Dẹp “bát nháo” ở di tích: Mới nhìn thấy ngọn mà chưa thấy gốc - Quán thời gian

Breaking

Wednesday, May 13, 2020

Dẹp “bát nháo” ở di tích: Mới nhìn thấy ngọn mà chưa thấy gốc

GN - Thời gian gần đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra công văn yêu cầu đưa sư tử đá “ngoại lai” ra khỏi tất cả các di tích lịch sử, văn hóa. Nói về vấn đề này, TT.Thích Minh Hiền (ảnh) - Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN chia sẻ:
TT Thich Minh Hien.jpg
Sư tử là một trong những hình tượng được đề cập nhiều trong kinh điển Phật giáo. Ở Việt Nam cũng như một quốc gia chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo khác, chúng ta dễ dàng thấy hình tượng sư tử xuất hiện nhiều trong chùa, trong các công trình kiến trúc, điêu khắc. Nhưng sư tử ở chùa không phải là sư tử thường. Cũng như hoa sen của Phật giáo là biểu tượng sự giác ngộ, tính chất vô nhiễm.
Tất thảy hình tượng các con thú hiện diện trên kiến trúc Phật giáo đều có sự sáng tạo, với những biến hóa kỳ dị, chứ không phải là truyền thần từ con vật ngoài thiên nhiên. Các linh vật như nghê, rồng, long mã, lân, ly, quy, phượng… người xưa đã kết hợp những phận của nhiều con vật khác nhau để tạo thành những con vật trong huyền thoại, cho chúng sức mạnh linh thiêng.
Người ngày nay dường như mất đi trí tưởng tượng và sáng tạo, nên khi tạc các con vật để đưa vào di tích, thì hầu như đều truyền thần giống hệt con vật thật, vì vậy không thể là linh vật. Sư tử thời xưa trong các ngôi chùa cổ Việt Nam đều hội tụ đầy đủ các thủ pháp nghệ thuật cách điệu, ước lệ, tượng như: ở bờm là những hình xoắn ốc; quanh mép và lông mày là các hoa văn móc câu, hoa văn dây cúc; mũi được tạo bởi những hình lượn song song…  khiến con vật trở nên linh dị. Thế nhưng ngày nay, người ta đặt ở trước cửa chùa những con sư tử đá giống hệt như sư tử thật, không có một chút thủ pháp nghệ thuật nào, là điều khó chấp nhận được. Vì vậy, tôi rất tán thành việc các cơ quan chức năng yêu cầu đưa những con sư tử đá như vậy ra khỏi di tích.
Tuy nhiên, với lý do mà các nhà nghiên cứu, các nhà chức trách đưa ra quyết định này là ngăn chặn “linh vật ngoại lai” thì tôi thấy cần phải cân nhắc. Có nên đưa ra quan điểm bài xích văn hóa ngoại lai, những cái gì không phải của người Việt là chúng ta vứt bỏ? Phải nhìn nhận rằng, văn hóa giữa các nước từ xa xưa đến nay luôn giao thoa với nhau, có sự tiếp biến văn hóa và bản địa hóa.
Hầu hết các linh vật trong đình chùa xưa kia, đều lấy mẫu từ Trung Hoa, Nhật Bản. Ngược lại, cũng có nhiều linh vật mà người dân nước ta sáng tạo ra đã được người Trung Quốc, Nhật Bản thấy đẹp nên bắt chước theo. Có điều, văn hóa từ nước ngoài vào, chúng ta phải bản địa hóa, làm thay đổi cho khác đi rồi mới dùng, chứ không bê nguyên mẫu.
Theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa đang tập hợp những mẫu linh vật phù hợp để giới thiệu cho toàn dân tham khảo, thay thế những sư tử đá phải loại bỏ. Quan điểm của Thượng tọa như thế nào?
- Tôi cũng đọc nhiều tờ báo đề cập ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà chức trách của Bộ Văn hóa nói rằng, ở vị trí canh gác cửa đình, chùa, từ xưa nhân dân ta thường đặt các con vật: nghê, rồng, sấu đá, sư tử Đại Việt… Tôi cho rằng, họ nêu lên những con vật trên là hơi vội vàng, cần phải nghiên cứu kỹ càng. 
Sư tử  chùa Hương Lãng thời Lý.jpg
Hình tượng sư tử phong cách Việt Nam (thời Lý, chùa Hương Lãng, Hưng Yên)

