Chú Bầu Ngốc - Quán thời gian

Breaking

Tuesday, May 12, 2020

Chú Bầu Ngốc


Truyện ngắn của Chu Minh Khôi

(Đăng trên Báo Tiền Phong năm 1999, sau đó đăng trên các báo: Phụ nữ TP HCM,  Hà Nội Mới).

Dòng họ tôi mấy đời giữ thứ vị cao ở xã. Cụ Vy trước kia làm chủ nhiệm. Ông nội tôi làm bí thư, đến lượt cha tôi gánh chức chủ tịch xã. Trước cửa nhà thờ họ có cây vạn tuế đủ hai người ôm, ra bông hoa to cỡ cái sàng, hơn mười năm nay mới tàn. Các cụ nóc họ bảo: “Cây quan lộc của dòng họ”. Họ tôi có một tiến sĩ và ba thạc sĩ. Nhiều người công tác trên tỉnh và trung ương. Cao nhất là bác Vận, Giám đốc sở Giao thông.
Dân bản địa bảo dòng họ tôi có gen thông minh, ấy vậy mà nảy ra một chàng ngốc: chú Bầu. Nhưng chú Bầu là chàng ngốc độc đáo được cả xóm yêu mến.
Xóm Chợ đã chớm phổng phao vạm vỡ, nhà hai, ba tầng mọc lên san sát bên đường. Xóm Chợ chưa đủ ồn ã để vươn vai thành thị trấn, nhưng cũng không bình lặng nổi trong nếp sống quê. Sớm tinh mơ còi ô tô toe – toét, ba chiếc xe khách to tổ chảng chờ lăn bánh đi Hà Nội. Tiếng lợn bị chọc tiết eng éc hoà âm vào nhau thành bản hợp ca gọi bình minh.
Bầu ơi, khiêng cho chị phản thịt lợn ra đằng kia!
Ê Bầu! Bầu ngốc! Bê hộ cái bao này lên xe.
Một người đàn ông lực lưỡng, quần áo thâm xỉn loang lổ chạy lăng xăng từ đầu cầu này sang đầu cầu nọ, hết mang thứ này lại vác thứ kia. Không thể nhầm ai khác ngoài chú Bầu - cửu vạn độc nhất vô nhị của xóm Chợ. Khi cần mướn người, ai cũng gọi chú Bầu. Chú Bầu khoẻ đô ngang Trương Phi, sức chú dai, làm suốt ngày không biết mệt mỏi. Có điều chú làm việc hiệu quả hay không còn tuỳ theo cảm hứng và sự chỉ bảo của cái dạ dày. Dường như ngoài nhu cầu ăn ngủ, chú không có thêm bất cứ nhu cầu nào khác. Xưa nay chú vẫn tiêu tiền, nhưng nếu người ngoài nhìn vào ắt sẽ cho rằng đồng tiền đối với chú vô nghĩa. Thực ra đồng tiên lưu hành bởi tay chú mặc nhiên được thị trường xóm Chợ áp dụng một quy luật giá cả đặc biệt chỉ dành cho riêng chú.
*
Xóm Chợ thêm công dân mới, Phú quê mãi tận vùng bãi, cách làng tôi một giờ đò sông. Nghe đâu mấy năm nay làm ăn phát đạt nên anh chuyển ra xóm Chợ. Phú tậu mảnh đất sát thổ bác Bích, chuẩn bị xây ngôi nhà ba tầng, đang tập kết nguyên vật liệu. Phú cần mướn người chở hai vạn gạch từ gò Đa Cháy về. Mới chân ướt chân ráo tới xóm Chợ, lạ nước lạ cái, chưa quen biết nhiều. Phú phải hỏi bác Bích, bác bảo:
Thuê thằng Bầu ngốc, nó đần nhưng được việc.
Vậy là Phú mướn chú bầu vận chuyển gạch bằng xe kéo tay. Chú bốc gạch cứ thoăn thoắt. Chồng hai mươi viên một giữa hai bàn tay như làm xiếc. Không cần người phụ đẩy, mỗi mình chú bốc gạch cứ phăm phăm. Mới non buổi sáng, chú đã chuyển hơn nửa vạn gạch. Phú há hốc miệng thán phục. Chưa dựng được mái lều nghỉ tạm, mâm cơm trưa bày bên nhà bác Bích. Phú hỉ hả chúc rượu bác Bích và chú Bầu. Chú Bầu nốc rượu tì tì, và cơm vào miệng như và vào cái thùng không đáy. Bác Bích kéo Phú ra đầu hồi nhà, ghé tai thì thầm:
Cho thằng Bầu ăn ít thôi. Để đói nó còn làm. Cho thằng này ăn no, nó không làm nữa đâu.
Phú gạt phắt: - Ai lại tiếc thằng cửu vạn bữa cơm no.
Bác Bích khuyên kiểu gì cũng không nổi, chẳng qua điều bác nói quá lạ tai Phú.
