Liên kết nông dân trồng cam Vinh sinh thái - Quán thời gian

Breaking

Tuesday, May 12, 2020

Liên kết nông dân trồng cam Vinh sinh thái

Ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An có một nhóm hơn 30 hộ nông dân đã liên kết với nhau cùng trồng cam theo mô hình canh tác hữu cơ với diện tích khoảng 50ha. Nhờ vậy, sản phẩm thu hoạch luôn đạt được giá bán cao gấp 5-10 lần so với cam thông thường, không còn lâm vào cảnh “được mùa rớt giá”.

                                - Chu Minh Khôi -
Tìm lối ra bền vững cho cam Vinh
Nguyễn Thị Lê Na còn nhớ như in một cuộc gọi điện thoại từ 7 năm trước, khi chị còn đang làm nhân viên truyền thông tại Công ty Honda Việt Nam (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc) và không nghĩ đến việc về quê làm nông nghiệp...
Nguyen-Thi-Le-Na-JPG-7485-1584934346.jpg
Chị Lê Na chia sẻ lan tỏa phương thức trồng cam sinh thái chính là sứ mệnh của mình
...Ở bên kia đầu dây là người cha, giọng run run kể về việc vườn cam của gia đình thu hoạch không tiêu thụ được. Trong khi đang “khủng hoảng” đầu ra thì một đơn vị ở Hà Nội đặt mua 1,5 tấn cam tươi. Ông phải đánh xe quãng đường dài 6 tiếng đồng hồ, chở cam từ Quỳ Hợp (Nghệ An) vào Thủ đô giao hàng theo yêu cầu khách. Thế nhưng, họ không chịu trả tiền, cha cô đã bị lừa. Từ lâu, những nông dân ở xứ cam lừng lẫy Phủ Quỳ đã vật lộn với bài toán tìm đầu ra, thậm chí không ít lần phải nhắm mắt đổ bỏ hàng tấn cam mình dày công chăm bón vì kịch bản quen thuộc “được mùa mất giá”.
Lê Na phải nhờ các mối quan hệ để tìm ra cơ sở đã đặt mua cam và thu hồi được 900kg. Với số hàng đó, qua Facebook, chị kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ bán hết.
Vào năm 2013 ấy, Lê Na quyết định không thể để cha mẹ đơn độc trong cuộc chiến thị trường tưởng như không hồi kết, nên quyết định về quê. Nhưng về quê không phải để làm lại những gì mà người nông dân đã làm, mà chị quyết tâm làm những gì mà người nông dân quê chị chưa làm được. Lê Na đứng ra thành lập CTCP Trang trại nông sản Phủ Quỳ, đăng ký thương hiệu "Cam Vinh Kỳ Yến". Công ty được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An hỗ trợ xây dựng dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.
Tại thời điểm đó, Lê Na phát hiện ra một số gia đình vẫn còn giữ được cây cam Xã Đoài lừng danh một thời của Hà Tĩnh và Nghệ An. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết: “Cam Xã Đoài mọng nước/Giọt vàng như mật ong/Bổ cam ngoài cửa trước/Hương bay vào nhà trong”. Thế nhưng nay, cam Xã Đoài gần như biến mất, không còn sản phẩm bán ra thị trường. Trong khi đó, giống cam Vinh trồng ở Nghệ An do phun hóa chất nhiều, nên trái cam ngày càng nhạt vị. Nông dân dường như quên hết cách canh tác xưa, sự lệ thuộc vào hoá chất đã diễn ra  hàng thập kỷ và các công ty hoá chất đã áp đặt tư duy “không có hoá chất thì không thu hoạch được”.
Lê Na lọ mọ thử nghiệm cách trồng cam quý của Xã Đoài, đồng thời tham khảo thêm phương pháp syntropic cải tạo đất mô phỏng rừng nhiệt đới Amazon và permaculture (nông nghiệp tự nhiên)… Sau 2 năm miệt mài, đến năm 2015, vườn trồng Cam Kỳ Yến  tựa như một khu rừng của Lê Na được đăng ký sở hữu trí tuệ và chứng nhận VietGAP. Cam có chứng nhận VietGAP của Lê Na bắt đầu lên kệ các chuỗi cửa hàng và siêu thị uy tín. Dần dà, các đối tác uy tín tìm đến nhiều hơn với hợp đồng trả giá cao cho cam Kỳ Yến.
