Cột kinh Lăng Nghiêm ở chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình).
Cột kinh chùa Nhất Trụ cao 4,16m, gồm 6 bộ phận gá lắp với nhau bởi các ngõng, bao gồm: tảng đế vuông, đế tròn, thân bát giác, bông hoa đá tám cánh, và đỉnh hồ lô. Tất cả các bộ phận gắn với nhau hoàn toàn không sử dụng chất kết dính, nhưng rất vững vàng, trải qua ngàn năm, gió mưa bão lụt, mà cột kinh vẫn đứng thẳng.
Tảng đế vuông dày 30cm, kích thước mỗi chiều 140cm, có lỗ mộng tròn ở giữa. Đế tròn có đường kính 76cm, dưới đáy đế có ngõng lắp vừa khít vào lỗ mộng ở tảng đế vuông. Trên mặt đế tròn có lỗ mộng sâu 9cm. Thân cột bát giác có số đo qua tâm hai mặt đối diện là 65cm. Hai đầu cột đều có ngõng cắm vào đế và thớt. Thớt bát giác dày 13cm, số đo qua tâm hai mặt đối diện là 69cm, mặt dưới có lỗ mộng ngậm khít vào ngõng trên của thân bát giác. Bông hoa đá cao 26cm, có đường gờ miệng uốn lượn tạo nên 8 đỉnh nhọn, phía dưới bông hoa thu nhỏ hình tròn, mặt trên bông hoa đá có lỗ mộng tròn để gắn chóp. Chóp hình chiếc hồ lô thóp bụng, miệng tù, cao 80cm, đường kính 30cm.
Bao quanh đế cột có vòng cánh sen đường kính 107cm, với tổ hợp 22 cánh đơn, chiều dài mỗi cánh 15-17cm, rộng 13cm. Cánh sen thon tương tự cánh sen trên một số tảng đá làm bậc đi ở trong động Am Tiên (tương truyền là nơi Vua Đinh nhốt hổ báo để trừng phạt kẻ có tội). Tiến sĩ Đặng Công Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cho chúng tôi biết rằng đây là những cánh sen xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam trong kiến trúc nghệ thuật. Các hình thức trang trí cánh sen trong kiến trúc Lý - Trần đều bắt nguồn từ đây.
Trên tám mặt của thân bát giác khắc đầy chữ Hán, ước khoảng 2.500 chữ, nhiều chữ đã bị mờ khiến văn tự không đọc được nguyên vẹn, số chữ có thể đọc được hoặc nhận dạng là 1.200 chữ. Theo Tiến sĩ Nga, thì nội dung văn tự là bài kinh Đà La Ni và kinh thủ Lăng Nghiêm, ca ngợi sự bền vững của Đức Phật, to lớn bao trùm của tài năng Phật Như Lai. Căn cứ vào câu: “Đệ tử Thăng Bình Hoàng đế... Lê tổ tự thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai...”, truy ra niên đại cột kinh  làm năm 995. Những nghiên cứu của Đặng Công Nga  cũng cho thấy  thạch kinh Hoa Lư có dòng chảy riêng, không phải là khởi nguồn cho loại kiến trúc Liên Hoa Đài (chùa Một Cột), bản chất cột kinh Hoa Lư cuốn kinh Phật bằng đá.
Năm 1963, trong khi trị thủy sông Hoàng Long ở Hoa Lư, nhân dân ta đã đào thấy nhiều mảnh bát đĩa, xương voi ngựa. Đặc biệt là tìm thấy thạch kinh, phần lạc khoản có đoạn: “...Thời Quý Dậu tuế đệ tử Tĩnh hải quân tiết độ sứ Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn kính tạo bảo tràng nhất bách tọa”, để  biết được năm 973, Đinh Liễn (con cả của Vua Đinh Bộ Lĩnh) đã làm một trăm tòa kinh Phật để dâng lên chùa.
Từ năm 1963 đến nay, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cùng các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã tìm vớt lần lượt các cột kinh Phật nằm dưới đáy sông Hoàng Long và lòng đất hoa Lư. Cả thảy 40 cột kinh Phật đã được đưa lên khỏi lòng đất. Chuyển 17 thạch kinh về bảo quản trong kho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, trong đó 6 thạch kinh nguyên vẹn nhất được đặt ở phòng trưng bày để mọi người dân đều có thể tới xem.
Những cột kinh làm bằng đá xanh đều bao gồm 6 phần gá lắp vào nhau bởi mộng và ngõng đứng vững được trên mặt đất mà không cần chằng buộc hay chống đỡ. Sáu bộ phận gồm: tảng đế vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt, đế trên, chóp. Hình dáng kết cấu đều giống với cột kinh Lăng Nghiêm ở chùa Nhất Trụ, nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều, chiều cao mỗi cột trên dưới 140cm. Trên tám mặt thân bát giác đều khắc đầy chữ Hán, mỗi cột chứa 545-563 chữ.
Phần lạc khoản là những lời sám hối của “Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn” con cả của “Đại Thắng Minh Hoàng đế” (Đinh Tiên Hoàng). Đinh Liễn bày tỏ sự ân hận vì ông ta và em trai tranh giành ngôi báu, khiến ông ta sát hại em trai. Lạc khoản có đoạn: “...cơ sự đã đến nông nỗi chém giết nhau này, thật hối hận, bèn xin dựng một trăm tòa kinh báu dâng Phật  cầu cho vong hồn em trai đã mất và các vong linh gia tiên được giải thoát khỏi sự bắt bớ tra hỏi nơi địa ngục...". (theo bản dịch của Đặng Công Nga).
Những lời lạc khoản cho thấy bản thân Đinh Khuông Liễn trong đời sống tâm linh thiếu sự yên ổn, bị vua cha vì tình riêng không phong làm thái tử kế vị ngai vàng sau này nên ông ta đã đang tâm giết chết em trai mình để tranh giành ngôi báu. Sám hối trước những tội lỗi ấy, Khuông Liễn đã dựng những thạch kinh để mong cầu siêu thoát cho gia đình, và chính mình cũng muốn yên ổn trên ngai vàng điện ngọc.
Tiến sĩ Đặng Công Nga khẳng định: “Những cột kinh Phật thời Đinh – Lê ở Ninh Bình là những thạch kinh cổ nhất Việt Nam. Chúng có giá trị vô cùng to lớn đối với nghiên cứu lịch sử nước nhà, giúp làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử quan trọng nửa cuối thế kỷ thứ X"