Đánh chén xong gần chục bát cơm, chú Bầu lăn kềnh ra nền nhà ngủ. Nắng xế thềm hiên bác Bích. Chuông đồng hồ điểm một rưỡi. Phú lay chú Bầu dậy để đi làm. Chú Bầu lồm cồm đứng lên, vươn vai ngáp, đoạn thong thả trả lời Phú: - Hôm nay no rồi, tôi nghỉ thôi. Ngày mai tôi lại sang khuân gạch tiếp.
Nói xong, chú Bầu đủng đỉnh bước ra ngõ. Bác Bích bấy giờ mới được thể trách móc:
Đấy, tôi nói có sai đâu! Anh mới đến chưa biết thằng này. Nó làm chỉ vì miếng ăn. Khi nào bụng đói, nó làm nhiệt tình để người ta cho ăn. Khi đã no rồi, nó chẳng cần gì nữa. Nó không biết nghĩ đến bữa sau. Việc đành gác lại đến sáng mai vậy. Anh phải rút kinh nghiệm, bữa trưa mai cho nó xơi hai lưng cơm thôi.
Vận chuyển hết gạch thì chú Bầu chở đá, cát, xi-măng cho nhà Phú. Mất chục hôm mới xong. Phú hỏi chú Bầu đòi tiền công bao nhiêu để trả. Chú khoát tay: - Ông thích đưa bao nhiêu cũng được.
Phú tần ngần, chưa biết tính sao. Bảo chú Bầu đợi một lát, Phú chạy ù sang hỏi bác Bích. Bác Bích khuyên:
Đưa cho nó tờ năm trăm đồng.
Phú ngạc nhiên:
Sao lại đưa có năm trăm đồng?
Đối với thằng này, năm trăm đồng cũng như năm trăm ngàn thôi- bác Bích ôn tồn – mà tờ năm trăm đồng trong tay nó cũng mua được ti vi cơ đấy.
Sao lạ vậy? - Phú mắt tròn mắt dẹt.
Lạ quá đi ấy chứ! Dân xóm Chợ, ai cũng cần đến nó. Nó ngốc nghếch nhưng nhiệt tình làm việc cho bất cứ ai, chỉ cần người ta cho ăn, không đòi công sá chi cả.
Lại có thằng sẵn sàng làm việc không công sao? – Phú càng tỏ vẻ khó tin.
Đúng thế - bác Bích khẳng định – Nó không phân biệt nổi mệnh giá đồng tiền. Thằng Bầu thích thứ gì, người ta cho nó luôn thứ ấy. thằng Bầu mua bao diêm, đưa trả hai mươi ngàn, người ta lấy tất. Không lấy thì người khác cũng lấy.
Thấy nó đần, người ta bắt nạt phải không?
Không phải! Coi như cầm giúp nó thôi mà. Nhưng nếu thằng Bầu hỏi mua con gà sống thiến, đưa có một ngàn, người ta cũng bán. Người ta tính toán: Cái lợi từ việc thằng Bầu làm cửu vạn không công luôn giá trị gấp nhiều lần những thứ nó cần. Ngoài lương thực, thực phẩm, thằng Bầu không có thêm bất cứ nhu cầu nào khác.
Lạ thật! Thằng này thế mà sướng – Phú xuýt xoa.
Nghe đâu các chủ quán hàng ở chợ này đã họp và thoả thuận: Khi nào thằng Bầu không còn đủ sức làm việc nữa, tất cả sẽ góp tiền cùng nuôi cho tới ngày nó sang thế giới bên kia.
Phú buột miệng so sánh:
Thằng này sướng hơn tiên. Tôi với bác suốt đời lo toan mưu sinh cuộc sống mà vẫn chật vật. Cái thằng không biết “hỷ, nộ, ái, ố” lại muốn gì được nấy.
Sợ chú Bầu phải chờ quá lâu, Phú ngắt khỏi cuộc trò chuyện với bác Bích, chạy vội về nhà, dúi vào tay chú Bầu tờ năm ngàn đồng.
Chú Bầu đủng đỉnh đi về phía cầu. Nắng cuối ngày ném mảng màu vàng vọt, xiên chéo xuống dãy hàng thịt tươi sống. Quầy cô liên có mấy người đang mua thịt.
Chị ơi, miếng mông kia bao nhiêu?
Bốn ngàn một lạng.
Ba ngàn rưởi thôi, xế chiều rồi chị còn bán đắt thế.
Chú bầu lách qua cột tre, chen vào:
Này bà béo! Bán cho tảng thịt bự.
Cô Liên đong đưa đôi má núng nính, nhoen nhoét vành miệng.
Mua thịt cho mẹ hả? Một cân nhá?
Chú Bầu gật đầu. Cô liên thoăn thoắt xắt một miếng nạc chừng hơn ký, không thèm đưa lên đĩa cân, nhét thỏm ngay vào cái túi ni lon. Chú Bầu nhe răng cười hềnh hệch, đưa cô Liên tờ năm ngàn đồng, rồi ưỡn ẹo xách gói thịt về. Ba, bốn thằng trẻ con nhếch nhác rồng rắn theo sau, hô ầm ĩ suốt dải đường: “Bầu ngốc! Ê! Bầu ngốc!”.
