UBND tỉnh Hà Nam vừa phê duyệt Kế hoạch chăn nuôi bò sữa năm 2020, chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại theo phương thức hộ gia đình, lấy HTX và doanh nghiệp làm “đầu tàu” trong chuỗi liên kết bò sữa để phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững. Các HTX chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Hà Nam mới đi vào hoạt động bước đầu đã có hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ các thành viên. Về lâu dài, chính các HTX sẽ tổ chức chế biến tạo ra sản phẩm từ sữa mang nhãn hiệu của địa phương để nâng cao giá trị và thu nhập cho người sản xuất.
- Chu Minh Khôi -
Hiệu quả từ các HTX chăn nuôi bò sữa
Chăn nuôi bò sữa ở thị xã Duy Tiên đang phát triển khá nhanh, với tổng đàn khoảng 2.600 con, chiếm hơn 60% của tỉnh. Tuy nhiên, do công tác thú y chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng bò sữa bị chết hàng năm lên đến hơn 10%, thiệt hại rất lớn cho hộ chăn nuôi. Việc thụ tinh nhân tạo cho bò sữa tỷ lệ đạt còn thấp, có con bò sữa phải thụ tinh 4 – 5 lần mới đạt. Do đó, các HTX chăn nuôi bò sữa được thành lập mở ra hướng phát triển mới, khắc phục những khó khăn trong quá trình chăn nuôi bò sữa đang gặp phải.
Toàn tỉnh đã có hơn 3.780 con bò sữa, được chăn nuôi tại 194 hộtoàn tỉnh đã có hơn 3.780 con bò sữa, được chăn nuôi tại 194 hộ. Ảnh C.K
|
Tại thị xã Duy Tiên có 2 HTX chuyên chăn nôi bò sữa tuy mới ra đời được vài năm, nhưng đã hoạt động rất hiệu quả. Đó là HTX chăn nuôi bò sữa Mộc Bắc và HTX chăn nuôi bò sữa Trác Văn.
Ông Tống Văn Bính, Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Mộc Bắc cho biết, HTX mới được thành lập từ cuối năm 2018, với 55 thành viên là các hộ chăn nuôi bò sữa chủ yếu trên địa bàn. Hiện, đàn bò sữa của các hộ thành viên đã lên đến 1.600 con - lớn nhất tỉnh Hà Nam, sản lượng sữa bò xuất bán cho các doanh nghiệp 4.285 tấn trong năm 2019 vừa qua.
HTX chăn nuôi bò sữa Mộc Bắc đang thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho hộ chăn nuôi, trong đó dịch vụ thú y và thụ tinh nhân tạo cho bò sữa được đặt lên hàng đầu. HTX ký hợp đồng với những người làm công tác thú y cho bò sữa trên địa bàn và các đơn vị dịch vụ khác để thực hiện công việc theo dõi phòng trị bệnh và thụ tinh nhân tạo cho bò tại các hộ gia đình thành viên.
Để có nguồn thức ăn xanh ổn định, Hội đồng quản trị HTX ký hợp đồng với các thôn tổ chức người dân sản xuất cây ngô trong vụ đông cung cấp cho các hộ nuôi bò sữa. HTX nhập thức ăn tinh bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý cung cấp cho các hộ thành viên… Hiện, HTX đang có kế hoạch đầu tư vào chế biến sữa, thay vì thu mua sữa rồi bán cho doanh nghiệp, HTX tới đây sẽ chế biến sữa tươi nguyên chất, sữa chua, bánh sữa… mang nhãn hiệu riêng của Mộc Bắc để tiêu thụ trên thị trường.
Hiệu quả rõ nét nhất là từ liên kết trồng ngô trên đất hai lúa làm thức ăn xanh cho bò sữa. HTX chăn nuôi bò sữa Mộc Bắc đã xây dựng 5 mô hình trồng ngô đông trên đất hai lúa, gồm giống ngô lai NK4.300 sinh khối lớn phục vụ chăn nuôi bò sữa và ngô nếp HN88 thương phẩm. Bò sữa sử dụng thức ăn xanh từ cây ngô cho sữa chất lượng tốt, do vậy, giá sữa bò tại Mộc Bắc hiện nay đang được thu mua ở mức cao nhất so với các vùng chăn nuôi bò sữa của cả nước, bình quân đạt từ 12 – 14 nghìn đồng/kg. Qua đó, mỗi năm, tổng giá trị thu được từ nguồn sữa bò đem lại cho các hộ thành viên ở Mộc Bắc lên tới 55 tỷ đồng.