Con nghê đúng là linh vật đặc hữu ở Việt Nam, nhưng chưa từng nhìn thấy con nghê đặt ở cổng chùa, cửa chùa bao giờ. Từ xưa tới nay, hình tượng nghê toàn ngự trên mái chùa, đỉnh lư xông trầm... Sư tử Đại Việt, hay nói đúng hơn là sư tử thời Lý thì hầu như chỉ thấy ở bệ tượng Phật (như ở chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng), hay tượng Từ Đạo Hạnh (ở chùa Thầy), chứ không phải làm nhiệm vụ canh gác cửa chùa. Những con sấu đá, rồng thì người xưa có bài trí trước thượng điện chùa hay cổng chùa đấy, nhưng phải hiện diện trên lan can tay vịn ở thành bậc lên xuống, vì vậy những ngôi chùa nào mà có lối lên nhiều bậc thì mới xây lan can và sử dụng những hình ảnh này được.
Nhiều vị nói rằng khi đã tập hợp được các mẫu linh vật thì sẽ giới thiệu trên các kênh thông tin của tạp chí mỹ thuật, báo văn hóa... Tôi thấy ý tưởng mục đích thì hay, nhưng nếu cách làm chỉ như vậy sẽ chẳng đi đến đâu. Truyền thông loại sư tử đá ra khỏi di tích nếu chỉ hướng vào các đối tượng quản lý các cơ sở tự viện, di tích thì chỉ mới nhìn thấy ngọn mà chưa nhìn thấy gốc. Những người quản lý di tích, hay người dân khi muốn công đức một linh vật vào chùa, thì họ phải đến các làng nghề để mua. Ở các làng nghề chỉ có sư tử đá mà không có các linh vật khác - đó chính là nguyên nhân nhiều năm qua người dân tiến cúng sư tử đá vào di tích.
Theo tôi, cần chúng ta cần có các biện pháp ngăn chặn từ người thợ, các cơ sở sản xuất đừng sản xuất, chế tác những con vật như vậy nữa. Cả nước có hơn 3.400 làng nghề truyền thống, được tiếng là xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ mỗi năm đem về ngót 2 tỷ đô-la, thế nhưng khâu thiết kế mẫu mã cực kỳ kém, không được đầu tư. Người thợ làm nghề thủ công ở Việt Nam nhái mẫu thì nhanh lắm, nhưng sáng tác thì khó. Bởi vậy, toàn nước ngoài họ mang mẫu đến đặt chúng ta làm, chứ chúng ta ít có sáng tạo ra được những mẫu mã mới và đẹp.
Muốn thay đổi tình trạng bất cập về linh vật trong di tích, cần phải hướng vào các làng nghề điêu khắc. Khi đã tập hợp được mẫu linh vật rồi, thì các nhà chức trách phải chế tác ra những sản phẩm mẫu, rồi đem đến các làng nghề điêu khắc cho người thợ họ biết. Rồi truyền thông, thậm chí cả mở lớp tập huấn cho người thợ thủ công nắm được kỹ năng chế tác những linh vật truyền thống.
Tôi thấy việc xử lý sư tử đá hiện nay tuy mục tiêu đúng, nhưng cách nghĩ cách làm vẫn theo tư duy manh mún. Trong việc bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị di sản, văn hóa Phật giáo hiện nay vô vàn vấn đề bất cập. Nay dù giải quyết được vấn đề sư tử đá, thì rồi sau nữa dư luận lại rộ lên những bất cập khác, lúc đó các nhà chức trách lại chạy theo từng sự việc. Cần phải có cái nhìn tổng thể, rộng ra toàn cục một cách căn cơ, chứ đừng chỉ tư duy vá víu theo mấy con linh vật.
Xin Thượng tọa nói rõ hơn, tư duy căn cơ toàn cục trong vấn đề thì nên như thế nào?
- Hiện nay chúng ta không phân biệt được giữa kiến trúc đền, đình, chùa khiến các công trình cứ na ná như nhau. Truyền thống xưa kia, kiến trúc của Phật giáo có tiếng nói riêng. Chùa khác với kiến trúc đình, đền thờ, miếu, quán, phủ. Nhất là họa tiết, hoa văn Phật giáo có ngôn ngữ riêng, long ly quy phượng ở chùa cũng khác với long ly quy phượng ở đình, không lẫn vào đâu được. 
TTO.jpg
Từ trước đến nay, các nhà chức trách chưa có một sự
hướng dẫn nào đối với các cơ sở làm nghề thủ công mỹ nghệ - Ảnh TTO