* *
*
Chú Bầu đã ngoài bốn mươi, vẫn chưa vợ. Chú thiểu năng trí óc, dở khôn dở dại nên chẳng ai thèm lấy. Chú ở cùng mẹ. Ông Bình thân sinh ra chú, với ông nội tôi là anh em con chú con bác. Ông Bình hy sinh năm sáu nhăm chỉ để lại cho vợ một mụn con trai là chú Bầu. Bà Bình ở vậy đằng đẵng nuôi con. Nay bà Bình đã già nua, lưng còng xuống tháng hạ ngày đông.
Thuở trước, giỗ ông Bình cha tôi luôn có mặt, nhưng rồi một bận giỗ, cha tôi phật lòng, về sau không đến nữa. Ngày ấy cách bây giờ sáu năm, dạo cha tôi đương chức chủ tịch xã. Đám giỗ trầm mặc. Chú Bầu bẩn tưởi, nước dãi chảy lòng thòng, nốc rượu như hũ chìm, nói năng lung tung. Ai nấy mặt xanh, mặt vàng tởm lợm, chỉ im lặng nuốt cho xong bữa cỗ. Chú Bầu khua chân múa tay, huyên thuyên đủ thứ chuyện không ra ngô cũng chẳng ra khoai. Sợ mất lòng khách khứa, bà Bình kéo chú Bầu xuống bếp. Chú lại vùng vằng đi lên, dáng vẻ khệnh khạng. Hứng chí thế nào, chú chỉ tay vào cha tôi:
Anh làm đầy tớ của nhân dân, anh ăn gì mà béo thế?
Rồi chú quay ngón tay chỉ vào ngực mình:
Em cũng béo. Em nghiệm ra rằng những thằng đầy tớ thời nay đều béo cả. Em làm đầy tớ cho dân xóm Chợ, gánh vác đủ thứ việc nặng nhọc. Cái kiểu làm đầy tớ của anh mới thật lạ đời. Anh làm đầy tớ cho dân xã này, chỉ thấy anh nạt nộ người ta, đố thấy anh làm việc gì bao giờ.
Cha tôi cáu tiết:
Thằng đần độn! Im ngay!
Bà Bình xin lỗi cha tôi:
Anh thứ tội cho. Em nó ngốc nghếch, chẳng biết chi cả. Mong anh đừng chấp.
Rồi bà quay sang chú, quát:
Bầu! Không cho mày uống rượu nữa.
Bà Bình giằng chén rượu từ tay chú Bầu
Xuống bếp ngay!
Chú bầu tức tối ẩy bà Bình ra.
Bà không cho tôi uống rượu hả? Tôi đẩy đổ nhà bây giờ.
Chú chạy ra ngoài hiên, ôm cột gỗ, dùng hết sức du mạnh. Căn nhà vốn ọp ẹp, đọ sao nổi sức lực chú Bầu. Tường nhà vặn vẹo, cột kèo chạm nhau ken két. Khách khứa hoảng sợ lảng về hết. Cha tôi cũng bỏ về. Từ độ ấy biết cha tôi giận, chú Bầu ân hận lắm. Chú sợ không dám đến nhà tôi nữa.
Năm ngoái cưới chị tôi. Tôi đã là cô sinh viên về quê dự đám cưới chị. Nhà ồn ã khách khứa, chẳng ai để ý đến chú bầu thập thò đầu ngõ. Thấy tôi đi ra, chú gọi lại bảo:
Cưới chị mày mà bố mày không mời tao. Không mời tao cũng đến, chẳng gì cũng là anh em.
Tôi mời chú vào nhà. Chú lưỡng lự. Tôi biết chú ngần ngại. Đám trẻ con đã vây quanh hét toáng:
A! Bầu ngố! Bầu ngố! Chúng bay ơi!
Chú phát hoảng giơ ra tờ một ngàn đồng bảo tôi:
Thôi tao không vào đâu! Tao gửi tiền mừng chị mày.
Đám em nhút nhít con nhà các chú dì tôi hét ầm ĩ:
Có một ngàn đồng đòi đi mừng đám cưới. Ngốc ơi là ngốc. Mang về mà mua kem.
Chú tự ái nói dỗi:
A! Chúng mày khinh tiền của tao hả? Tiền của tao mua được ối thứ.
Chú quay ngoắt, đi ngược trở lại cửa hàng tạp hoá. Chú chỉ vào chiếc phích Rạng Đông. Và chú mua cái phích với giá một ngàn đồng, việc không ai làm nổi nhưng với chú là đương nhiên. Chú nhanh chóng quay trở lại với chiếc phích trên tay. Tôi mời mãi mà chú không vào nhà, đành lễ phép nhận quà từ tay chú Bầu và nói lời cảm ơn.
Hôm sau biết chuyện, cha tôi than thở:
Đáng lẽ tao phải mời. Chú Bầu ngu đần nhưng cũng còn có những điều biết nghĩ hơn khối người. Bố ân hận vì đã cố chấp. Mà sao lúc chú đến, con không bảo bố để bố ra mời chú vào.
Sau lần ấy cha tôi tự trách mình mãi.
*