HTX chăn nuôi bò sữa Trác Văn cũng đang bắt đầu phát triển, với 10 thành viên có tổng số 300 con bò sữa. Ông Phạm Hồng Điệp, Giám đốc HTX chia sẻ, bò sữa là vật nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao trong quá trình sản xuất, phòng chống dịch bệnh, thụ tinh nhân tạo… HTX sẽ tập trung làm tốt các dịch vụ hỗ trợ các thành viên trong quá trình chăn nuôi: cung ứng thức ăn, tập huấn, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật chăn nuôi và dịch vụ thú y....
Xây dựng liên kết chuỗi chăn nuôi bò sữa
Theo UBND tỉnh Hà Nam, chăn nuôi bò sữa là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 3.780 con bò sữa, được chăn nuôi tại 194 hộ; sản lượng sữa bình quân bán cho các nhà máy là 36,7 tấn/ngày. Thị xã Duy Tiên là địa phương có đàn bò sữa lớn nhất Hà Nam với hơn 2.600 con, sản lượng sữa bình quân 28 tấn/ngày; tiếp đến là huyện Lý Nhân với 475 con, huyện Kim Bảng hơn 400 con.
Hà Nam chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng phát triển bền vững, quy mô trang trại theo phương thức hộ gia đình, nhóm hộ ứng dụng khoa học công nghệ tại các khu chăn nuôi bò sữa tập trung đã được quy hoạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Sản lượng sữa bình quân bán cho các nhà máy là 36,7 tấn/ngày. Ảnh C.K
|
Theo Kế hoạch chăn nuôi bò sữa năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, Hà Nam đặt mục tiêu đến hết năm 2020 có khoảng 4.200 con bò và bê sữa, trong đó đàn bò của các hộ dân là 4.000 con, đàn bò tại các công ty là 200 con. Tỉnh cũng xây dựng các hình thức liên kết theo chuỗi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hợp tác cung ứng thức ăn, tiêu thụ sản phẩm sữa, chế biến sữa; thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa công nghiệp kết hợp chế biến sữa trên địa bàn; thu hút các hộ chăn nuôi mới đầu tư trang trại tại 222 vị trí còn trống tại các khu quy hoạch đã được phê duyệt, khuyến khích 113 hộ đang chăn nuôi trong khu quy hoạch tăng quy mô đàn đang nuôi lên trên 30 con/trại và tiếp tục khảo sát, mở rộng thêm các vị trí mới để quy hoạch phát triển bò sữa.
UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục hoàn thiện đường giao thông, nước sạch cho 4 khu quy hoạch, đồng thời quy hoạch và chuyển đổi thêm khoảng 37 ha đất trồng cây thương phẩm làm thức ăn để phát triển đàn bò đảm bảo theo đúng tiến độ.
Tỉnh Hà Nam cũng có chủ trương hỗ trợ một lần 20% kinh phí mua mới máy thái cỏ hoặc máy vắt sữa đối với hộ nuôi từ 10 con trở lên trong khu quy hoạch, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 triệu đồng/máy thái cỏ hoặc máy vắt sữa; hỗ trợ một lần 50% kinh phí xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải, có bể lắng cho hộ nuôi từ 10 con trở lên trong khu quy hoạch, yêu cầu dung tích bể lắng đảm bảo tối thiểu 1m3/con bò, tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ.
Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đeo thẻ tai bổ sung cho 2.000 con bò, bê sữa để quản lý đàn bò; hỗ trợ các hộ chăn nuôi 10.200 liều tinh bò sữa Holstein Friesian, Nitơ lỏng và các vật tư kèm theo để phối giống cho 3.400 con bò sữa có chửa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thông qua dẫn tinh viên cơ sở; hỗ trợ kinh phí tiêu độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh. Về vốn, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Hà Nam cho các hộ chăn nuôi vay 70% tổng số tiền mua 50 con bò sữa giống.
No comments:
Post a Comment