Ngày nay khi người ta xây dựng hay trùng tu các công trình kiến trúc Phật giáo, các họa tiết hoa văn cứ xoay quanh long ly quy phượng; tùng cúc trúc mai là chấm hết. Thực ra hoa văn truyền thống Phật giáo nước ta vô cùng đa dạng, với hàng trăm mẫu khác nhau, nhưng giờ người ta quên hết như: sóng nước, dây cúc, vũ nữ dâng hoa, chim thần Garuda, bát cát tường…
Vì vậy, nếu đã đề xuất tập hợp mẫu linh vật truyền thống để khuyến cáo sử dụng, thì cần mở rộng ra nghiên cứu tập hợp hết các mẫu hoa văn truyền thống, các mẫu của mọi di vật khác như lư hương, tượng thờ, chuông… rồi các mẫu kết cấu kiến trúc như xà vì, cột kèo, kẻ bẩy, mái, tảng đá kê chân cột, các bức cốn, cửa võng… Tức là mọi mẫu vật liên quan đến di tích cần được tập hợp để công bố một lần, từ đó những người trùng tu di tích hay xây dựng đình chùa  có cơ sở để tham khảo, tuân theo.
Ngày xưa từ thời Lê trở về trước, các triều đình phong kiến nước ta đều có quy định phép tắc rõ ràng về từng công trình kiến trúc: Đình phải thế nào, chùa phải thế nào, miếu thế nào, nhà dân như thế nào… Những ai khi qua đời thì được xây lăng, ai được xây tháp, ai chỉ được xây mộ thì đều có quy định rõ. Nơi ở của những quan lại cấp bậc nào thì mới được gọi là phủ, nơi ở của quan cấp thấp và dân thường chỉ được gọi là nhà. Bây giờ thời đại tự do dân chủ, đã xóa hết các quy định đó, cào bằng hết.
Dân thường bây giờ cứ có tiền nhiều xây tư gia to thì cũng được gọi là phủ, nhiều người không có công trạng gì với đất nước cũng được con cháu xây lăng. Xưa kia, rồng phượng là biểu tượng cao quý chỉ có ở những kiến trúc của triều đình, hay các kiến trúc  công cộng, ngày nay người ta đưa rồng xuống mồ, xuống mả của nhà thường dân thì còn gì là cao quý.
Bởi vậy, tôi cho rằng khi đã nhìn toàn cục, thì Nhà nước cần phải xây dựng một đề án tổng thể về chấn hưng văn hóa vật thể.  Trong đó, nghiên cứu tập hợp tất cả các mẫu di vật, cổ vật, hoa văn họa tiết truyền thống; xây dựng bộ quy định cho mọi khía cạnh liên quan: như kiến trúc từng loại công trình đình, chùa, miếu, quán, phủ…; quy định mẫu linh vật, di vật, tượng và cách thức bài trí chuẩn mực trong di tích.
Có dư luận cho rằng, hai tòa tháp ở hành lang phía trước gác chuông Thiên Trù (chùa Hương) mới được xây dựng cách đây 4 năm là “học đòi” kiểu Nhật. Với vai trò trụ trì chùa Hương, cũng là “tác giả” của tháp đó, Thượng tọa nói gì về điều này?
- Ai nói rằng tháp đó học theo kiểu Nhật là chưa tìm hiểu kỹ càng. Ban đầu, tôi không có ý định xây những tháp này. Khi dựng hai dãy nhà ở 2 bên sân phía trước gác chuông để làm bảo tàng và nhà khách của chùa, do sự chênh nhau giữa hai cốt sân lên tới 3m, khiến hai dãy nhà khấp khểnh rời rạc. Để liên kết với nhau, tôi suy đi tính lại, thấy đặt một kiến trúc giống như gác chuông cao 3 tầng là hợp lý nhất. Khi xây dựng công trình, tôi đều kế thừa những kiến trúc đã có ở Việt Nam.
IMG_7171.JPG
Một góc bảo tháp mới xây tại chùa Hương - Ảnh: C.M.K

