GN - Cách đây hơn 15 năm, tôi thích những bài thơ đau đáu, khắc khoải về miền quê thôn dã của Chu Minh Khôi. Nay đọc bài thơ “Tháng Ba ở Hương Sơn” của anh trên báo Giác Ngộ số 737, tôi bất ngờ vì sự trở lại của anh với thơ sau một thời gian dài vắng bóng và đặc biệt ngỡ ngàng trước một sự chiêm nghiệm rất mới ở thi phẩm này.
- Nguyễn Thị Hằng -
(Bài đăng trên Báo Giác Ngộ năm 2013)
Hương Sơn tháng Ba
Cứ tháng Ba về là hoa gạo thắp lửa. Câu thơ “Hoa gạo giấu môi hồng sau vòm lửa/ Mưa phùn bay say khướt cả tháng Ba” không có gì mới mẻ và ấn tượng, bởi hình ảnh này đã trở nên quá quen thuộc trong thơ của biết bao người. Nhưng đến câu thứ ba, đột nhiên Chu Minh Khôi dường như chuyển tông hoàn toàn, vẽ nên hình ảnh thật lạ và thú vị:
“Núi lảo đảo nắng kinh cầu kiếp trước
Suối Yến ngược trôi về phía bóng Lăng Già”.
Núi vốn bất định, làm sao mà “lảo đảo” được? Nhưng, vì những lời kinh cầu nguyện sự cứu khổ, cứu nạn của muôn kiếp người từ bao đời nay khi đến với Hương Sơn đã thấm sâu vào núi đá, vang vọng đến muôn đời sau khiến núi cũng phải động lòng trắc ẩn, vậy thì sự “lảo đảo” của núi có thể hiểu được. Câu thơ “Suối Yến ngược trôi về phía bóng Lăng Già” thoạt đọc có vẻ khó hiểu. Tôi chưa từng nghe nói ở Hương Sơn có ngọn núi nào hay địa điểm di tích có tên Lăng Già. Tìm hiểu trên thế giới cũng không có địa danh nào mang tên Lăng Già. Nhưng trong kinh Phật có đề cập đến núi Lăng Già - một nơi xa xôi ở vùng biển phía Nam kỳ bí, chỗ của loài La-sát, chỉ có Đức Phật và chư thánh đệ tử mới có thể đến được. Lăng Già biểu trưng cho cõi huyền nhiệm, cõi Pháp, cõi Đạo. Trở lại với câu thơ của Chu Minh Khôi, phải chăng anh thấy suối Yến là cảnh thật nên nếu muốn chảy được về cõi huyền vi thì phải “trôi ngược” chăng? Tôi chưa hình dung khi suối trôi ngược sẽ như thế nào, suối trôi từ thấp lên cao chăng, và như vậy tác giả mới cảm hết cái tĩnh tại của mùa xuân nơi cõi thiền.
Chính nơi ấy anh đã gặp lại hình ảnh quen thuộc trong đất trời: “Chim én rót mùa xuân vào động biếc”. Ở đây chim én không chỉ là một nhân tố của mùa xuân, mà chim én đã trở thành chủ thể chi phối, làm nên mùa xuân. Nếu ở trên, tác giả cho chúng ta thấy một tâm trạng của núi khi chia sẻ nỗi đau với trần thế thì đến khổ thơ này anh lại đưa chúng ta vào một sự trải nghiệm khác:
“Thiên Trù đó chạm vào ta như thể
Hương lạ giai nhân lén bỏ bùa”.
Một lần nữa tác giả đưa chúng ta chạm tới sự vi diệu của cõi thiền. Thiên Trù vốn thâm nghiêm, vậy mà với anh, lại trở thành đối tượng trữ tình của cõi đời thế tục - giai nhân. Ngày trước, khi chưa trải nghiệm giáo lý đạo Phật, anh từng viết “Cỏ bùa mê thiếu nữ / Phảng phất ngày ta yêu” (bài thơ Về), đó là cái quyến rũ của trần thế. Còn ở thi phẩm mới này, khi so sánh sự quyến rũ của Thiên Trù với sự quyến rũ của giai nhân, nhân vật trữ tình dường như đang đứng giữa ngưỡng của đạo và đời, giữa giác ngộ và chưa giác ngộ.
Khổ thơ tiếp theo hắt lên một tứ thơ lạ:
“Ta vịn tay vào đầu kia cơn gió
Gặp chùm hoa vô sắc vừa rơi
Đường thái không ruổi về tâm tĩnh tại
Xin lụi tàn để mở cuộc sinh sôi”.
Lạ chính là ở câu “Ta vịn tay vào đầu kia cơn gió”. Gió vốn vô hình, vịn vào làm sao được! Mà gió hình gì mà lại có đầu kia, chắc còn có đầu này của cơn gió nữa chăng? Vậy mà với Chu Minh Khôi, gió lại trở thành sự vật hữu hình, cụ thể đến mức có thể “vịn tay vào”. Và chính lúc đó anh đã “Gặp chùm hoa vô sắc vừa rơi”. Tại sao là “hoa vô sắc”?
