Khai thác nguồn gen chè Shan tuyết cổ thụ, 90% sản lượng chè của HTX Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… với giá bán 100 USD/kg, cao gấp 60-70 lần giá chè xuất khẩu bình quân của cả nước.
- Chu Khôi -
Rừng chè cổ thụ
Đi theo những con đường đẹp như dải lụa uốn lượn quanh những sườn núi trên “Cao nguyên trắng” Bắc Hà, chúng tôi đến xã Hoàng Thu Phố, mãn nhãn chiêm ngưỡng rừng cây chè Shan tuyết cổ thụ. Từ xa đã nhìn thấy bạt ngàn cây chè mọc cao như một rừng cây gỗ lớn. Những cây chè cổ thụ đang mùa ra búp, xanh mơn mởn và đầy nhựa sống.
Xã Hoàng Thu Phố hiện còn giữ được gần 10ha chè Shan tuyết cổ thụ, với vài nghìn cây. Những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở có tuổi từ 200 - 300 năm. Nhiều cây chè cao gần 15m, đường kính gốc gần 50cm, tán và cành lá sum suê, người dân phải trèo lên những cành cao để thu hái.
Mỗi người Mông ở Hoàng Thu Phố luôn tự hào về những rừng chè Shan tuyết cổ thụ, bởi họ có thêm thức uống có lợi cho sức khỏe, thậm chí có thêm thu nhập từ sản phẩm búp chè và còn là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Vài năm trở lại đây, rừng chè Shan tuyết cổ thụ đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước trong hành trình khám phá “Cao nguyên trắng”.
Khi đến đây, du khách không chỉ được thỏa thích chiêm ngưỡng những rừng chè cổ thụ, mà còn tận mắt chứng kiến hình ảnh người dân vùng cao mang gùi sau lưng, vắt vẻo trên những thân cây cao để hái những búp chè “siêu sạch”, sau đó được thưởng thức những chén chè đậm đà hương vị của núi rừng.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, cho biết Bắc Hà là huyện vùng cao, dân cư thưa thớt và chủ yếu là dân tộc ít người, nên đây là một trong các huyện nghèo nhất Việt Nam (chương trình 30A).
Với độ cao 800 - 1000m so với mực nước biển, huyện Bắc Hà hiện có 765ha cây chè Shan cổ thụ có tuổi đời 100-200 năm, là 1 trong 5 vùng chè Shan rừng lớn nhất Việt Nam (4 huyện khác là Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quang Bình của Hà Giang, Văn Chấn của Yên Bái).
Xác định cây chè Shan tuyết cổ thụ không chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn cả về văn hóa, du lịch và là nguồn gen quý, những năm gần đây, huyện Bắc Hà đã triển khai một số giải pháp nhằm bảo tồn loài cây này. Huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ vườn chè cổ thụ, duy trì diện tích cây chè Shan tuyết cổ thụ, thu hái và chăm sóc đúng cách, không được chặt bỏ hoặc tác động làm ảnh hưởng đến diện tích vùng chè. Đồng thời, ngành chức năng cũng tổ chức nhân giống chè quý bằng phương pháp giâm cành để mở rộng diện tích giống chè Shan tuyết, phát triển thành vùng chè hàng hóa, mang lại thu nhập cho nông dân.
“Sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ Bắc Hà đã trở thành đặc sản của tỉnh Lào Cai và Tây Bắc, với búp tuyết trắng nhỏ, hương vị đậm đà thơm ngon khác biệt với sản phẩm chè ở những địa phương khác. Đặc biệt, sản phẩm chè Bản Liền là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của địa phương tìm được chỗ đứng ở châu Âu - thị trường khó tính bậc nhất thế giới về chất lượng. UBND huyện đã đề ra một trong những mục tiêu trọng điểm là phát triển sản xuất chè Shan hữu cơ ra nhiều xã trong huyện, coi đây là sản phẩm thương hiệu chủ lực của huyện”, ông Huy tự hào khoe.
Người Tày, người Mông thu hái chè trên những cây chè Shan cổ thụ ở Bắc Hà
|
Sản phẩm chinh phục Âu, Mỹ
Năm 2019, ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà nhận được tin vui: sản phẩm “Chè hữu cơ Bắc Hà” do HTX Chè Bản Liền sản xuất được Hội đồng OCOP trung ương cấp chứng nhận đạt OCOP hạng 5 sao. Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lào Cai tính đến thời điểm này được thăng hạng OCOP 5 sao.
Tại xưởng chế biến của HTX Chè Bản Liền, mùi hương chè thơm ngát tỏa ra từ những mẻ chè mới ra lò. Giám đốc Phạm Quang Thận cho biết HTX được thành lập từ năm 2004, với nhiệm vụ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Đến nay, HTX có 310 thành viên tham gia trực tiếp vào quá trình trồng chè hữu cơ.
Từ năm 2016, HTX đã chuyển hướng sang sản xuất chè hữu cơ. Ban lãnh đạo và toàn thể xã viên, những người lao động trong HTX được tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn quy trình sản xuất chè hữu cơ, mời các tổ chức chứng nhận uy tín trên thế giới đến giám sát và cấp chứng nhận. Đây là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè Bản Liền thâm nhập thị trường châu Âu.
Chế biến chè ở HTX Chè Bản Liền
|
“Để có những tấm “visa” này là cả sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và HTX. Chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Về cơ bản, sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên hằng năm, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm, nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận, không thu mua chè búp tươi”, ông Thận nói.
HTX chè Bản Liền rất chú trọng xử lý trong các khâu sản xuất chế biến chè như nguyên liệu, chế biến, đóng gói, xử lý nguồn nước, rác thải để tránh gây ô nhiễm nguồn nước, không khí...
Hiện, 90% sản lượng chè được sản xuất tại HTX Bản Liền được xuất khẩu sang EU, Mỹ, Canada… Năm 2018, HTX xuất khẩu 80 tấn chè và 8 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu được hơn 50 tấn chè, với giá bình quân lên tới 100.000 USD/tấn. Trong đó, các sản phẩm chè phổ nhĩ, chè đen, búp hồng, búp trắng có giá bán cao nhất. Trong 3 năm qua, sản lượng xuất khẩu của chè Bản Liền tăng trung bình 10-15%/năm.
Đến nay, toàn xã Bản Liền có khoảng hơn 500ha chè Shan, trong đó có trên 400ha được công nhận chè hữu cơ. Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Chè tươi nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ của các hộ xã viên được HTX thu mua với giá 300.000 đồng/kg. Theo tính toán, trung bình mỗi ha chè của xã có thể đem lại lợi nhuận 80 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.
No comments:
Post a Comment