Chu Minh Khôi là nhà báo. Hẳn nhiên rồi. Anh là phóng viên của Thời báo Kinh tế Việt Nam, mảng chuyên đề nông nghiệp. Chu Minh Khôi là nhà thơ.
Điều này cũng hẳn nhiên. Bởi chỉ với bài thơ “Hương Sơn tháng ba” trong tập thơ “Ly cà phê tháng tư” (Nhà xuất bản Lao động, năm 2014), cho dù anh có là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay không thì tác phẩm ấy vẫn làm cho Chu Minh Khôi trở thành nhà thơ trong lòng người đọc.
Tấm thẻ hội viên không làm nên tên tuổi nhà thơ, mà phải chính là tác phẩm mới có thể nói lên người viết là ai.
Với Chu Minh Khôi, báo là nghề, thơ là nghiệp. Trong đời sống thường nhật, anh là một phật tử, pháp danh Quảng Tuệ. Đó là trong cái lý trí, tư duy phân biệt rạch ròi như thế.
Còn thực tế, Chu Minh Khôi là tổng hòa của những quan hệ xã hội với các hình thái ý thức khác nhau. Nhưng cho dù là tổng hợp của các yếu tố gì đi chăng nữa thì nét nổi bật và chiếm lĩnh sâu đậm nhất trong con người anh vẫn là thi ca và thuộc về thi ca...
Nổi lên từ thời Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím những năm 1994-1999, cùng thời với Bình Nguyên Trang, Trang Hạ, Phong Điệp, Dương Bình Nguyên, Dương Thụy...
Chu Minh Khôi là cây viết thường xuyên trên các ấn phẩm của tuổi hoa niên, được là đại biểu dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 6 (năm 2001), có nhiều thơ đăng trên các báo, tạp chí văn hóa văn nghệ trên cả nước.
Nhưng thời đó mới chỉ là những câu thơ đầu đời, thuở học trò, có thể lẫn vào đâu đó trong muôn vàn câu thơ khác của các nhà thơ khác hoặc là những câu thơ tình yêu mới ra ràng, có thể ấn tượng hoặc sâu sắc, có thể phai mờ theo tháng năm như quy luật vốn thế.
Từ đó, anh cứ say viết, cả báo, cả thơ như một hành trình đã được định trước. Trên hành trình đó, sau bao nhiêu những vần thơ, phải đến tận câu thơ “Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình” và chỉ đến câu thơ này thì Chu Minh Khôi mới vụt hiện lên sáng láng, bật hẳn lên như một ngọn núi trong hàng ngàn những câu thơ của chính anh và xứng đáng được đặt vào vị trí được định danh là nhà thơ.
Chỉ với câu thơ đó thôi, Chu Minh Khôi đã đủ để được gọi là thi sĩ rồi. Vâng, chỉ với câu thơ đó thôi, nó đã tôn xưng anh lên đúng vị trí mà anh phải được như thế.
Đến với nghiệp viết từ sớm song để theo con đường của chữ nghĩa thì Chu Minh Khôi đã phải vòng qua những khúc quanh. Viết văn, làm thơ từ thuở học trò nhưng lại thi và đỗ vào Đại học Nông nghiệp.
Hơn 5 năm viết báo tự do trong khi nghề chính là về thức ăn chăn nuôi. Nhưng dù thế nào thì con đường viết lách đã được ấn định sẵn cho anh. Sức hút của nó ma mị, những con chữ cứ chăng lưới bủa vây anh.
Sau những ngày tháng viết tự do cho rất nhiều tờ báo, cuối cùng thì Khôi đã về với Thời báo Nông nghiệp Việt Nam, vừa được thỏa sức với con chữ, vừa không mai một kiến thức chuyên môn. Khi chưa là phóng viên, tờ báo mà anh cộng tác thân thiết nhất và cũng đều đặn nhất, cho đến tận bây giờ, là tờ Giác Ngộ.
Cái duyên với Phật pháp được thể hiện thành các bài viết về những ngôi chùa quanh nơi anh sống, những di tích lịch sử nơi anh có dịp ghé qua khi đi công tác, những danh lam cổ tự mà anh đã được thưởng ngoạn, những vấn đề phật sự mà anh nghiên cứu...
Đó có thể là thắng tích được công nhận kỷ lục Guinness, là chiếc chuông đồng xưa cũ, là ngày khai hội chùa... được anh tập hợp thành cuốn Chạm tay vào những báu vật Phật giáo.
Pháp danh Quảng Tuệ của anh được chính Thượng tọa Thích Minh Hiền, động chủ Hương Tích, đặt cho khi anh quy giới sau những lần viết bài về lễ hội chùa Hương và có duyên được gặp thầy. (Tôi cũng đã viết về thầy với bài Thiền ảnh Thích Minh Hiền đã đăng trên ANTG Giữa tháng số 67).
Còn Khôi thì đã nhiều lần phỏng vấn thầy cho những bài viết trên báo Giác Ngộ với tư cách là cộng tác viên thân thiết. Tôi tin rằng câu thơ “Giọt sương câm đọng tương phùng vạn pháp” có được chính từ những lần anh đối ẩm cùng với Thượng tọa, về nhân tình thế thái, về ứng xử nhân sinh, về đạo pháp từ bi, về những bức ảnh đẹp tịnh huyền...