Đầu tư vào chế biến
Chưa muốn dừng lại với quy trình VietGAP, Lê Na quyết định trồng cam theo mô hình canh tác hữu cơ, mà chị gọi là trồng cam sinh thái, với mong muốn liên kết các hộ nông dân lại để trồng cam theo quy trình của Công ty. Đây là phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng. Chị đã phải mất rất nhiều công sức để nghiên cứu phương pháp trồng cây sinh thái của Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan…
Không phải là kỹ sư nông nghiệp nhưng chị đã tự nghiên cứu về đặc tính cây cam, những loại sâu bệnh tác động đến cây trồng, các dưỡng chất cần thiết. Sau khi tìm hiểu, chị thấy rằng cây cam cần một số chất chủ yếu, như: nitơ, kali, phốt pho, trung lượng, vi lượng và quan hệ cộng sinh với một số sinh vật khác để phát triển mạnh. Để cung cấp các dưỡng chất, chị sử dụng chính các loại cây lá ngâm ủ trong vườn làm phân bón. Chẳng hạn, tùy vào từng thời điểm, nếu cây cần đạm thì dùng thân cây đậu tương ủ mục, nhưng khi cần bổ sung kali thì lại dùng hạt đậu ngâm hoặc ủ thân cây chuối băm nhỏ làm phân bón...
Nguyen-Thi-Le-Na-tiep-cac-chuy-6307-4081
Nguyễn Thị Lê Na tiếp các chuyên gia nước ngoài đến thăm vườn cam
Quá trình chăm sóc, chị thấy trên cây cam có các loại sâu bệnh chủ yếu, như: nhện đỏ ăn lộc lá, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh... Do vậy, phải thiết lập một hệ sinh thái tự vận hành qua việc trồng xen canh, đa canh, cộng sinh giữa các loại thực vật nhằm hạn chế sâu bệnh, như chỗ nào trồng cây lạc tiên thì ở đó ít sâu bệnh hơn. Có thời điểm cây cam bị sâu ăn ngọn, chị huy động nhân công dùng tay bắt sâu hay thả kiến vàng để diệt sâu bệnh.
Sau khi đã có nông dân gánh bớt trách nhiệm trong mảng trồng trọt cho doanh nghiệp, Lê Na thử sức với chế biến: chị tự tay lên công thức và làm các sản phẩm từ cam tại nhà như cam khô, mứt, xà phòng, tinh dầu cam và thậm chí cả bánh trung thu cam. Các sản phẩm được kiểm định bảo đảm "5 không": không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen. Năm 2017, nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Thriive (Mỹ) cung cấp hệ thống kho mát, máy sấy phục vụ sản xuất, Công ty đã hoàn thành xây dựng nhà máy chế biến cam.
Đến thời điểm này, Công ty đã ký hợp đồng liên kết với hơn 30 nông hộ trên diện tích khoảng 50ha. Năm 2019, CTCP Trang trại nông sản Phủ Quỳ mời một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng người Hà Lan là Mart – người đã từng đi qua hơn 40 quốc gia, làm việc với nhiều mô hình nông nghiệp bền vững khắp thế giới – đến Việt Nam để nghiên cứu tư vấn hoàn thiện mô hình cam Vinh sinh thái. Lê Na đã tổ chức thành “lớp học” để nhiều nông dân và người làm nông nghiệp khác cùng trau dồi kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp hữu cơ.
Lê Na kết thúc năm 2019 bằng việc chốt hợp đồng với đối tác ở Campuchia, họ đã giao cho chị 30ha đất để mở rộng vùng trồng cam. “Với tôi, lan tỏa phương thức trồng cam sinh thái chính là sứ mệnh, bởi đó không chỉ là thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, mà còn là cách giữ nông dân ở lại với ruộng đồng, yêu ruộng đồng; và cũng là cách giúp nông dân thoát nghèo bền vững”, Lê Na chia sẻ.

No comments:

Post a Comment