Sách đồng - những báu vật - Quán thời gian

Breaking

Wednesday, May 13, 2020

Sách đồng - những báu vật

Thông thường sách xưa  được làm từ những    nguyên liệu phổ biến là    giấy hoặc vải, cao cấp hơn nữa là làm từ da động vật. Nhưng có loại sách cao cấp được gọi là kim sách, chúng được chế tác từ những kim loại quý như vàng, bạc, đồng. Nếu như sách vàng, sách bạc là loại kim sách chỉ dành riêng cho vua chúa nên vô cùng hiếm thì sách đồng có vẻ bình dân hơn, là loại sách tín ngưỡng do dân gian chế tác ra. Sách đồng chắc hẳn từng được tạo tác nhiều, thực sự trở thành một dòng chảy văn hóa riêng. Tuy nhiên, ngày nay ở nước ta có lẽ chỉ còn 12 cuốn sách đồng được biết tới. Dường như mỗi cuốn sách đồng hiện còn tồn tại đều mang theo nó những truyền ngôn lạ lùng, tất thảy đều là những di vật vô cùng quý giá, bởi chúng soi sáng cho rất nhiều sự kiện ghi chép trong chính sử. 12 cuốn sách đồng được biết đến gồm: 5 sách đồng ở Quảng Nam, sách đồng Cầu Không, sách đồng Đông Lao, sách đồng Mai Phúc, sách đồng chùa Láng, sách đồng chùa Đậu; và cách đây hơn 2 tháng, người ta mới phát hiện được 2 cuốn sách đồng ở chùa Bút Tháp. Trong số 12 cuốn sách đồng, có tới 4 cuốn kim sách thuộc về Phật giáo.
sachdong.gif
Sách đồng chùa Bút Tháp
  Chùa Đậu (Thường Tín - Hà Nội), hiện còn bảo lưu được một bản Thánh tích thực lục được khắc lên những tấm đồng mỏng, xâu ghép lại thành tập sách đồng. Văn khố Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu trữ một phiên bản sách đồng chùa Đậu, được sao chép nguyên văn bản gốc, mang ký hiệu A.1067. Nội dung của sách đồng ghi chép lại sự tích ra đời của ngôi chùa từ thời Sĩ Nhiếp (khoảng 175-222 sau TL). Theo sách kể, thời đó ở phía Nam kinh thành như có luồng linh khí. Quách Thông theo lệnh Sĩ Nhiếp về tới đất Gia Phúc thấy thế đất tựa dáng hình một đôi hoa sen đang nở tỏa sáng. Sĩ Nhiếp cho rằng hoa sen là nơi đất Phật bèn cho lập chùa đặt tên là Thành Ðạo tự, rước Ðại thánh Pháp Vũ Bồ tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ tự. Do nhà vua chọn đất làm chùa nên gọi là chùa Vua. Bồ tát hiện thân nữ nên gọi là chùa Bà. Bậc trí sĩ cầu nghiệp lớn được đỗ đạt, người dân trồng cây ra hoa đậu quả nên dân gian gọi là chùa Ðậu (Chữ Ðậu cũng là chữ rút gọn từ chữ Thành Ðạo).
 Chùa Láng (Ðống Ða - Hà Nội), tên chữ Chiêu Thiền tự, được dựng từ thời Lý Anh Tông (1138-1175). Tương truyền xưa chùa có cuốn kinh bằng đồng lá, là di vật do Từ Đạo Hạnh cho chế tác, sách được khắc kinh Phật chỉ để vua Lý tụng niệm mỗi lần đến lễ chùa. Chùa Láng xưa dựng trên nền cũ của ngôi nhà sinh ra Từ Đạo Hạnh. Tiếc rằng cổ vật này đã mất vào năm 1946.