Đầu bài thơ là hình ảnh hoa gạo với màu sắc rực rỡ - một loài hoa có vòng đời thường ngắn ngủi, những bông lìa cành khi còn nguyên vẹn màu đỏ của máu, của lửa, của nhựa sống. Nếu là tôi, tôi sẽ rất cảm thương cho kiếp loài đó. Nhưng đó là cách nhìn của một người ngoại đạo. Còn với Chu Minh Khôi, phải chăng khi đến với Hương Sơn, anh đã gặp được “Đường thái không” - là nơi ánh sáng chân lý mặt trời soi rọi vào tim, để đạt được sự tĩnh tại. Khi đã liễu ngộ ra chân lý vô thường: con người phải chết đi mới hồi sinh nên tác giả đã nguyện được như bông hoa “Xin lụi tàn để mở cuộc sinh sôi”. Giờ thì chúng ta đã có câu trả lời: Sự héo úa của đầu này chính là sự nhú nụ lại đầu kia của kiếp hoa; cái chết đầu này và sự hình thành thai nhi trong bụng mẹ là đầu khác của kiếp người. Vậy thì “chùm hoa vô sắc” ở đây không hẳn là bông gạo tháng Ba hay một đóa hoa cụ thể nào mà chính là đóa hoa của sự ngộ đạo.
Và như vậy, nếu coi cơn gió cũng mang số kiếp như người và hoa theo cách hiểu ở trên, thì cơn gió đó cũng sẽ có hai đầu (lụi tàn và sinh ra), chứ không cần phải tưởng tượng rằng cơn gió như cái gậy thì mới có hai đầu như lúc mới đọc câu thơ tôi đã nhầm tưởng.
Phải chăng khi “Ta vịn tay vào đầu kia cơn gió” là anh đang đi tìm, đang hy vọng vào một sự hồi sinh mới cho mất mát vừa xảy ra? Với tâm trạng ấy, nhân vật tiếp tục hành trình của mình:
“Đường lên núi một vầng mây trắng
Gối đầu lên ngọn cỏ phiêu linh”
Câu thơ thứ nhất trong khổ thơ cuối tả thực nhưng vẫn làm nổi bật vẻ đẹp như ở cõi tiên của Hương Sơn. Nhưng đến câu thơ tiếp theo, tác giả lại tiếp tục đưa người đọc vào cõi siêu thực. Vầng mây trắng gối đầu lên ngọn cỏ cũng là cách tưởng tượng rất lạ. Có lẽ vì siêu thực, nên ngọn cỏ để cho mây gối đầu phải là ngọn cỏ huyền nhiệm, phiêu linh chăng. Để rồi từ đó Chu Minh Khôi đưa ra một cái kết cho bài thơ, cho cuộc hành hương về với chốn thiền đạo:
“Giọt sương câm đọng tương phùng vạn Pháp
Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình”.
Thiết nghĩ, đây là hai câu thơ làm nên cái kết rất đắt cho toàn bộ bài thơ. Với những ai đã hiểu ra chân lý của vũ trụ thì mỗi ngọn cỏ, mỗi lá cây, mỗi hòn sỏi… đều mang trong mình thông điệp của vũ trụ truyền tải đến con người. Điều đó đồng nghĩa rằng mỗi ngọn cỏ, mỗi lá cây, mỗi hòn sỏi… đều là những lời thuyết pháp của Đức Phật chuyển tải chân lý đến với con người. Thế nhưng với Chu Minh Khôi, ngay cả một giọt sương câm lặng không nói một câu nào, thì cũng đã chứa đựng trong đó cả hàng vạn câu thuyết pháp của Đức Phật. Ngàn vạn thông điệp về chân lý được tương phùng với nhau trong một giọt sương trước mặt anh.
“Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình”. Không biết trái tim tác giả lớn đến nhường nào mà khiến cả khu thắng cảnh Hương Sơn chui lọt vào được như vậy? Tác giả nói khoác chăng? Có lẽ không, khi cả thế giới đó trở thành rỗng lặng - vừa rỗng không vừa tĩnh lặng, thì điều này vẫn có thể xảy ra.
Khi nhân vật trữ tình đã đạt được điều này, tâm sẽ định. Đây lại cũng là một thủ pháp lạ mà anh sử dụng làm nên bài thơ này, với kết cấu đồng vọng ngược chiều giữa cảnh vật và tâm hồn con người, khổ thơ đầu là “núi lảo đảo” và kết thúc bằng tâm rỗng lặng. Chính điều này đã làm nên nét quyến rũ riêng cho bài thơ.
Nguyễn Thị Hằng
(Giáo viên Ngữ văn - Trường THCS Thịnh Trường, Nghi Lộc, Nghệ An)
(Giáo viên Ngữ văn - Trường THCS Thịnh Trường, Nghi Lộc, Nghệ An)
Tháng Ba Hương Sơn
Hoa gạo giấu môi hồng sau vòm lửa
Mưa phùn bay say khướt cả tháng Ba
Núi lảo đảo nắng kinh cầu kiếp trước
Suối Yến ngược trôi về phía đỉnh Lăng Già.
Chim én rót mùa xuân vào động biếc
Câu Nam-mô nhuộm tím cả chuông chùa
Thiên Trù đó chạm vào ta như thể
Hương lạ giai nhân lén bỏ bùa.
Ta vịn tay vào đầu kia cơn gió
Gặp chùm hoa vô sắc vừa rơi
Đường thái không ruổi về tâm tĩnh tại
Xin lụi tàn để mở cuộc sinh sôi.
Đường lên núi một vầng mây trắng
Gối đầu lên ngọn cỏ phiêu linh
Giọt sương câm đọng tương phùng vạn Pháp
Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình.
Chu Minh Khôi
No comments:
Post a Comment