Bài thơ Hương Sơn tháng Ba được anh viết vào dịp khai hội chùa Hương xuân Giáp Ngọ năm 2014. Đã có hàng trăm bài thơ viết về cảnh đẹp chùa Hương, có hàng chục câu thơ trứ danh về bầu trời cảnh bụt tùng lâm Hương Tích, riêng Khôi cũng đã có Hương Sơn mùa trẩy hội, với những câu thơ lạ như “Nắng vu khoát treo ngang bến Đục/ Gió trầm luân vút thủng sương giăng/ Suối Yến vặn mình về bến Giác” nhưng đó chỉ là phép tu từ của ngôn ngữ, chứ chẳng thể thiền được như câu thơ “Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình”.
Tôi cho rằng câu thơ ấy đã đạt đến độ thiền. Chưa có một bài thơ nào, chưa có một câu thơ nào của Khôi rỗng như thế mà cũng đậm đầy năng lượng mật pháp đến như thế. Không còn là Hương Tích đơn thuần nữa, cho dù bồng lai tiên cảnh đến đâu, mà là Hương Sơn trong mật thức.
Nhưng không phải chùa Hương ắp đầy trong cảm thức của người thi sĩ mà là một Hương Sơn rỗng lặng. Cực lạ và ngược chiều. Lạ đến độ mật lạ. Trời-núi-nước Hương Tích tĩnh lặng đến độ vi thiền, tình với Hương Sơn đọng lắng đến độ mật huyền.
Rỗng lặng, chứ không phải rỗng không. Nói như Kim Dung, ngôn ngữ không cần phép tu từ nữa mà vẫn đạt tới cảnh giới khác. Không biết khi viết câu Hương thi đó tâm trạng Khôi thế nào? Anh đặt tất cả tâm thức mình vào núi trời Hương sơn hay hòa tan bản thể mình vào sương khói tùng lâm để có được câu thiền hương như vậy?
Chắc phải thiền đến độ mật thiền mới có được câu thơ như thế. Bảng lảng thành mây nước trôi cùng dòng Yến Vĩ, tán mình thành hương mơ khuếch bay theo gió trên ngọn tuyết sơn, bung bật thân thành cánh mộc miên rực lửa quanh cầu Hội, hóa hiện mình thành ngọn rau sắng mướt xanh kẽ đá lối vào động...
“Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình”. Tôi sẽ không phân tích cái đẹp của câu thơ đó nữa. Bởi tôi sợ con chữ của mình không đủ sức tải truyền hết vẻ đẹp vừa tinh mật vừa thiền vi như thế. Để tự nó xạ hương sẽ hay hơn ngàn lần diễn giải về nó.
Để tự người đọc cảm nhận hết vẻ đẹp nhiều nét thiền, cái uyên mật của câu thơ đó bằng sự trải nghiệm đời sống của mỗi người, bằng cảm xúc mật pháp của mỗi tâm trạng. Hương Sơn tháng Ba. Tôi cũng không phân tích cái hay của bài thơ này nữa.
Bởi đã có cả một chương trình trên Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội phát sóng vào dịp tết Ất Mùi năm 2015 về thơ của các tao nhân mặc khách viết về chùa Hương, trong đó chỉ mỗi Chu Minh Khôi là tác giả thơ sinh thời, còn những tác giả khác (Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Nhược Pháp, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu...) đều đã thiên cổ.
Rỗng là một khái niệm vật lý. Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận trong lần ra mắt cuốn sách Đối thoại với hoa sen (tháng 7/2016) tại Trung tâm văn hóa Pháp đã hẹn sẽ trở lại Việt Nam với chủ đề “rỗng” cũng bằng một cuốn sách để đưa vật lý thiên văn gần hơn với chúng ta.
Theo ông, rỗng không phải là trống rỗng mà là một dạng vật chất tối chứa đầy năng lượng. Rỗng của Chu Minh Khôi không phải là rỗng không mà là một trạng thái tâm lý đặc biệt của tâm thức.
Trạng thức tâm lý đặc biệt ấy chỉ những người con Phật xao xuyến trước cái huyền vi của mật pháp mới có được hoặc cảm nhận được trạng thức này. Tôi nghĩ Khôi là người đầu tiên biểu hiện được trạng thức ấy thành con chữ trong những câu thơ về Phật giáo của mình. Trước Khôi chưa thấy có ai và sau Khôi thì chưa biết là ai...
- Tác giả: Lê Bảo Âu Long - Bài viết đăng trên Báo An Ninh Thế Giới cuối tháng số tháng 4.2018 -
Hoa gạo giấu môi hồng sau vòm lửa
Mưa phùn bay say khướt cả tháng Ba Núi lảo đảo nắng kinh cầu kiếp trước Suối Yến ngược trôi về phía đỉnh Lăng Già.
Chim én rót mùa xuân vào động biếc
Câu Nam-mô nhuộm tím cả chuông chùa Thiên Trù đó chạm vào ta như thể Hương lạ giai nhân lén bỏ bùa.
Ta vịn tay vào đầu kia cơn gió
Gặp chùm hoa vô sắc vừa rơi Đường thái không ruổi về tâm tĩnh tại Xin lụi tàn để mở cuộc sinh sôi.
Đường lên núi một vầng mây trắng
Gối đầu lên ngọn cỏ phiêu linh Giọt sương câm đọng tương phùng vạn pháp Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình. Chu Minh Khôi |
No comments:
Post a Comment