GN - Trải gần hai nghìn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã để lại khối di sản đồ sộ. Trong dòng chảy trường tồn, ngày nay và muôn đời sau chúng ta được chiêm bái hệ thống di sản kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, các lễ hội Phật giáo truyền thống… vô cùng đồ sộ và đa dạng, đều gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước qua nhiều thời đại.
Chạm tay vào những báu vật Phật giáo - Sách do NXB Lao Động ấn hành
Cũng như nhiều người, tôi có thói quen đi lễ chùa, vãn cảnh thiền môn để tâm hồn được trong tĩnh. Trước đây vào chùa, rất nhiều thứ chúng ta cần tìm hiểu, đặc biệt là những di sản vật thể, từ các pho tượng, những quả chuông… đến những công trình kiến trúc, thế nhưng không phải ai cũng đủ cơ duyên như nhà báo Chu Minh Khôi, tác giả của cuốn sách tuyển chọn một số bài viết của anh về văn hóa Phật giáo - văn hóa dân tộc, lấy tựa đề “Chạm tay vào những báu vật Phật giáo” vừa mới ấn hành.
Nhà báo Chu Minh Khôi hiện công tác tại một cơ quan báo chí chuyên về kinh tế, được biết, anh cũng là một Phật tử (pháp danh Quảng Tuệ), với niềm kính ngưỡng Tam bảo, đam mê tìm hiểu văn hóa, di sản Phật giáo, đến nay đã có hàng trăm bài viết khảo cứu về các công trình kiến trúc, các tác phẩm mỹ thuật, các lễ hội truyền thống Phật giáo tại Việt Nam. Phần lớn các bài viết của nhà báo Chu Minh Khôi tuyển tập này được đăng tải trên báo Giác Ngộ trong suốt 10 năm qua, ngoài ra còn đăng tải trên một số báo khác như An ninh thế giới, Thế giới mới, Thế giới di sản…
Chưa từng được đào tạo về chuyên ngành khảo cổ, lịch sử hay văn hóa, mà chỉ là tự nghiên cứu, theo chia sẻ của anh trong Lời bạt ở cuối sách: “Có lẽ tôi sẽ mãi làm công việc của một kỹ sư nông nghiệp, nếu như không gặp báo Giác Ngộ. Báo Giác Ngộ đến như một cơ duyên để “đánh thức” ngòi viết của tôi sau nhiều năm quên lãng…”.
Anh cho biết thêm rằng, lý do chọn thi vào ngành kỹ sư nông nghiệp vì nghĩ rằng nghề này sẽ phù hợp với sở thích môn sinh vật học và xuất thân con nhà nông dân chân lấm tay bùn. Từ khi rời giảng đường đại học, anh đã làm việc theo đúng chuyên môn của một kỹ sư chăn nuôi. Cho đến một ngày rằm, như bao người dân đi lễ chùa, anh tìm đến chùa Đại Phúc, ở làng Kẻ Sống - xã An Khánh, gần nơi anh công tác. Vô tình thấy tờ báo Giác Ngộ của sư thầy trụ trì để trên bàn, anh đã mượn đọc.
“Tờ báo thật lạ lẫm đối với tôi, vì nội dung toàn viết về Phật giáo. Bất chợt, tôi nhìn lên những cột kèo của chùa mọt ăn ruỗng loang lổ, ngôi chùa rất cổ và đã xuống cấp nghiêm trọng… Trong tôi chợt nghĩ, mình thử viết về ngôi chùa Kẻ Sống và gửi cho báo Giác Ngộ. Liên tiếp những bài viết về các ngôi chùa ở quanh nơi tôi công tác: Bí ẩn chùa Vằn, Hai ngôi chùa làng La Dương, Đại Phúc tự và chuông Kẻ Sống... lần lượt được lên báo Giác Ngộ vào đầu năm 2005”, anh tâm sự.
Rồi nhân duyên đến, mùa hạ năm 2006 anh phát nguyện quy y Tam bảo. Đó là cột mốc lớn làm thay đổi cả về nhận thức cuộc sống và sự nghiệp. Với sự hướng dẫn của các vị thầy, anh học và theo đó khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu về những di sản văn hóa Phật giáo, những công trình kiến trúc mang tầm vóc lịch sử mà chứa đầy tính nghệ thuật dân tộc - nghệ thuật Phật giáo vốn rất phong phú ở các tỉnh miền Bắc.