Không có gì trường tồn mãi được. Bông hoa vạn tuế trước sân nhà thờ họ đã đến ngưỡng héo tàn. Có người bảo họ tôi sắp hết vận. Hai ông ở Hà Nội sắp bị truy tố vì tội tham ô.
Cha tôi về vườn. Khách đến mỗi ngày một ít đi. Cha tôi lầm lũi ở nhà một mình. Cuộc sống giúp ông trải nghiệm nhiều điều. Cha tôi lại tự an ủi: “Quan nhất thời, dân vạn đại”.
Năm nay dòng họ tôi có hai đám tang lớn. Bác Vận, Giám đốc – Sở GT, đột ngột qua đời sau một cơn cao huyết áp. Con cháu bác tổ chức đám ma rất linh đình. Nghe đâu sáu trăm mâm cỗ, ăn uống mấy ngày. Đoàn rước quan tài năm mươi cái trướng và ngần ấy vòng hoa, phải thuê hơn trăm đứa trẻ con mang vác. Đám ma bác Vận dài lê thê nhưng cứ hời hợt thế nào ấy, nhiều ông to đi theo, nhưng thiếu tình làng nghĩa xóm. Làng rất ít người đưa tiễn. Cha tôi tìm mắng mấy người không có mặt hôm ấy:
Ông Vận làm quan to vẻ vang dòng họ, sao các cô các chú không đưa tiễn?
Chị Nẫm đứng lẫn trong đám người đi cấy, thủng thẳng:
Ôi dào! Ông ấy làm quan to mặc kệ ông ấy chứ. Giàu sang phú quý thì vợ con ông ấy hưởng, dân đen chúng tôi được cái gì? Lúc còn sống, ông ấy về làng cứ vác mặt lên giời, nhìn chúng tôi bằng nửa con mắt, hơi đâu chúng tôi thương tiếc.
Cha tôi chép miệng: “ Làm quan không nghĩ tới dân, chớ mong dân quý”.
Chú Bầu chết vì tai nạn. Chú bị xe ô tô cán phải. Các đồ tể mà chúng tôi quen gọi đùa là liên hiệp thịt tươi sống ở xóm Chợ mua cho chú chiếc quan tài bằng gỗ tốt. Toàn bộ đám tang đều do dân xóm Chợ lo. Đám ma chú Bầu không ăn uống linh đình, nhưng người đến đông lắm. Cả làng đưa tiễn. Đoàn tang dài dằng dặc cả cây số. Các cụ lão làng bảo: “Từ cổ chí kim, làng ta chưa có đám ma nào to đến vậy, mà người chết chẳng quan tước, tiên chỉ bá hộ gì”
Chuyện kể về chú rồi sẽ thành huyền thoại của làng. Khi về già, tôi và bạn bè đồng lứa sẽ vẫn kể với con cháu rằng: “Ngày xưa làng mình có người chẳng quyền quý, giàu sang, chỉ là một thằng cửu vạn nhưng khi chết đám ma to nhất làng…


No comments:

Post a Comment