Tháp chùa ở Nhật Bản được chịu lực bởi 5 trụ đỡ (gồm 4 trụ góc và 1 trụ tâm), còn hai tháp xây ở chùa Hương đều có 4 trụ, không có trụ tâm - tức là theo đúng phong cách truyền thống Việt Nam. Hình dáng đầu đao và mái đều tuân thủ truyền thống Việt. Mái chùa tháp ở Nhật Bản lợp ngói ống, trong khi ở chùa Hương lợp ngói mũi hài.
Những người cho rằng giống tháp của Nhật, có lẽ là do họ nhìn vào hệ thống đấu củng đỡ đầu đao. Thực ra, hệ thống đấu bẩy và đấu củng này là tôi học theo đúng nguyên mẫu trên gác chuông chùa Keo (Thái Bình). Trước đó, khi người ta trùng tu gác chuông chùa Keo đã phải một phen dở khóc dở mếu, các đấu củng tháo ra rồi nhưng không lắp vào được, vì từ xưa đến nay không có hệ thống đó ở Việt Nam. Sự phát triển hệ thống đỡ mái trong kiến trúc chùa xưa ở nước ta, ban đầu sử dụng hệ thống các con sơn để chống mái. Những thời đại sau, người ta bỏ con sơn đi, thay bằng kẻ bẩy lao ra để đỡ mái. Nhưng ở gác chuông chùa Keo, lại sử dụng các đấu củng để đỡ đầu đao.
Từng có một số chùa cổ ở nước ta xuất hiện đấu củng đỡ mái, nhưng chỉ có một đấu củng. Riêng dưới đao gác chuông chùa Keo thì có tới 6 đấu củng chồng liên tiếp lên nhau theo hình thang lộn ngược. Phong cách này phổ biến ở Nhật, vì vậy người ta đã phải nhờ các chuyên gia của Nhật tư vấn thì mới hoàn thành việc trùng tu chùa Keo.
Trên 2 tháp mới xây tại chùa Hương, tôi để thủng cả 4 mặt tháp, mô-típ này theo đúng với gác chuông cổ của chùa Hương. Đây cũng là điểm khác biệt vì các mặt của gác chuông truyền thống nước ta đều có ván bưng. Nhiều người nhìn cái đỉnh tháp bằng đồng cao 1,5m cũng bảo nó không giống kiến trúc Việt Nam.

Thực ra đỉnh tháp đó tôi bắt chước đỉnh tháp chùa Báo Ân qua những tấm ảnh người xưa chụp từ đầu thế kỷ XX, trước khi chùa Báo Ân bị phá. Vào thời Lý - Trần, mọi tháp chùa ở Việt Nam đều có đỉnh (sử sách ghi lại trên tháp Báo Thiên thời Lý đặt một cái đỉnh bằng đồng nặng một vạn cân - đây là một trong Thiên Nam tứ đại khí). Các thời đại Hậu Lê trở về sau, người ta “cắt béng” những cái đỉnh nhọn của tháp đi, nên ta không còn nhìn thấy nó hiện diện trên kiến trúc tháp chùa nữa.
Chu Minh Khôi thực hiện
(Đăng trên Báo Giác Ngộ năm 2010)

No comments:

Post a Comment