Trong sách “Chạm tay vào những báu vật Phật giáo”, hàng trăm bảo vật quan trọng trong các ngôi chùa ở Bắc Bộ đã được giới thiệu một cách công phu từ hình dáng, kích thước, niên đại, giá trị nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử của chúng. Cuốn sách cũng liệt kê hàng nghìn hiện vật khác. Ngoài những mô tả mang tính chuyên môn thuộc về lịch sử, điêu khắc, hội hoạ, tác giả còn khéo léo lồng ghép các sự tích, huyền thoại… gắn với các báu vật ấy. Phong cách ký báo chí dễ tiếp nhận, giúp người đọc hiểu rõ hơn, sâu hơn về ý nghĩa của mỗi “báu vật”.
Trong cuốn sách này, nhiều công trình kiến trúc cổ của Phật giáo cũng được anh mô tả hết sức tỉ mỉ, cặn kẽ, diễn tả về lịch sử. Đọc “Tòa thượng điện là “đặc sản” của người Việt Nam”, chúng ta sẽ hiểu hơn ý nghĩa của tòa Tam bảo trong thượng điện của ngôi chùa Việt. “Người dân Việt vốn thường đặt bát hương để thờ cha ông đã mất, sau đó họ đem cả bát hương đặt lên bàn thờ Phật để rồi từ đó hình thành nên tòa Tam bảo trong thượng điện… Nhân dân ta đã thờ cúng Phật giống như thờ cúng tổ tiên, nói tòa thượng điện độc đáo là ở chỗ đó”.
Đến với “Bộ Tam thế Phật”, cá nhân người viết bài này đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc bấy lâu: Tại sao ở mỗi ngôi, bộ Tam thế Phật lại có mỗi hiện tướng khác nhau? Qua các bài viết trong tập sách này, người đọc được giới thiệu sơ lược nguồn gốc các vật liệu thường được dùng để chế tác tượng. Chẳng hạn: Tượng cổ chủ yếu sử dụng các chất liệu: đá, đồng, gỗ, đất sét nung, và đặc biệt là gỗ mít. Trong những chất liệu tạo nên di vật Phật giáo, hai thứ được coi là có linh khí, ấy là đá và đồng…
Di vật đá trong văn hóa Phật giáo thật muôn hình vạn trạng, tạo thành nhiều dòng chảy độc đáo: bia đá, cây hương đá, bệ thờ bằng đá, tượng đá, thạch kinh, tảng đá kê chân cột chạm hoa văn cánh sen....
“Chạm tay vào những báu vật Phật giáo” có cách trình bày vấn đề vừa thể hiện kiến thức chuyên môn sắc sảo, vừa dễ hiểu với nhiều đối tượng tiếp nhận. Thường thì những cuốn sách về chuyên môn sẽ khó đi vào lòng người đọc không có kiến thức về lĩnh vực ấy, nhưng “Chạm tay vào những báu vật Phật giáo” có ngôn ngữ và cách hành văn thật vô cùng dễ hiểu, bất kỳ ai dù ở trình độ nào, lĩnh vực nào cũng dễ dàng tiếp nhận được. Những điều được viết trong sách giúp người viết ngộ ra bao điều, có cảm giác như được tiếp cận với các báu vật của Phật giáo, thực sự được “chạm tay” vào các báu vật ấy. Cuốn sách không chỉ dành cho các Tăng Ni, Phật tử, những nhà chuyên môn mà có thể nói nó thực sự có giá trị với tất cả những ai có sở thích, đam mê tìm hiểu về Phật giáo.
Có thể mượn lời nhận định của TT.Thích Minh Hiền, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN trong Lời phi lộ, nói về tập sách này: “Các bài viết đã phác họa được một phần diện mạo của khối di sản đồ sộ văn hóa Phật giáo, từ những ngôi danh lam cổ tự đến những ngôi chùa làng nhỏ bé đơn sơ, từ những pho tượng tạc trên chất liệu ngọc đến những pho tượng đắp bằng đất… Ta thấy mỗi hiện vật, từ những quả chuông, cái khánh hay bản khắc kinh cổ… đều chứa đựng ý nghĩa lịch sử, dấu ấn tâm linh tín ngưỡng, giá trị mỹ thuật, kiến trúc và các giá trị văn hóa khác”.
Mạc Phương Nguyễn
(Bài đăng trên Báo Giác Ngộ năm 2015)
No comments:
Post a Comment