Tại chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh) vào tháng 3-2009 mới đây, trong quá trình trùng tu tháp Tôn Đức đã phát hiện 2 cuốn sách đồng quý hiếm, được cất giữ trong lòng tháp suốt hơn 300 năm qua. Tháp Tôn Đức được xây dựng vào thời Lê, là nơi đặt xá lỵ của Thiền sư Minh Hành (1596-1659). Do đỉnh tháp bị cây dại xâm lấn, ăn mòn mạch vữa khiến chóp tháp có nguy cơ sập đổ nên nhà chùa phải trùng tu lại. Nếu không có sự kiện trùng tu này, có lẽ 2 cuốn sách đồng sẽ còn mãi bí mật trong lòng tháp cổ mà không được biết tới. Sách được đặt trong lòng tháp ở vị trí cách đỉnh khoảng 1 mét. Sách được bọc trong nhiều lớp giấy dó, thời gian 300 năm đã khiến lớp giấy dó vón lại. Cả 2 cuốn sách đồng đều được khắc chữ trên cả 2 mặt, mỗi trang khoảng 500 chữ. Một cuốn sách đồng gồm 23 trang, ghi rõ tên sách là Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh Hải Hội Phật, ghi niên đại năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) và người dâng cúng là Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu Pháp Tính. Cuốn sách thứ 2 gồm 33 trang, không có dòng nào ghi tên sách, niên đại và người cung tiến. Bên cạnh 2 cuốn sách đồng, còn tìm thấy 2 hiện vật có hình dáng giống chiếc trâm cài của phụ nữ. Theo đoán định của các nhà chuyên môn, đây là vật người xưa dùng để mở sách. Những nét chữ trong các bản sách đồng này vẫn còn tươi mới như vừa mới khắc, mặc dù sách được khắc cách đây đã 300 năm. Lý giải điều này, ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho rằng, ngay khi vừa khắc xong, sách được đưa ngay vào trong lòng tháp. Khi nghiên cứu toàn bộ bản sách, các nhà khảo cổ không tìm thấy dấu hiệu của việc sách đã qua sử dụng. Đây chính là đồ tùy táng, được đem theo người chết khi trở về cõi vĩnh hằng.
Cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong một lần đi điền dã đã phát hiện cuốn sách đồng ở làng Mai Phúc, xã Gia Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Sách gồm 12 lá đồng, khổ 18x30cm, trọng lượng 1kg. Mỗi trang có 7 hoặc 8 dòng, mỗi dòng có từ 5 đến 25 chữ, tổng cộng sách có khoảng 2.000 chữ. Sách khắc lại bản thần tích do Hàn Lâm viện Ðông các Ðại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) đời Lê Anh Tông. Điều đáng chú ý, đây là cuốn sách đồng “trẻ tuổi” nhất, mới được dân làng khắc lại vào năm 1920, chế tác theo đúng nguyên bản sách đồng làm năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) đời vua Lê Ý Tông. Chữ Hán khắc chìm trên một mặt không trang trí, nhưng không ghi tên nghệ nhân khắc sách. Thần tích kể về câu chuyện hai anh em họ Xuân Vinh và Xuân Nương thông minh tài giỏi, đã mộ quân giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan sứ quân Kiều Công Hãn ở thành Phú Lâm. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đã phong cho Xuân Vinh làm đại vương và Xuân Nương làm công chúa. Phần cuối sách ghi rõ ngày hóa của nhị vị thần linh và thời gian làm sách đồng.
