháp 3 năm.
Nhiều di vật độc đáo thời Lý chỉ tìm thấy ở chùa Ngô Xá, mà đến nay chưa phát hiện được ở bất kỳ một di tích nào khác, được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tôi nhiều lần đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia và ngắm nhìn những kiệt tác đá này. Tác phẩm khiến tôi say mê thích thú nhất là cột đá chạm búp sen rồng cuốn, thế kỷ XI, hoàn mỹ hài hòa, hình ảnh một búp sen chưa khai hương như đang gói trong lòng tất cả tinh túy của đất trời, sự tinh khiết cao cả tới tận cùng của giáo lý Phật Đà. Trên đỉnh búp sen, con rồng quấn quýt không rời, bất cứ ai chiêm ngưỡng cũng phải ngưỡng vọng thán phục tài năng của người nghệ nhân thời xưa, rung cảm trước cõi vô biên cao siêu Phật pháp.
Bảo vật Chương Sơn có một đĩa đá hình tròn được tạc rất hoàn mỹ, đường kính 33cm. Hoa văn trên mặt đĩa được khắc theo hai lớp vòng tròn đồng tâm. Lớp ngoài tạc hoa văn những bông cúc mãn khai. Lớp trong tạc con rồng thời Lý uốn lượn trong lòng đĩa vô cùng tinh xảo. Một tác phẩm khác, di vật tay vịn thành bậc đá chạm vũ nữ dâng hoa cho thấy mối giao lưu văn hóa Việt-Chăm đã thịnh hành ngay từ thế kỷ XI-XII. Rất nhiều pho tượng khỉ Chương Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử, được tạc ở các tư thế ngồi khác nhau.
Linh địa núi Phương Nhi
Cách núi Ngô Xá khoảng 800m về phía Đông bắc là núi Phương Nhi (nơi đặt phần mộ vị Tam nguyên Yên Đỗ - Nguyễn Khuyến), trên đỉnh có nhiều phế tích như gạch ngói, con giống đất nung, mảnh đá khắc hình cánh sen và sành sứ… đặc biệt còn khá nhiều tháp thờ đất nung có niên đại thời Lý. 
4chuminhkhoi.jpg
Quang cảnh chùa Nề (Long Chương tự)
Trong tháng 4 và 5-2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã khai quật diện tích trên 1000m2 ở đỉnh núi Phương Nhi, thu được hàng trăm di vật thời Lý-Trần, Lê với nhiều chất liệu, loại hình khác nhau như đất nung, gốm sứ, đá, dây đồng, tiền đồng, cá chì. Nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc tìm thấy ở  đây được đánh dấu bằng nhiều kiểu ký tự, ký hiệu khác nhau. Có ký tự chữ Hán như Đại, Lục, Thất, Chủ, Bính; có ký hiệu hình bánh xe, lá đề, chữ S ngược, tia sét, vòng tròn đồng tâm được in bằng khuôn và các kiểu ký tự ký hiệu khác vẽ bằng tay.
Đặc biệt, đã phát hiện một phế tích kiến trúc hình lục giác có 6 cạnh, gồm 5 cấp nền trên đỉnh núi cao 95m so với mực nước biển. Kết quả khai quật, cho thấy các di tích trên núi Phương Nhi chính là các công trình kiến trúc thời Lý được xây dựng hướng về trung tâm là Bảo tháp Chương Sơn tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn.

TS.Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Kết quả thu được lần này cho phép nhận diện về một quần thể di tích tôn giáo thời Lý rất quy mô và rộng lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Kết quả này cũng bổ sung thêm tư liệu quý giá về các vấn đề liên quan đến bảo tháp Chương Sơn, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trùng tu và tôn tạo quần thể di tích có ý nghĩa lịch sử này trong tương lai”.

No comments:

Post a Comment