 Đình làng Ðông Lao (Hoài Ðức - Hà Nội) cũng lưu giữ được một cuốn sách đồng, niên đại năm Chính Hòa thứ tám (1687) đời vua Lê Huy Tông. Sách gồm 18 lá đồng, khổ 12,5x19cm, nặng 4,7kg, liên kết với nhau bằng ba chiếc khuy tròn lồng qua lỗ đục sát mép gấp. Mỗi tờ đồng lá khắc chữ Hán nổi sắc nét, nội dung sách nói về khoán ước của làng thờ cúng Thành hoàng Nguyễn Công Triều - một vị tướng thời Lê có công với nước với làng. Sách có số phận “dâu bể” nhất trong số đồng thư hiện còn. Năm 1947, sách đã từng bị đánh cắp và bán cho lò đúc đồng Ngũ Xã. Tưởng chừng số phận đồng thư Đông Lao bị “hóa kiếp”. Truyền ngôn kể rằng, ông chủ lò đồng ở Ngũ Xã hôm ấy nhóm lò ba lần liền đều bị tắt, bèn cho sắp xếp lại đồng vụn trong nồi và phát hiện ra cuốn sách đồng. Tuy ít học, nhưng là người trọng chữ nghĩa, ông cho người báo về làng Đông Lao. Một đoàn bô lão đại diện dân làng lên chuộc và thỉnh sách về yên vị tại nhà thờ tổ để chúng ta còn được chiêm ngưỡng hôm nay. Người làng Đông Lao cho rằng, nhờ có sự phù hộ của Thành hoàng làng, quận công Nguyễn Công Triều linh thiêng đã bảo vệ nó thoát khỏi lò nấu đồng Ngũ Xã.
sachdongquy.jpg
Sách đồng Cầu Không
Ông Nguyễn Văn Thùy (Lý Nhân - Hà Nam) hiện còn lưu giữ một cuốn sách đồng vô cùng quý giá. Xưa kia, cuốn sách này vốn được cất giữ tại đền Cầu Không (Thái Bình), tọa lạc ngay gian giữa của chiếc cầu gỗ 21 gian kiểu “Thượng gia hạ kiều”. Đến năm 1951, Cầu Không đổ nát, sách mới lưu lạc về nhà dân. Ngoài bìa có khắc tên sách là “Khâm đúc đồng bài”, niên đại chế tác ngày 6 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 3 (1742). Sách gồm 2 tấm đồng tạo nên 4 trang sách khổ lớn, nặng 6,5kg. Tổng cộng sách khắc 527 chữ Hán và 2 chữ Nôm, có dòng chỉ có một chữ, dòng dài nhất có 37 chữ. Sách đồng Cầu Không là kho dã sử kể về kỳ tích vua Lê Thánh Tông bình Chiêm ở phương Nam, đồng thời kể sự linh thiêng của đền Cầu Không ở Hà Nam. Cho dù có đôi chút thần thánh hóa, song đây thực sự là một tư liệu sử học quý về lai lịch Cầu Không, cũng như sự nghiệp an quốc nơi biên viễn phương Nam của Đại Việt hồi thế kỷ XV.
Ngày 14-4-1994, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã may mắn mua được 4 cuốn sách đồng triều Nguyễn từ một người chuyên thu nhặt phế liệu tên là Trần Văn Thảo. Các hiện vật quý giá này do ông Thảo đào được trên bãi cát nằm giữa hai huyện Hòa Vang và Điện Bàn. Trong đó, 3 cuốn là sách phong quận công và phong vương cho cha con Nguyễn Phước Hiệu. Một cuốn đặc biệt khắc bài ngự chế của vua Minh Mạng. Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Nam hiện còn 1 cuốn sách đồng nữa cũng là một tư liệu lịch sử vô cùng giá trị hiện được bảo lưu tại nhà thờ họ Hoàng (Điện Bàn - Quảng Nam). Sách cho biết gốc gác Tổng đốc Hoàng Diệu, đã tuẫn tiết khi Hà Nội thất thủ, vốn xuất thân từ một chi họ Mạc ở Hải Dương di tán vào Nam khi họ Mạc bị diệt vong (Theo Trịnh Thu Hà, Sách đồng, bia đá, sách gỗ, sách lá).
 Chắc hẳn trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, sách đồng đã tạo thành một dòng chảy văn hóa khá phổ biến trong dân gian. Nhưng sách đồng cổ trên đất nước ta hiện chỉ còn lưu giữ được không nhiều. Việc phát hiện 2 cuốn sách đồng mới đây tại chùa Bút Tháp đã góp thêm báu vật không chỉ cho kho tàng di vật đồ sộ của Phật giáo, mà còn rất ý nghĩa đối tư liệu văn hóa lịch sử quốc gia.
                  - Chu Minh Khôi - Bài đăng trên Báo Giác Ngộ năm 2008 -

No comments:

Post a Comment